Để lưu giữ giá trị của những cuốn sách, tài liệu quý có lịch sử từ hàng chục đến hàng trăm năm, thời gian qua, Thư viện Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác bảo quản, phục chế và tu bổ.
Để lưu giữ giá trị của những cuốn sách, tài liệu quý có lịch sử từ hàng chục đến hàng trăm năm, thời gian qua, Thư viện Đồng Nai đã đẩy mạnh công tác bảo quản, phục chế và tu bổ.
Cán bộ Thư viện Đồng Nai đang bảo quản, phục chế sách và các tài liệu quý. Ảnh: L.Na |
Không chỉ mang đến diện mạo mới, làm đẹp những ấn phẩm quý, mà qua bảo quản, phục chế và tu bổ sách, báo, tài liệu quý còn góp phần kết nối tri thức, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
* Bảo quản, phục chế gần 4 ngàn bản sách
Bảo quản, phục chế sách và các tài liệu quý đã cũ, cổ là quá trình tái tạo tài liệu và thông tin khi tài liệu có dấu hiệu bị mất mát hoặc hư hỏng nặng, bị rách, cong góc, các tập (tay) tách khỏi sách... Đây là công việc được Thư viện Đồng Nai thực hiện thường xuyên và liên tục hằng năm.
Phó giám đốc Thư viện Đồng Nai Hoàng Thị Hồng cho biết, đến thời điểm hiện tại, thư viện đã bảo quản, phục chế gần 4 ngàn bản sách cũ, sách cổ bị hư hỏng, mục rách. Thư viện cũng gia cố để bảo quản các bản tài liệu quý có nguy cơ bị hư hoại trước năm 1975. Ngoài ra, thư viện cũng thường xuyên tổ chức các đợt thanh lọc tài nguyên thông tin (các sách đã bị rách, bị nát do mối mọt, do người đọc phá hủy không có khả năng phục chế). Trong đó, đã thanh lọc được gần 6 ngàn bản sách (trong đó có gần 4,5 ngàn bản sách thiếu nhi và hơn 1,4 ngàn bản sách phòng đọc).
“Việc bảo quản, phục chế cũng như thanh lọc tài nguyên thông tin nhằm gìn giữ và kéo dài “tuổi thọ” cho sách, tài liệu quý, mang đến diện mạo mới cho sách. Cùng với sách tại các phòng đọc hiện có, trong năm 2023, Thư viện Đồng Nai sẽ tổ chức thêm phòng đọc lưu động, phục vụ tốt hơn nhu cầu đọc sách, tìm kiếm tài liệu của bạn đọc” - bà Hồng nói.
Lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm Bộ VH-TTDL vừa ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin. Trong đó, đề ra nguyên tắc lấy người sử dụng thư viện làm trung tâm; thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình cung ứng sản phẩm và dịch vụ thư viện. Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số hướng đến phát triển tài nguyên thông tin số, tài nguyên thông tin mở, thư viện số trong tổ chức các hoạt động thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-10-2022. |
Hiện nay, tại các thư viện trên địa bàn tỉnh, cơ sở vật chất cũng như những trang thiết bị để phục chế, bảo quản tài liệu còn rất thiếu thốn, lạc hậu. Để khắc phục tình trạng tài liệu bị hư hỏng, các thư viện đã thực hiện công tác phục chế tài liệu ở những kỹ thuật phổ thông nhất như: đóng lại sách hay sao chụp, nhân bản tài liệu. Chưa có nhiều địa phương áp dụng những kỹ thuật vào bảo quản và phục chế tài liệu hiện đại.
Theo chị Đinh Nhài, chuyên viên tham gia phục chế sách tại Thư viện Đồng Nai, việc phục chế, tu bổ chỉ áp dụng đối với tài liệu lịch sử, tài liệu có giá trị cao, không áp dụng đối với tài liệu hiện hành. Tùy theo mức độ bị hư hỏng và loại tài liệu mà tiến hành lựa chọn giấy bồi cho thích hợp, phục chế, vá, dán tài liệu... Đối với những tài liệu đã được phục chế, việc bảo quản cũng vô cùng quan trọng, để tránh bị hư hỏng trở lại, phải chú ý các yếu tố nóng, ẩm, ánh sáng, acid, côn trùng các loài gặm nhấm, nấm mốc, bụi và đặc biệt là con người.
“Phục chế, bảo quản sách, tài liệu quý được xem là một nghệ thuật. Đây không phải là công việc đơn giản mà bất cứ ai cũng làm được, bởi phải có đam mê và tình yêu với sách, cộng với tính kiên trì, tỉ mỉ, khéo léo thì mới theo đuổi được lâu dài. Qua đó, bảo lưu tài liệu, đặc biệt là tài liệu quý hiếm; nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ cũng như bồi dưỡng, phát huy kỹ năng nghiệp vụ về công tác phục chế, tu bổ tài liệu cho cán bộ phụ trách thư viện trong tình hình hiện nay” - chị Nhài chia sẻ.
* Gìn giữ giá trị tri thức…
Để sách và tài liệu quý đến gần với bạn đọc, nhiều cá nhân và đơn vị trên địa bàn tỉnh đã lan truyền “phong trào” hiến tặng sách cũ quý hiếm cho thư viện. Trong đó, PGS-TS Huỳnh Văn Tới đã trao tặng hơn 3 ngàn bản sách văn nghệ dân gian các dân tộc mà ông dày công nghiên cứu, sưu tầm, tuyển chọn với mong muốn Thư viện Đồng Nai sẽ trưng bày, phát huy tốt giá trị của sách. Hay như Trung tâm Văn miếu Trấn Biên đã trao tặng Thư viện Đồng Nai 680 bản sách về văn hóa, lịch sử và đĩa CD.
Một số sách cũ trước năm 1975 được cán bộ Thư viện Đồng Nai bảo quản, phục chế |
Mới đây nhất (tháng 7-2022), gia đình của cố học giả Lý Việt Dũng (1939-2022), ngụ KP.3, P.An Hòa, TP.Biên Hòa, đã trao tặng cho Thư viện Đồng Nai gần 500 bản sách. Trong đó gồm những cuốn sách quý về lịch sử, nghiên cứu văn hóa Nam bộ, từ điển Anh, Hán, các tác phẩm văn học, y học, Phật giáo… do chính ông tham gia viết, dịch, hiệu chỉnh, chú giải. Đây là nguồn sách, tài liệu quý, sẽ góp phần làm đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên thông tin của Thư viện Đồng Nai, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu của đông đảo bạn đọc trên địa bàn.
Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết: “Đối với nguồn sách, tài liệu quý các cá nhân, đơn vị trao tặng cho Thư viện Đồng Nai, thời gian tới thư viện sẽ tiếp tục tổ chức trưng bày, phục vụ có hiệu quả nhu cầu của bạn đọc cũng như lan tỏa sâu rộng hơn giá trị của sách. Thư viện mong muốn sẽ có nhiều hơn những cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp cùng chung tay với thư viện tiếp tục ủng hộ sách, nhất là việc trang bị thêm các tủ sách, góp phần xây dựng văn hóa đọc tại cộng đồng hướng đến xây dựng xã hội học tập, lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc”.
Ly Na