Báo Đồng Nai điện tử
En

Tri ân Tổ nghề sân khấu

07:09, 06/09/2022

Hướng đến Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), các thế hệ nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Hướng đến Ngày Sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), các thế hệ nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh đã và đang tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Một cảnh trong vở cải lương Nợ nước non được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn tại TP.Biên Hòa năm 2022. Ảnh: L.Na
Một cảnh trong vở cải lương Nợ nước non được Nhà hát Cải lương Việt Nam công diễn tại TP.Biên Hòa năm 2022. Ảnh: L.Na

Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ cùng nhau ôn lại truyền thống, tôn vinh Tổ nghề, nhìn lại quá trình hoạt động để cùng nhau sáng tạo nhiều tác phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu của công chúng khán giả.

* Nhiều hoạt động tri ân...

Hoạt động tri ân Tổ nghề sân khấu diễn ra khắp các địa phương trong tỉnh bắt đầu từ ngày 1 đến hết 9-9. Nghệ nhân dân gian Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử (ĐCTT) tỉnh Đồng Nai cho biết, sau hơn 2 năm gián đoạn do dịch bệnh Covid-19, năm nay CLB đã tổ chức lễ giỗ Tổ đúng vào ngày 2-9 với sự tham gia của hơn 30 nghệ nhân, nghệ sĩ yêu thích ĐCTT Nam bộ. Trong không khí trang nghiêm, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã cùng nhau dâng những nén hương thơm, trình diễn những bản tài tử, cải lương mới cúng Tổ.

“Trong 8 tháng của năm 2022, sân khấu ĐCTT Đồng Nai gặt hái được nhiều kết quả. CLB ĐCTT tỉnh Đồng Nai đã tham gia 6 cuộc biểu diễn, phục vụ nhân dân trong và ngoài tỉnh. Trong đó, CLB đã tham gia thi diễn nghệ thuật ĐCTT với chủ đề: Miền Đông hòa nhịp đờn ca tại tỉnh Tây Ninh, đoạt huy chương bạc tiết mục Đồng Nai di cảo và đoạt huy chương vàng cuộc thi sáng tác lời mới cho 20 bài bản tổ với tác phẩm Đồng Nai đất thắm tình người (soạn giả Nguyễn Trâm Oanh)…” - nghệ nhân Phạm Lơ nói.

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký và ban hành Quyết định số 13/QĐ-TTg lấy ngày 12-8 âm lịch làm Ngày Sân khấu Việt Nam. Từ đó đến nay, Ngày giỗ Tổ sân khấu được tổ chức rộng rãi khắp các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai. Qua đó, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”; động viên tinh thần cho đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên trong lĩnh vực sân khấu phát huy giá trị truyền thống, cùng nhau đoàn kết sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Long Thành Nguyễn Mạnh Cường cho biết, năm nay thay vì tổ chức đúng ngày 12-8 âm lịch, trung tâm đã tổ chức lễ giỗ Tổ vào ngày 4-9. Đây là hoạt động được trung tâm tổ chức và duy trì thường niên, không chỉ tri ân Tổ nghiệp, những người đã có công gìn giữ và phát huy các giá trị của nghệ thuật, của sân khấu mà còn tạo điều kiện cho các nghệ sĩ trên địa bàn gặp gỡ, giao lưu.

“Từ hoạt động tri ân Tổ nghiệp, chúng tôi kỳ vọng các nghệ sĩ trên địa bàn sẽ tiếp tục phát huy năng lực sáng tạo, ra sức phấn đấu nhiều hơn nữa để có những tác phẩm nghệ thuật hay, đáp ứng nhu cầu của công chúng, xứng đáng là thế hệ kế thừa, nối nghiệp” - ông Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ.

Lễ giỗ Tổ sân khấu năm nay tại TP.Biên Hòa sẽ được tổ chức vào ngày 7-9 (nhằm ngày 12-8 âm lịch) để các nghệ sĩ, diễn viên trong tỉnh hội ngộ, tri ân Tổ nghiệp. Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai sẽ tổ chức công diễn vở cải lương Thành Thăng Long thuở ấy kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam lần thứ 13 (2009-2022) tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh vào tối 8-9.

NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, do nhà hát đang sửa chữa sân khấu nên việc tổ chức lễ giỗ Tổ nghề năm nay sẽ được tổ chức gọn gàng, không livestream như năm ngoái. Cùng với đó, các nghệ sĩ của nhà hát sẽ phối hợp với Hội VHNT Đồng Nai biểu diễn văn nghệ, phục vụ khán giả trên địa bàn TP.Biên Hòa trong đêm tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.

* “Tiếp lửa” cho nghệ thuật truyền thống

Sự hồi phục mạnh mẽ của sân khấu Đồng Nai từ sau đại dịch đã mang đến niềm vui và nguồn động viên lớn, giúp nghệ sĩ, diễn viên trên địa bàn tỉnh vơi bớt nỗi lo lắng sau thời gian dịch bệnh. Các đoàn nghệ thuật chuyên và không chuyên đều chủ động khắc phục khó khăn, tập luyện ngày đêm với mong muốn mang đến cho khán giả những vở diễn, những chương trình nghệ thuật chỉn chu, chất lượng, hấp dẫn nhất.

Một cảnh trong vở cải lương Thánh Chân công chúa được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai công diễn năm 2022
Một cảnh trong vở cải lương Thánh Chân công chúa được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai công diễn năm 2022

Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội VHNT Đồng Nai, NSND Giang Mạnh Hà cho hay, từ sau đại dịch, các đơn vị nghệ thuật có thời gian “thai nghén”, đầu tư kỹ các ý tưởng sáng tạo mới. Bởi vậy, hiện nay có rất nhiều dự án và chương trình nghệ thuật được triển khai và giới thiệu đến công chúng. Khán giả cũng rất háo hức để được xem những nghệ sĩ mà họ yêu thích, hâm mộ biểu diễn. Nhờ đó đã tạo nên luồng sinh khí mới cho sân khấu, giúp cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn thăng hoa, sôi động hơn.

Bên cạnh những thuận lợi, theo NSND Giang Mạnh Hà, hoạt động sân khấu hiện nay đang đứng trước nhiều khó khăn như chưa tạo được sự đột phá; khó khăn về nhân lực, tài lực; chính sách tiền lương vẫn chưa tạo ra động lực đủ mạnh để nghệ sĩ phát huy tài năng và cống hiến...

“Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nghệ sĩ sân khấu rất vui mừng khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về vai trò to lớn của văn hóa. Được biết, Chính phủ cho phép Bộ VH-TTDL nghiên cứu đề xuất để xây dựng các quy định về chế độ, chính sách cho nghệ sĩ… Đây là những hoạt động thiết thực, tiếp lửa cho những người làm nghệ thuật phát huy được năng lực sáng tạo, giữa lửa đam mê với nghề” - NSND Giang Mạnh Hà chia sẻ.              

  Ly Na

Tin xem nhiều
Giải đáp deadline là gì