Ký ức còn mãi là tập truyện ký của tác giả Phạm Thị Trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2022. Cuốn sách là những trải nghiệm của tác giả, đồng thời là chuyện đời, chuyện nghề, những câu chuyện lịch sử, văn hóa với những cuộc gặp gỡ mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Ký ức còn mãi là tập truyện ký của tác giả Phạm Thị Trang, do NXB Hội Nhà văn ấn hành quý IV-2022. Cuốn sách là những trải nghiệm của tác giả, đồng thời là chuyện đời, chuyện nghề, những câu chuyện lịch sử, văn hóa với những cuộc gặp gỡ mà không phải ai cũng có cơ hội tham gia.
Tập truyện ký Ký ức còn mãi, tác giả Phạm Thị Trang. Ảnh: L.Na |
Ngoài lời giới thiệu và phần mở đầu câu chuyện, tập truyện ký Ký ức còn mãi gồm có 3 chương: Những bước chân chập chững về Đồng Nai, Nhiệm vụ mới và Tạm biệt Đồng Nai. Với hơn 100 trang, cuốn sách kể nhiều câu chuyện, trải nghiệm chân thật, đầy cảm xúc theo thứ tự thời gian từ khi tác giả Phạm Thị Trang - nguyên Giám đốc Nhà máy Bao bì Biên Hòa (nay là Công ty CP Bao bì Biên Hòa) còn là một thiếu nữ, cho đến lúc về nghỉ hưu.
Tác giả Phạm Thị Trang sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Nội ngàn năm văn hiến. Từ nhỏ, bà đã được gia đình cho theo học ở Trường Sainte Marie. Hà Nội giải phóng, bà rời Trường Sainte Marie, tìm trường quốc ngữ của Việt Nam để hoc tiếng Việt, sau đó tiếp tục học sơ cấp, rồi trung cấp kế toán của ngành bưu điện, công tác tại Ty Bưu điện Thanh Hóa. Cuối năm 1975, theo nguyện vọng của chồng - một cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, gia đình của bà Trang quyết định trở về miền Nam.
Về công tác tại Nhà máy Bao bì Biên Hòa, bà Phạm Thị Trang vừa làm việc, vừa quyết tâm theo học đại học tài chính - kế toán khóa đầu tiên tổ chức tại TP.HCM. Bà không ngừng làm việc, phấn đấu, được sự tín nhiệm của cơ quan và trở thành lãnh đạo của nhà máy. Những năm tháng ấy, việc sản xuất của nhà máy còn khó khăn, bà cùng với các cộng sự không ngại vất vả, đến các tỉnh, thành lân cận và vùng đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm thị trường. Từ gần 100 lao động, đến những năm 1999, số lượng công nhân của nhà máy đã có hơn 300 người, đời sống của người lao động trong nhà máy được cải thiện rõ rệt, mang dấu ấn tốt đẹp của thời kỳ đó. Người lao động coi SOVI như ngôi nhà thứ 2 của mình.
Năm 2001, lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được tiến hành, Nhà máy Bao bì Biên Hòa nằm trong danh sách cổ phần hóa. Năm 2002, bà Phạm Thị Trang nghỉ hưu, trở về Hà Nội. Những câu chuyện trong Ký ức còn mãi không chỉ mang đậm dấu ấn cá nhân, những dư vị đặc sắc của cuộc sống mà tác giả từng trải qua, mà còn chứa đựng trong đó cả tâm huyết, nỗi trăn trở không ngừng của tác giả, những giá trị nhân sinh cũng như vị trí, vai trò của nó trong lòng xã hội công nghiệp đang biến đổi từng giây, từng phút.
Dù rằng các câu chuyện đa phần liên quan đến ký ức của tác giả song mỗi câu chuyện đều mang sức chứa lớn về cảm xúc, cao hơn là cái duyên với nghề, là tấm lòng… mà tác giả dành cho con người, vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, đủ để giúp người đọc quên đi việc đọc tác phẩm mà như đang hòa mình vào chính cảnh đời thực.
Để trang viết không khô khan, ngoài các sự kiện, câu chuyện điển hình được đưa vào, tác giả luôn để nhân vật, sự kiện trôi giữa dòng cảm xúc ấy. Mạch truyện nhịp nhàng, nhiều phân đoạn tâm lý được đẩy lên cao trào và vỡ òa trong sự thức tỉnh, bài học được rút ra. Ngôn ngữ của tác giả thật thà, mộc mạc, gần gũi. Mặc dù thời gian không ngừng trôi, cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng những chiêm nghiệm về đời, về người… trong cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị giữa lối sống hiện đại tấp nập, xô bồ.
Bằng vốn kiến thức phong phú, những trải nghiệm và độ chín tâm hồn…, những câu chuyện trong Ký ức còn mãi của tác giả Phạm Thị Trang đã và đang giúp bạn đọc hiểu sâu hơn một phần cuộc đời của chính tác giả cũng như thấy được nhịp sống của đất nước trước và sau đổi mới, giai đoạn bản lề để Đảng, Nhà nước chuyển hướng tích cực sang xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
“Tôi đã làm việc ở Nhà máy Bao bì Biên Hòa 21 năm và cũng rời khỏi đất Đồng Nai vừa tròn 20 năm. Cảm ơn những người đã giúp tôi có những ngày sống có ý nghĩa, vui buồn, thành công hay thất bại cùng chia sẻ. Cho đến bây giờ vẫn còn nghe được tiếng nói của nhau, được gặp nhau khi có dịp và vượt qua được cơn bão đại dịch Covid-19 khủng khiếp này, chúng ta hãy cùng nhau cầu mong cho thế giới này không còn chiến tranh và dịch bệnh nữa” - tác giả PHẠM THỊ TRANG, nguyên Giám đốc Nhà máy Bao bì Biên Hòa. |
Ly Na