Báo Đồng Nai điện tử
En

Văn hóa dân gian trên nền tảng số

08:02, 11/02/2023

Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian ở Đồng Nai những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian ở Đồng Nai những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực.

Cán bộ Bảo tàng Đồng Nai tìm hiểu văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.Na
Cán bộ Bảo tàng Đồng Nai tìm hiểu văn hóa dân gian của đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.Na

Đã có nhiều cá nhân, đơn vị tiên phong, chung tay ứng dụng công nghệ, đưa văn hóa dân gian của Đồng Nai lên các nền tảng số, lan tỏa trong cộng đồng.

* Nhiều cách làm hay

Nhạc sĩ Trần Viết Bính (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) là một trong những nghệ sĩ tiên phong trong việc sưu tầm, khảo cứu, lưu giữ những bài dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ông cho biết, nghiên cứu văn hóa dân gian được ông nung nấu ý tưởng từ những năm 1980, khi ông còn là cán bộ ngành Văn hóa. Đến năm 1999, ông nghỉ hưu, có nhiều thời gian về các vùng dân tộc, nhất là vùng có đông bà con Chơro, Mạ, Chăm, S’tiêng… để tìm hiểu, nghiên cứu, sưu tầm dân ca, phục dựng không gian diễn xướng, truyền dạy dân ca cho thanh thiếu nhi các dân tộc.

“Trong quá trình sưu tầm, tôi đã ghi âm, ghi hình lại những bài dân ca của đồng bào các dân tộc. Phần lớn các bài dân ca này do những nghệ nhân lớn tuổi hát. Sau đó, tôi tập hợp thành các CD, tài liệu để lưu trữ. Mới đây nhất, công trình Dân ca Chăm Islam ở Đồng Nai và Tây Ninh do tôi và tác giả Trần Thị Phục nghiên cứu đã đoạt giải C Giải thuởng Trịnh Hoài Đức giai đoạn 2015-2020. Tôi đã giới thiệu các bài dân ca Chăm Islam lên kênh YouTube, được đông đảo công chúng xem và tìm hiểu” - nhạc sĩ Trần Viết Bính nói.

Chỉ tính riêng trong năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện kiểm kê văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống các dân tộc tại TP.Long Khánh và H.Xuân Lộc; thực hiện phim tư liệu Văn hóa, văn nghệ dân gian của người Tày ở Đồng Nai; giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể của Đồng Nai trong chương trình Hành trình di sản gồm: Nghề làm võng mây của người Chơro; Canh bồi trong đời sống của đồng bào Mạ; Tín ngưỡng thờ cúng thần nông, thổ công của người Hoa. Các chương trình được phát sóng trên Đài PT-TH Đồng Nai.

Không chỉ ứng dụng công nghệ để lưu trữ và lan tỏa giá trị dân ca các dân tộc thiểu số mà nhạc sĩ Trần Viết Bính còn tổ chức các đợt trao tặng hàng ngàn hiện vật như: Băng, đĩa âm nhạc và sách nghiên cứu về văn nghệ dân gian cho các bảo tàng trong và ngoài tỉnh. Ông cho rằng, việc trao tặng này có ý nghĩa rất thiết thực. Hệ thống bảo tàng sẽ là nơi giúp ông gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân gian một cách tốt nhất, đặc biệt bảo tàng sẽ là nơi kết nối và lan tỏa đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Cùng với nhạc sĩ Trần Viết Bính, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cá nhân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian. Trong đó phải kể đến nghệ nhân dân gian Phạm Lơ (ngụ TP.Biên Hòa, truyền dạy và lan tỏa đờn ca tài tử); nghệ nhân Kim Phụng (ngụ TP.Biên Hòa, giữ lửa múa bóng rỗi); nghệ nhân Điểu Liệt (ngụ H.Định Quán, bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Chơro và giữ lửa đàn Chinh K’la). Hay những người trẻ như: nghệ nhân Đào Văn Hạo (ngụ H.Trảng Bom, gìn giữ nghệ thuật tò he và giới thiệu trên mạng xã hội); nghệ sĩ Trần Trung (ngụ tại TP.Biên Hòa, kết hợp dân ca với nhạc điện tử, phát hành trực tuyến trên các kênh nhạc quốc tế)…

Sinh ra trong gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật hát bội, chị Nguyễn Liên (Đoàn hát bội P.An Hòa, TP.Biên Hòa) thường xuyên ghi hình, đăng tải các clip biểu diễn của đoàn lên kênh YouTube, Facebook, giới thiệu đến cộng đồng. Các clip của chị thu hút đông đảo người dân quan tâm, theo dõi và bình luận. Chị cho rằng, việc giới thiệu nghệ thuật truyền thống qua mạng xã hội vừa góp phần lưu giữ văn hóa truyền thống, vừa giới thiệu đoàn hát bội của vùng đất An Hòa đến với bạn bè gần xa.

* Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Hiện nay, Thư viện Đồng Nai đang lưu giữ khối lượng sách nghiên cứu văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tủ sách văn hóa dân gian do PGS-TS Huỳnh Văn Tới (Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Đồng Nai) trao tặng cho thư viện ngoài được trưng bày, phục vụ bạn đọc tại chỗ, Thư viện Đồng Nai còn nỗ lực số hóa, giới thiệu các tác phẩm, nhất là những tác phẩm nghiên cứu về văn hóa Đồng Nai thông qua website, kênh YouTube, Facebook của thư viện.

Theo Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành, trong thời gian tới, thư viện sẽ tiếp thúc đẩy các dự án số hóa thư viện, duy trì phát triển thư viện điện tử; đồng thời kết nối, liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa Thư viện Đồng Nai với hệ thống thư viện 11 huyện, thành phố. Ngoài ra, thư viện tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các tiện ích trực tuyến, lưu giữ tài liệu cổ, các sách nghiên cứu về văn hóa dân gian, văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai… Qua đó, đưa sách báo đến gần hơn với cộng đồng, phục vụ bạn đọc ở mọi lúc, mọi nơi.

Để lưu giữ văn hóa dân gian và lan tỏa các giá trị của nó trong đời sống, thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai đã đẩy mạnh số hóa hiện vật tại bảo tàng; đồng thờI, ứng dụng công nghệ trong công tác sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá văn hóa dân gian.

Theo đó, Bảo tàng Đồng Nai đã thực hiện hàng chục phim tư liệu, giới thiệu trên hệ thống đài PT-TH trong và ngoài tỉnh và trên website của bảo tàng. Có thể kể đến các phim như: Độc đáo nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mạ ở Đồng Nai; Tri thức khai thác thực vật của người Chơro ở Lý Lịch, Vĩnh Cửu; Hát Tămpơt của người Mạ ở Đồng Nai… Trên nền tảng số và công nghệ, các giá trị văn hóa dân gian của Đồng Nai đã và đang đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.

Ly Na

Tin xem nhiều