Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạp bút năm Ất Hợi 1995: Đôi điều gửi gắm từ nhà cổ ngoạn trứ danh

06:09, 17/09/2022

Tạp bút năm Ất Hợi 1995 là một tập hợp những tạp bút và lá thơ mà tác giả Vương Hồng Sển đã dày công lưu giữ và nghiên cứu. Đọc tác phẩm, chúng ta như hiểu được một phần con người tác giả với đầy đủ những trăn trở, lo toan hay chiêm nghiệm của ông về cuộc đời, những thú chơi phong lưu và những hoài niệm xưa cũ.

Tạp bút năm Ất Hợi 1995 là một tập hợp những tạp bút và lá thơ mà tác giả Vương Hồng Sển đã dày công lưu giữ và nghiên cứu. Đọc tác phẩm, chúng ta như hiểu được một phần con người tác giả với đầy đủ những trăn trở, lo toan hay chiêm nghiệm của ông về cuộc đời, những thú chơi phong lưu và những hoài niệm xưa cũ.

* Những thú chơi phong lưu

Phần lớn dung lượng sách là những tạp bút của tác giả viết về thú chơi cổ ngoạn. Trong đó, ông phân tích tỉ mỉ từng món cổ vật và nguồn gốc ra đời của chúng. Từ những chiếc đĩa sứ cổ của triều Nguyễn cho đến từng chiếc ché với đa dạng nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng, độ hiếm.

Không chỉ thế, ông cũng biết hầu hết các tay chơi có tiếng trong lĩnh vực này. Như trong tạp bút Từ lộc bình Bá huê tôn qua ché rượu đời Tự Đức, ông miêu tả khá kỹ về “mấy người họ Hoàng gốc Huế” như: Hoàng Nai, Hoàng Đàn, Hoàng Cán “chuyên rút rỉa sứ cổ quý giá trong Nội, do bà Từ - Cung cho phép bán ra”. Đồng thời, ông cũng đánh giá “họ học rất ít nhưng họ giỏi đánh hơi và rất nhạy về giá bán của cổ vật bán ra”.

Đọc toàn bộ tác phẩm, chúng ta bắt gặp nhiều câu đúc kết được tác giả lồng ghép trong bài một cách tinh tế. Như trong “Thuật lại những gì là kinh nghiệm, kỷ niệm riêng và học hỏi được về ngành sưu tập và khoa chơi đồ sứ cổ”, ông chia sẻ kinh nghiệm: “Bí quyết của nghề chơi cổ ngoạn là nên trở đi trở lại viếng viện bảo tàng vì ít nữa khi mình gặp món nào đã thấy chưng bày nơi viện thì đó là vật mẫu mà mình nên xem như là thầy dẫn đường”. Và ông cũng cho biết, bí quyết thực sự nằm ở chỗ “muốn có cổ vật xưa thì phải học tập và phải biết tha thứ…” và không cứ rằng cổ vật quý là phải còn nguyên vẹn, bởi “đối với cổ vật thì càng lâu đời càng phải chịu trầy trụa, sứt mẻ là cố nhiên, thường sự”.

* Tuổi già với những chiêm nghiệm và hoài niệm

Đi qua hơn 90 năm cuộc đời, gia tài của ông là một bầu trời kỷ niệm. Đa phần các ghi chép của ông về những người bạn cũ là dòng hồi tưởng lại kỷ niệm xưa cũ đã qua. Trong dòng ký ức đó, từng nhân vật được khắc họa lên với đầy đủ màu sắc, tính cách, chân dung một cách toàn vẹn.

Chúng ta có thể bắt gặp nhiều tâm sự cũng như chiêm nghiệm của Vương Hồng Sển trong một số tạp bút và lá thơ ông viết. Sống tới tuổi hơn 90, ông ngộ ra nhiều điều về nhân sinh. Có đoạn, ông viết ở góc nhìn cá nhân: “Tình đời là vậy. Thức đêm mới biết đêm dài. Sống lâu mới rõ cái gì quá lâu vẫn tai hại và không nên ham sống dai làm gì”.

Những lá thơ ở cuối sách, ông ghi lại nhiều tâm sự về gia đình, thời cuộc và di nguyện để lại với đời. Qua đó, chúng ta cũng biết được phần nào về những góc khuất phía sau cuộc đời ông - người được biết đến như một nhà cổ ngoạn trứ danh của vùng đất Nam bộ.

Có thể nói, tác phẩm Tạp bút năm Ất Hợi 1995 là những gửi gắm quý báu còn lại của tác giả cho cuộc đời. Ông không đề cập đến sự kết thúc, nhưng kịp để lại những gì tinh túy và cái nhất trong tập di cảo của mình. Đọc và thưởng thức tác phẩm là dịp để chúng ta tri ân tới những đóng góp của ông cho cuộc đời và cho một gia tài sự nghiệp dày dặn về mảng khảo cứu văn hóa Nam bộ xưa và nay.     

Minh Khôi

Tin xem nhiều