Nép mình trong con hẻm nhỏ tại KP.7, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), xưởng gốm thủ công của anh Hoàng Minh Hải, giảng viên Khoa Đồ họa Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thời gian qua trở thành điểm đến của những người yêu nghệ thuật.
Nép mình trong con hẻm nhỏ tại KP.7, P.Tân Biên (TP.Biên Hòa), xưởng gốm thủ công của anh Hoàng Minh Hải, giảng viên Khoa Đồ họa Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai thời gian qua trở thành điểm đến của những người yêu nghệ thuật.
Anh Hoàng Minh Hải sử dụng gốm thủ công truyền thống của Biên Hòa phục vụ thú chơi bonsai, cây cảnh. Ảnh: L.Na |
Không chỉ sáng tạo ra những sản phẩm gốm độc đáo phục vụ cho thú chơi làm chậu bonsai, cây cảnh, anh Hải còn tích cực truyền lửa cho người trẻ theo đuổi đam mê với nghề gốm truyền thống của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
* Sáng tạo gốm cho chậu cây cảnh
Xưởng gốm của anh Hải chủ yếu thực hiện bằng thủ công, bắt đầu từ công đoạn nhào đất, tạo hình, sản phẩm đợi tráng men… Dọc lối vào xưởng được anh trưng bày hàng trăm sản phẩm gốm, trong đó có nhiều sản phẩm đủ các kích cỡ đã được sử dụng làm chậu bonsai, cây cảnh.
Anh Hải cho biết, anh vốn yêu thích cây cảnh từ nhỏ, hễ có thời gian rảnh lại tìm kiếm những chậu cây mới về trồng. Từ trồng cây, anh dần say mê rồi gắn bó với thú chơi này lúc nào không hay. Với năng khiếu nghệ thuật, sự tìm tòi, nghiên cứu, anh đã sáng tạo ra các dáng, thế mà mình yêu thích; đồng thời, thường xuyên giao lưu, học hỏi các nhà vườn nổi tiếng để nâng cao kiến thức, tay nghề.
“Có năng khiếu nghệ thuật nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi theo học thiết kế đồ họa tại Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ra trường, có thời gian tôi làm thiết kế tự do, học làm gốm thủ công và tham gia sân chơi bonsai, cây cảnh trong tỉnh. Phải đến năm 2020, tôi mới về lại ngôi trường mình từng học để công tác” - anh Hải chia sẻ.
Anh HOÀNG MINH HẢI sinh năm 1985, tại Biên Hòa. Hiện anh là giảng viên Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Không chỉ đam mê thiết kế đồ họa, anh Hải mày mò nghiên cứu, học hỏi để sáng tạo ra những sản phẩm gốm thủ công mang đặc trưng của vùng đất Biên Hòa, đáp ứng nhu cầu của người yêu gốm, yêu thích thú chơi bonsai, cây cảnh trong và ngoài tỉnh. |
Từ khi học làm gốm, anh Hải bắt đầu mở xưởng gốm thủ công ngay tại nhà, tận dụng lợi thế về thiết kế để sáng tạo hàng trăm mẫu mã gốm mới. Anh đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm gốm dành cho chậu bonsai, cây cảnh. Từ những sản phẩm gốm nhỏ để trưng bày, trồng cây trên hòn non bộ, đến những sản phẩm vừa để trưng bày trên bàn làm việc, hay các chậu gốm lớn trồng cây trong vườn…
Anh Hải cho hay: “Thời gian đầu mới làm gốm, tôi thường tặng cho bạn bè và những người thân quen, lâu dần sản phẩm được nhiều người yêu thích và đặt hàng. Nhờ đó, tôi đã tiến thêm một bước sản xuất để bán cho những ai yêu thích gốm, nhất là gốm để chơi cây cảnh. Điểm đặc biệt của gốm thủ công là mỗi sản phẩm đều là “độc bản”, được làm hoàn toàn bằng tay, sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng chi tiết, tạo hình hoa văn. Phần lớn sản phẩm được tráng bằng màu men xanh đồng trổ bông nổi tiếng của gốm Biên Hòa, giá thành dao động từ 1,5 triệu đồng/sản phẩm”.
Theo anh Hải, trung bình mỗi tháng, xưởng của anh sản xuất khoảng 50 sản phẩm gốm thủ công do chính tay anh tự thiết kế theo cảm hứng hoặc theo đơn đặt hàng của khách. Anh nói rằng, việc tìm cảm hứng sáng tạo sản phẩm mới bắt nguồn từ những hình ảnh bình dị mang tính hoài niệm về cuộc sống của người Việt nói chung, Đồng Nai nói riêng. Gốm Biên Hòa mộc mạc, bình dị màu men xanh độc đáo giúp người xem có nhiều xúc cảm, gần gũi thân thiện, nhưng cũng đầy chiều sâu và sự tinh tế.
* Truyền lửa đam mê cho người trẻ
Hiện tại, trong xưởng gốm thủ công của anh Hải còn có thêm em trai, em gái của anh và một số học sinh, sinh viên cùng theo học làm gốm. Vừa là người anh, vừa kiêm người thầy dạy nghề, anh Hải không chỉ hướng dẫn người trẻ học cách làm gốm thủ công mà còn định hướng nghề nghiệp. Trong mỗi tác phẩm, anh luôn lồng ghép những câu chuyện văn hóa sống động trên gốm để người trẻ cẩn thận chạm, khắc tạo ra những đường nét có hồn. Điều này góp phần mang đến sự khác biệt, hấp dẫn cho sản phẩm gốm Biên Hòa.
Mặc dù học chuyên ngành Cơ khí, chế tạo máy nhưng chàng trai Hoàng Hải Đăng (em trai anh Hải) không theo đuổi nghề đã chọn mà theo học làm gốm thủ công. Đăng cho rằng, học làm gốm rất thú vị, càng học càng mê.
Đăng bộc bạch: “Cũng bởi được anh trai hướng dẫn tỉ mỉ từng công đoạn nên tôi tiến bộ rất nhanh, các sản phẩm làm ra ngày một nhiều. Xưởng gốm của chúng tôi có đầu ra ổn định nên thu nhập từ làm gốm đủ trang trải cho cuộc sống”.
Nói về câu chuyện làm gốm thủ công phục vụ cho thú chơi bonsai, cây cảnh, ánh mắt anh Hải sáng lên tình yêu nghề. Anh cho biết, trong tương lai sẽ quyết tâm gắn bó với gốm truyền thống, đưa các sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng. Ngoài ra, anh sẽ tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện cho người trẻ học làm gốm, học cách sáng tạo, thiết kế mẫu mã độc đáo. Việc làm này không chỉ giúp quảng bá gốm Biên Hòa - Đồng Nai mà còn tạo niềm tin yêu với người trẻ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà cha ông ta đã trao truyền.
Ly Na