Gần 30 năm qua, ông Hà Lam Danh (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) đã kỳ công tìm đọc, sưu tầm tư liệu và biên soạn nhiều cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ theo sự trải nghiệm của cuộc đời ông.
Gần 30 năm qua, ông Hà Lam Danh (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành) đã kỳ công tìm đọc, sưu tầm tư liệu và biên soạn nhiều cuốn sách về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ theo sự trải nghiệm của cuộc đời ông.
Ông Hà Lam Danh đọc sách tại Thư viện H.Long Thành. Ảnh: L.Na |
Mới đây nhất, ông Danh đã ra mắt cuốn sách Từ điển Hồ Chí Minh sử dụng tục ngữ, ca dao (NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022). Đây là tác phẩm được ông ấp ủ, thực hiện trong hơn 10 năm qua.
* Đam mê nghiên cứu, viết sách về Bác Hồ
Với tấm lòng kính yêu, biết ơn Bác Hồ, ông Danh đã mày mò nghiên cứu, biên soạn 5 tác phẩm về Người. Đây là công trình được ông thực hiện trong suốt thời gian dài.
Ông Danh cho biết, ông sinh ra và lớn lên ở TP.Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Năm 1989, ông và gia đình chuyển về Đồng Nai sinh sống và làm việc tự do tại H.Long Thành. Từ nhỏ, ông đã có đam mê nghiên cứu, sưu tầm sách về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
“Nhiều năm trước, tôi tham gia cộng tác với Báo Văn nghệ TP.HCM, có thời gian rảnh đi sưu tầm, mua sách về Bác Hồ để đọc và tìm hiểu. Tôi bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên với tên gọi: Bác Hồ ở Thái Lan. Bản thảo viết tay sau khi gửi về NXB Trẻ đã được ấn hành vào năm 1999. Cuốn sách này sau đó được tái bản 2 lần” - ông Danh chia sẻ.
Sau cuốn sách đầu tiên, ông Danh tiếp tục nghiên cứu và thực hiện các cuốn: Từ điển Danh ngôn Hồ Chí Minh; Sổ tay bút danh Hồ Chí Minh; Trong tình thương của Bác (gồm những mẩu chuyện của Bác Hồ với thơ ca). Các đầu sách này đều được NXB Thanh Niên ấn hành. Riêng với cuốn Từ điển Hồ Chí Minh sử dụng tục ngữ, ca dao (tuyển chọn) ấn hành năm 2022 được ông dày công nghiên cứu trong vòng 10 năm, tìm hiểu từ hơn 20 bộ sách lớn về Bác Hồ và 40 đầu sách khác viết về Người.
Ông Danh tâm sự: “Cuốn Từ điển Hồ Chí Minh sử dụng tục ngữ, ca dao (tuyển chọn) dày 251 trang với trên 600 mục từ tục ngữ, ca dao. Việc biên soạn cuốn sách cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi tục ngữ, cao dao trong các tác phẩm được Bác Hồ sử dụng rất linh hoạt. Có một số tục ngữ, ca dao đã được Bác cải biên, không sử dụng nguyên văn… Tôi gửi bản thảo cho NXB Thanh Niên từ cuối năm 2019, nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 trong 2 năm 2020, 2021 nên đến giữa năm 2022 sách mới phát hành”.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài một bản thảo nghiên cứu về thơ lục bát của Bác Hồ (giai đoạn Bác đi tìm đường cứu nước) đã gửi cho NXB Thanh Niên, ông Danh còn 6 bản thảo viết về Người chưa hoàn chỉnh. Ông cho rằng, đây đều là những công trình ông rất tâm đắc, những đề tài chưa có người nào ở Đồng Nai thực hiện chuyên sâu. Trong thời gian tới, ông sẽ tiếp tục hoàn thành và xuất bản, phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của bạn đọc gần xa.
* Mong muốn lan tỏa tấm gương sáng của Bác Hồ
Theo ông Danh, có những tác phẩm, do không đủ tài liệu nên ông phải chạy lên TP.HCM tìm kiếm sách, mua có, mượn có. Thời còn trẻ, hằng tháng ông thường xuyên chạy xe máy về Thư viện Đồng Nai mượn sách. Các tác phẩm thực hiện xong, do không đủ kinh phí để tự in ấn nên ông gửi bản thảo về cho các NXB để NXB có thể hỗ trợ.
Từ điển Hồ Chí Minh sử dụng tục ngữ, ca dao do ông Hà Lam Danh biên soạn, NXB Thanh Niên ấn hành năm 2022 |
“Việc ấn hành với tôi khó khăn hơn khi bản thân chưa có đủ điều kiện để tự in sách. Do vậy, tôi gửi bản thảo cho các NXB, họ đồng ý in và phát hành miễn phí; tôi được chi trả nhuận bút từ viết sách. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi nhiều tác phẩm của mình được ấn hành, tái bản nhiều lần. Điều này chứng tỏ các tác phẩm đã đến với đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh” - ông Danh cho hay.
Khi được hỏi động lực nào giúp ông thực hiện nhiều đầu sách về Bác Hồ, ông Danh chỉ cười hiền và nói rằng tất cả là vì đam mê. Và hơn hết, ông làm điều đó với mong muốn lan tỏa được cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến bạn đọc gần xa, đã giúp ông tích cực đọc sách, nghiên cứu và ra sách về Bác.
Ông Danh bộc bạch: “Nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh thì có nhiều điều để thế hệ hôm nay và mai sau học tập lắm. Đó là sự kiên trì, dù làm gì cũng làm tới cùng với ý chí quyết tâm cao; sự thông minh, uyên bác, ham học hỏi; tình yêu thương, lòng nhân ái vô bờ bến... Một người làm việc tự do như tôi luôn hướng theo, học hỏi theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức và phong cách của Bác. Điều này giúp tôi theo đuổi đam mê của mình cho đến ngày hôm nay”.
Hiện tại, các đầu sách về Bác Hồ do ông Danh thực hiện đã có mặt trong hệ thống Thư viện H.Long Thành, Thư viện Đồng Nai… Ông Danh mong muốn các tác phẩm này sẽ được nhân rộng hơn trong hệ thống thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh, để mỗi học sinh, sinh viên đều được đọc, tìm hiểu, phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu của mình.
Ly Na