Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp phần phục hồi và phát triển văn hóa đọc

07:10, 13/10/2022

Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2022) tại Hà Nội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, mỗi  NXB phải là bộ lọc để chọn ra những cuốn sách hay, sách đẹp; phải dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2022) tại Hà Nội vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, mỗi  NXB phải là bộ lọc để chọn ra những cuốn sách hay, sách đẹp; phải dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Cũng theo đồng chí Võ Văn Thưởng, chỉ khi có đông người đọc sách, ngành Xuất bản mới phát triển. Muốn có đông bạn đọc, phải không ngừng nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, có nhiều đầu sách hay, giá trị. Cần đảm bảo mỗi ấn phẩm ra đời không chỉ cung cấp tri thức mà còn đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, giải trí của độc giả. Muốn làm được điều này, không chỉ đòi hỏi ngành Xuất bản phải đổi mới, đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong hoạt động mà ngành In cũng phải cải tiến công nghệ, chất liệu thân thiện để có thêm nhiều sách đẹp. Các công ty phát hành sách bám sát cơ sở, đưa sách tới đúng địa chỉ người cần đọc, giúp độc giả tiếp cận sách nhanh, thuận lợi nhất.

Có thể thấy, thời gian qua, ngành Xuất bản, in và phát hành sách của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ chỗ thiếu sách để phục vụ bạn đọc, năng lực sản xuất chỉ vào khoảng 2 ngàn đầu sách/năm, đến nay Việt Nam đã có thể sản xuất được 450 triệu bản sách/năm, đạt 4,4-4,5 bản/người. Việt Nam hiện có 57 NXB, trên 2.300 cơ sở in, trên 2 ngàn doanh nghiệp phát hành, gần 13 ngàn điểm phát hành trên cả nước.

Để thích ứng được với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Xuất bản đã ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào hoạt động. Trong đó, đáng chú ý là việc ra đời và phát triển của sách điện tử đã và đang đáp ứng yêu cầu đọc phi truyền thống của lớp bạn đọc trẻ, thành thạo công nghệ. Bên cạnh đó, việc phát triển của thị trường sách online đã và đang cho thấy tiềm năng lớn đòi hỏi các NXB, đơn vị phát hành phải cập nhật, đón đầu xu hướng để thu hút đội ngũ bạn đọc thời đại công nghệ số.

Ngay tại các địa phương cũng có thể thấy sự nỗ lực trong việc đưa sách về với bạn đọc. Ngoài việc số hóa đầu sách, hệ thống thư viện còn chủ động cung cấp sách đến các trường học, trung tâm học tập cộng đồng… nhằm góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến đông đảo người dân. Thậm chí, đã có những cá nhân, bằng tình yêu và tấm lòng của mình với sách đã trao tặng hàng ngàn đầu sách có chất lượng cho các phòng đọc, thư viện trong tỉnh. Các ngày hội đọc sách, cuộc thi đại sứ văn hóa đọc… được tổ chức thường xuyên hơn đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, để duy trì văn hóa đọc là một thách thức vô cùng lớn. Do vậy, để thích ứng, ngoài những cách làm truyền thống, các NXB, đơn vị in ấn, phát hành đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ nhằm đưa tri thức, văn hóa… tới cộng đồng. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần phục hồi và phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc trong đời sống xã hội hiện nay.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích