Với truyền thống lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị.
Với truyền thống lịch sử hơn 320 năm hình thành và phát triển, Đồng Nai sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị.
Các em học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa tham quan Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: L.Na |
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản là một trong những nhiệm vụ được Đồng Nai đặc biệt quan tâm. Không chỉ đẩy mạnh trùng tu, tôn tạo di tích mà còn đổi mới nhiều phương thức tiếp cận công chúng để lan tỏa giá trị di sản trong cộng đồng.
* Đổi mới phương thức tiếp cận công chúng
Nhằm kết nối di sản với các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, từ tháng 11-2022, TP.Biên Hòa đã tổ chức chương trình Nhịp cầu di sản. Trong tập đầu tiên, chương trình đã được thực hiện tại di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên, thu hút đông đảo giáo viên, học sinh trên địa bàn tham gia.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho hay, mục đích của việc tổ chức chương trình Nhịp cầu di sản là mang giá trị văn hóa, lịch sử trên hệ thống di sản, di tích của TP.Biên Hòa đến gần với nhân dân một cách hiện thực, cụ thể hơn. Sau Văn miếu Trấn Biên, TP.Biên Hòa sẽ lần lượt thực hiện tại các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh và các di tích phổ thông. Trong mỗi chương trình sẽ có các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà sử học nổi tiếng của Đồng Nai để cùng kết nối với TP.Biên Hòa, chung tay giới thiệu các di tích.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai NGUYỄN VIỆT SƠN cho biết: “Nhân Ngày Di sản Việt Nam 23-11, Bảo tàng Đồng Nai tổ chức triển lãm chuyên đề Sắc màu văn hóa các dân tộc bản địa ở Đồng Nai. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền di sản văn hóa trên các phương tiện truyền thông và trang thông tin điện tử, mạng xã hội; xuất bản tập san của bảo tàng và thực hiện các chương trình quảng bá, giới thiệu giá trị di sản đến các tầng lớp nhân dân trên các đài PT-TH trong và ngoài tỉnh”. |
“Chúng tôi đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - thông tin TP.Biên Hòa sau khi thực hiện các clip về Nhịp cầu di sản chuyển tải vào các kênh thông tin của 30 phường, xã, các trường học trên địa bàn; giới thiệu trên mạng xã hội cũng như phối hợp với Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai lan tỏa hệ thống di sản của thành phố. 2 tuần/lần, chúng tôi đều đặn thực hiện chương trình Nhịp cầu di sản tại các điểm di tích; đồng thời kết nối, thực hiện các sản phẩm du lịch, vừa giới thiệu di sản vừa giới thiệu các các khu, điểm du lịch. Các tour này chú trọng thực hiện cho đối tượng học sinh, con em công nhân, người lao động” - ông Thanh nói.
Đánh giá cao và hào hứng tham gia chương trình Nhịp cầu di sản, PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn nội dung Văn miếu Trấn Biên cho biết, ý nghĩa của chương trình nằm ở “nhịp cầu”, vì di sản vật thể, phi vật thể đã nói quá nhiều nhưng phần lớn nằm ở “trên giấy, trên kệ”. Nhưng làm sao để gieo cấy, đốt lửa tình yêu di sản trong lòng các thế hệ, đó là lấy chữ “nhịp cầu” làm chuẩn. Tức là phải hiện thực hóa, tổ chức các hoạt động tích hợp tư liệu, hỏi đáp, sinh hoạt, trao đổi, ghi hình để xây dựng thành hệ thống dữ liệu.
“Dữ liệu này sẽ ứng dụng công nghệ 4.0, chia sẻ chung trên mạng xã hội để cộng đồng cùng tiếp cận. Đây là chương trình bước ra từ trong giấy, trong sách đi vào khối óc của mỗi người” - PGS-TS Huỳnh Văn Tới chia sẻ.
* Chú trọng ứng dụng công nghệ
Không chỉ ở TP.Biên Hòa mà ở các địa phương như: Trảng Bom, Nhơn Trạch, Định Quán, Long Khánh… đã và đang tổ chức nhiều chương trình về nguồn, tuyên truyền giá trị di sản vật thể, phi vật thể đến học sinh, sinh viên.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và thể thao H.Trảng Bom Tăng Thùy Phương Khánh, hằng năm các di tích trên địa bàn huyện đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan trong và ngoài tỉnh, nhiều nhất là lực lượng học sinh, đoàn viên thanh niên. Trung tâm đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử, các trò chơi vận động, đố vui có thưởng trực tuyến, trực tiếp… xoay quanh các di tích.
Bà Khánh bộc bạch: “Việc đổi mới phương thức tiếp cận di sản cho công chúng nhằm giúp thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm giá trị văn hóa lịch sử của Trảng Bom nói riêng, Đồng Nai nói chung một cách chủ động. Từ đó, tăng tính hấp dẫn cho việc trải nghiệm không gian di sản”.
Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho hay, với hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh rất lớn, bảo tàng đã và đang ứng dụng công nghệ trong bảo tồn, quảng bá giá trị di sản ở Đồng Nai. Thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, không chỉ tổ chức các hoạt động ở tỉnh mà còn tăng cường về cơ sở, nhằm giáo dục và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa trong nhân dân.
“Trong thời gian tới, Bảo tàng Đồng Nai sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai xây dựng tour kết nối sự kiện, lễ hội của di tích với du lịch; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thuyết minh và quảng bá di sản bằng công nghệ mới, thực hiện thí điểm ở một số di tích như: Nhà lao Tân Hiệp, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thành cổ Biên Hòa… với ứng dụng thuyết minh tự động gồm nhiều ngôn ngữ khác nhau. Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ để phục dựng những di vật, cổ vật, những công trình kiến trúc của di tích nhằm tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng… nhằm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai” - ông Sơn cho hay.
Ly Na