Báo Đồng Nai điện tử
En

Cải lương phương Nam tạo dấu ấn trên đất Bắc

07:10, 04/10/2022

Tối 2-10, Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5 đã kết thúc tại rạp Đại Nam (Hà Nội) sau 1 tuần tranh tài với 13 vở diễn. 3 giải vàng đã thuộc về các vở diễn: vở cải lương Vương Quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, vở kịch nói Mưa đỏ và vở chèo Trung Trinh liệt nữ.

Tối 2-10, Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5 đã kết thúc tại rạp Đại Nam (Hà Nội) sau 1 tuần tranh tài với 13 vở diễn. 3 giải vàng đã thuộc về các vở diễn: vở cải lương Vương Quyền - Vụ án Tống Thị Quyên, vở kịch nói Mưa đỏ và vở chèo Trung Trinh liệt nữ.

Nghệ sĩ Thoại Mỹ vai thần phi Nguyễn Thị Anh trong Đêm trước ngày hoàng đạo. Ảnh:Trí Trọng
Nghệ sĩ Thoại Mỹ vai thần phi Nguyễn Thị Anh trong Đêm trước ngày hoàng đạo. Ảnh:Trí Trọng

* Cải lương phương Nam thu hút khán giả

Lần này tham gia liên hoan có 4 tác phẩm của các đơn vị phía Nam dự thi gồm: Vương quyền - Vụ án Tống Thị Quyên (kịch bản: Bích Ngân, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) thuộc đơn vị Chi hội Biểu diễn nghệ thuật Thăng Long - Hội Sân khấu Hà Nội; Đêm trước ngày hoàng đạo (tác giả: Võ Tử Uyên, đạo diễn: Hoa Hạ) của đơn vị Sân khấu cải lương mới Đại Việt; Án tình (cảm tác từ kịch ngắn Cõi tình của Huỳnh Phúc Điền, chuyển thể cải lương: Nguyên Phương, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) thuộc đơn vị Hội Sân khấu TP.HCM và vở kịch nói Câu hát tìm nhau (kịch bản: Nguyễn Thu Phương, đạo diễn: Thái Kim Tùng) đơn vị Sân khấu Sen Việt.

Trong đó, 2 vở cải lương Vương quyềnĐêm trước ngày hoàng đạo đã thực sự bùng nổ, đem đến nhiều cảm xúc cho khán giả thủ đô. Và sau liên hoan, đã có những lời mời lưu diễn đến 2 đơn vị.

Vương quyền mang danh nghĩa của chi hội thuộc Hội Sân khấu Hà Nội nhưng là sản phẩm chủ yếu của ê-kíp miền Nam. Vương quyền lấy mấu chốt là vụ án thông dâm chấn động triều Nguyễn, chấn động lịch sử giữa bà Tống Thị Quyên và chính con ruột của mình là Nguyễn Phước Đán (tức Nguyễn Phước Mỹ Đường). Sách sử vẫn còn nhiều nghi vấn nhưng câu chuyện trong kịch bản là một sự sắp đặt để thái hậu Trần Thị Đang và vua Minh Mạng diệt trừ hậu họa khi hoàng tôn Đán (con thái tử Cảnh và bà Tống Thị Quyên) mới là dòng chính thất. Bà Quyên đã bị xử tội dìm xuống nước cho đến chết, 2 con bà bị giáng xuống làm thứ dân, con cháu phải gánh chịu số phận hết sức bi thảm… Bên cạnh đó là nỗi lòng của các đại thần như: Lê Văn Duyệt, Phạm Đăng Hưng… Với cách dàn dựng khá kịch tính, xử lý mảng miếng tạo sức hấp dẫn, cuốn hút, đặc biệt là đoạn bà Tống Thị Quyên bị dìm xuống nước, đạo diễn đã xây dựng một lớp diễn như xiếc làm người xem thót tim nhưng hết sức phấn khích.

Nếu Vương quyền gây chú ý bởi lối dàn dựng nhiều màu sắc thì Đêm trước ngày hoàng đạo khiến người ta thổn thức với cách dàn dựng tinh tế, sâu lắng, đầy chất tự sự của cải lương. Vở là tâm sự đầy trăn trở của vương gia Lê Tư Thành ở đêm trước khi ông chuẩn bị lên ngôi, trở thành vua Lê Thánh Tông. Ở thời khắc đó, ông đau đáu muốn tìm cách giải oan cho bậc khai quốc công thần Nguyễn Trãi, người hết lòng vì nước vì dân mà cuối đời bị khép tội giết vua, mưu phản và bị tru di tam tộc. Nhưng lật lại vụ án, ông phải đối diện với sự lung lay của triều đình, mà chủ mưu là thần phi Nguyễn Thị Anh, người đã rước ông từ chốn dân dã về cung và yêu thương, dạy dỗ ông…

Đêm trước ngày hoàng đạo chỉ nhận được huy chương bạc. Nhưng với nhiều người, vở diễn hoàn toàn xứng đáng được huy chương vàng bởi sự chỉn chu, bởi đáp ứng được cả phần nghe và phần nhìn. 2 vở diễn được xem là nổi bật nhất liên hoan khi khán giả đến xem kín rạp, phải kê thêm ghế súp. Những tràng pháo tay không ngớt cho từng lớp diễn, khi nghệ sĩ xuống câu vọng cổ, khi họ thăng hoa… Không khí đó đã góp phần tạo cho liên hoan năm nay một sức nóng rất đáng yêu khi trời Hà Nội đang vào thu.

* Chị - em, sư phụ - đệ tử cùng thi tài

Trong 2 vở làm nóng liên hoan kể trên có chị em nghệ sĩ Thoại Miêu - Thoại Mỹ cùng tham gia. Nghệ sĩ Thoại Miêu vào vai thái hậu Trần Thị Đang trong vở Vương quyền. Đây là lần đầu tiên nghệ sĩ Thoại Miêu đảm nhận vai đào độc. Với kinh nghiệm mấy chục năm theo nghiệp hát, NSND Thoại Miêu đã chinh phục khán giả với hình ảnh người mẹ yêu con, mưu tính tất cả để giành ngai vàng cho con (vua Minh Mạng) để rồi cuối cùng vẫn rơi vào nỗi ám ảnh, cảm giác hoang hoải khi từ bỏ lòng nhân chỉ vì sức nặng của vương quyền.

NSƯT Thoại Mỹ thì quá xuất sắc với vai Thần phi Nguyễn Thị Anh trong Đêm trước ngày hoàng đạo. Một vai diễn độc mùi không dễ thể hiện, nhưng với tài năng của mình chị đã khiến không ít người làm nghề phải công nhận Thoại Mỹ đã xây dựng “nhân vật mẫu” mới cho vai diễn quá quen thuộc này. Chị diễn độc không gào thét hay hung dữ bên ngoài. Cái độc của chị bình tĩnh, lạnh và cũng có cái lý, cái tình. Xem Thoại Mỹ diễn, người ta không chỉ ghét Nguyễn Thị Anh mà đôi lúc cũng chạnh lòng với thân phận má hồng phải “long đong trong vòng danh lợi”.

Nổi bật nhất trong Vương quyền phải kể đến vai diễn Tống Thị Quyên của nghệ sĩ Bình Tinh. Bình Tinh hạn chế về sắc vóc, giọng cô khỏe nhưng không đặc sắc. Thế nhưng, cô hoàn toàn khắc phục được nhược điểm để vào vai Tống Thị Quyên một cách thuyết phục.

Với vai diễn này, có lẽ khó nghệ sĩ nào dám thể hiện khi đạo diễn xây dựng lớp diễn bà Tống Thị Quyên bị dìm xuống sóng nước. Bình Tinh phải diễn trên 7-8 cây tre lớn khoảng 15 phút, không dây bảo hộ, cô đu lên cao, lăn người trên không như… diễn xiếc trên tre để làm cho ra cảnh bà Quyên bị sóng nước vùi dập. Sự hy sinh đó khiến Bình Tinh nhận huy chương vàng được đánh giá là hoàn toàn xứng đáng. Trong cuộc sống, nghề nghiệp, Bình Tinh luôn nhận nghệ sĩ Thoại Mỹ là sư phụ.

Trí Trọng

Tin xem nhiều