Báo Đồng Nai điện tử
En

Duyên với sân khấu cải lương Đồng Nai

07:08, 20/08/2022

Nghệ sĩ Huỳnh Văn Vinh (nghệ danh Thành Vinh) là nghệ sĩ trẻ duy nhất của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa được Bộ VH-TTDL đăng tải trong danh sách lấy ý kiến đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10.

Nghệ sĩ Huỳnh Văn Vinh (nghệ danh Thành Vinh) là nghệ sĩ trẻ duy nhất của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai vừa được Bộ VH-TTDL đăng tải trong danh sách lấy ý kiến đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT lần thứ 10.

Nghệ sĩ Thành Vinh (vai Lê Đạo) trong vở cải lương Thánh Chân công chúa của công diễn năm 2022. Ảnh: L.Na
Nghệ sĩ Thành Vinh (vai Lê Đạo) trong vở cải lương Thánh Chân công chúa của công diễn năm 2022. Ảnh: L.Na

Hơn 20 năm đến với cải lương, nghệ sĩ Thành Vinh đã trở thành gương mặt được yêu mến trên sân khấu, anh đã hết lòng cống hiến cho nghệ thuật. Đặc biệt, anh có duyên với nhiều vở diễn về đề tài lịch sử.

* Hơn 20 năm gắn bó với cải lương

Được trời phú cho giọng nam cao và niềm đam mê ca hát, nghệ sĩ Thành Vinh (sinh năm 1981) ngay từ khi còn nhỏ đã được khán giả yêu thích vì giọng ca đầy nội lực, nét diễn tự nhiên, hóa thân vào nhiều vai hấp dẫn, lôi cuốn. Tuy không “nổi đình nổi đám” trên các phương tiện thông tin như nhiều đồng nghiệp cùng trang lứa nhưng anh vẫn có vị trí riêng của mình trong lòng công chúng ở Đồng Nai.

Nghệ sĩ Thành Vinh cho biết, anh sinh ra trong gia đình không có truyền thống nghệ thuật nhưng cái duyên với nghề đã đưa anh đến với cải lương, gắn bó với sân khấu chuyên nghiệp. Anh theo học cải lương tại Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Sau khi tốt nghiệp, anh về công tác tại Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, đến nay hơn 20 năm.

Mới đây, trong danh sách Bộ VH-TTDL đăng tải hồ sơ do 5 hội đồng chuyên ngành trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, Đồng Nai có 2 nghệ sĩ được đề nghị xét tặng danh hiệu gồm: NSƯT Đồng Thị Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, được đề nghị xét tặng NSND và nghệ sĩ Huỳnh Văn Vinh, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, được đề nghị xét tặng NSƯT.

Trong hành trình đến với cải lương, nghệ sĩ Thành Vinh đặt dấu ấn cá nhân vào hàng chục vai diễn. Nổi bật có: Hồ Nguyên Trừng (vở Bão táp một vương triều), Hai Thành (Những ngôi sao biển), Nghĩa (Trả giá), Trần Liễu (Tình sử hai vương triều), Đỗ Tử Bình (Huyết bào), Minh (Tiếng gọi), Lê Đạo (Thánh Chân công chúa)…

Nghệ sĩ Thành Vinh xuất hiện trên sân khấu cải lương với nhiều dạng vai, chính diện có, phản diện có. Đặc biệt, anh có duyên với nhiều vai diễn về đề tài lịch sử… Tuy nhiên, khi nói về nghề, anh cho rằng người làm nghệ thuật thì không có vai diễn nào là nhỏ. Dù lịch sử hay đương đại, bất cứ vai diễn nào đều phải khổ luyện để hoàn thành, mang cảm xúc đến cho người xem.

Ngoài cải lương, anh còn thường xuyên tham gia biểu diễn các tiết mục ca múa nhạc (bolero, nhạc cách mạng, nhạc quê hương…).

Nhiều anh chị, bạn bè trong nghề quý mến và khâm phục nghệ sĩ Thành Vinh bởi anh chọn con đường đến với nghệ thuật cải lương một cách chậm rãi, từ tốn, được xây dựng bằng tất cả tâm huyết, khát khao. Anh chăm chỉ làm việc, miệt mài luyện giọng trên sân khấu, vất vả theo từng vai diễn. Để chinh phục được khán giả, anh cho rằng, ngoài giọng ca trời phú thì bản thân phải luyện tập nhuần nhuyễn các công đoạn: lấy hơi, nhả chữ, luyến láy; phong thái biểu diễn… Bởi, cải lương là phải kết hợp giữa ca và diễn.

“Cải lương nhìn có vẻ đơn giản nhưng muốn thu hút được khán giả thì người nghệ sĩ phải luôn làm mới mình qua từng vai diễn. Bản thân tôi luôn lấy đam mê làm động lực cố gắng mỗi ngày và với mong muốn cùng đồng nghiệp lan tỏa cải lương của Đồng Nai đến với công chúng gần xa” - nghệ sĩ Thành Vinh chia sẻ.

* Gặt hái nhiều thành tích

Trò chuyện với nghệ sĩ Thành Vinh, anh say mê nói về những vấn đề của cải lương hiện nay, về những cái khó, cái hay của cải lương như một sự nhắc nhớ về quá khứ của loại hình nghệ thuật truyền thống. “Đồng Nai là địa phương làm rất tốt công tác bảo tồn, phát huy sân khấu cải lương. Thời gian qua, đã có hàng chục vở diễn, trích đoạn cải lương được công diễn trực tuyến và phát sóng trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, được công chúng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Đó chính là sự ghi nhận những sự nỗ lực, cố gắng chung của tập thể nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai” - nghệ sĩ Thành Vinh bộc bạch.

Hơn 20 năm đến với nghệ thuật, nghệ sĩ Thành Vinh gặt hái được nhiều thành tích, sở hữu cho mình bộ sưu tập huy chương qua các kỳ liên hoan, hội diễn. Tiêu biểu như: HCB, HCV Liên hoan Sân khấu cải lương toàn quốc tại Bạc Liêu năm 2015; Long An năm 2018; Giải C Trịnh Hoài Đức năm 2017… Để có được kết quả ấy, với nghệ sĩ Thành Vinh là cả một quá trình học hỏi và rèn luyện. Với anh, hạnh phúc lớn nhất là khi màn hạ rồi mà khán giả vẫn còn lưu luyến vở diễn.

Quảng bá nghệ thuật cải lương là việc mà nghệ sĩ Thành Vinh vẫn luôn đau đáu. Anh cùng các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thường xuyên mang các tác phẩm mới về cơ sở, biểu diễn phục vụ bà con. Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh cập nhật liên tục các vở diễn, trích đoạn, thời gian công chiếu để công chúng theo dõi và đón xem.

“Mỗi lần về cơ sở biểu diễn, chúng tôi nhận được nhiều lời khen, lời cảm ơn của bà con các dân tộc. Chúng tôi hạnh phúc khi những cống hiến của mình được cộng đồng ghi nhận. Tôi nghĩ rằng, ở ngoài kia có rất nhiều người yêu thích cải lương nói riêng và sân khấu nói chung, nhưng họ chưa có điều kiện tiếp cận, thưởng thức. Một khi khán giả chưa đến với cải lương thì cải lương phải đến với khán giả, bất kể là qua sân khấu lớn hay nhỏ, nhất là đưa sân khấu vào các trường học, tạo điều kiện cho các em học sinh năng khiếu đến gần với nghệ thuật” - nghệ sĩ Thành Vinh trải lòng.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích