Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm 'sống' lại văn hóa, lịch sử bằng công nghệ thực tế ảo

08:03, 07/03/2023

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, di tích đã và đang được các đơn vị của ngành Văn hóa tích cực triển khai thực hiện.

Ứng dụng công nghệ thực tế ảo trong giới thiệu, quảng bá văn hóa, lịch sử, di tích đã và đang được các đơn vị của ngành Văn hóa tích cực triển khai thực hiện.

Các hình ảnh tượng đài, bia, di tích cách mạng ở Đồng Nai được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai ứng dụng công nghệ 3D, số hóa và giới thiệu đến công chúng
Các hình ảnh tượng đài, bia, di tích cách mạng ở Đồng Nai được Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai ứng dụng công nghệ 3D, số hóa và giới thiệu đến công chúng

Không chỉ tái hiện một cách đầy đủ, rõ nét, sinh động các hình ảnh, công trình di tích cũng như những câu chuyện văn hóa, lịch sử thú vị, công nghệ thực tế ảo còn góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa của con người và vùng đất Đồng Nai.

* Ứng dụng công nghệ thực tế ảo

Đầu năm 2023, Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai đã ra mắt trưng bày tương tác ảo 3D triển lãm chuyên đề Đảng Cộng sản Việt Nam - Những dấu ấn lịch sử. Đây là trưng bày xây dựng hoàn toàn không dựa trên không gian trưng bày thực, thu hút cộng đồng tham quan trải nghiệm, tương tác. Không chỉ được ngắm những hình ảnh, hiện vật, công chúng còn được tìm hiểu, khám phá dưới nhiều góc nhìn khác nhau để hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nhất là những câu chuyện, dấu ấn lịch sử của đất và người Đồng Nai.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - điện ảnh Đồng Nai Tôn Thị Thanh Tình cho biết, đây là lần đầu tiên trung tâm thực hiện triển lãm thực tế ảo (VR - Virtual Reality). Triển lãm được giới thiệu trên các website, fanpage của trung tâm, thu hút hàng ngàn lượt xem và hàng trăm lượt chia sẻ, bình luận. Trong không gian 3D, các hình ảnh không còn xuất hiện ở trạng thái tĩnh hay hình ảnh đen trắng 2 chiều mà mọi góc độ của hiện vật được hiện lên, rõ từng chi tiết, từng câu chuyện. Các nội dung được đánh số thứ tự, tạo điều kiện thuận lợi cho người xem vừa tham quan, vừa nghe thuyết minh, tìm hiểu kỹ về lịch sử.

Bộ VH-TTDL vừa ban hành kế hoạch chuyển đổi số của Bộ năm 2023. Bộ giao Cục Di sản văn hóa thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số đã được phê duyệt tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 2-12-2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình số hóa di sản văn hóa giai đoạn 2021-2030. Phối hợp với Văn phòng Bộ, Trung tâm Công nghệ thông tin, các cơ quan khối bảo tàng và các đơn vị có liên quan triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về số hóa di sản văn hóa, chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản. Thực hiện hiệu quả và đúng hạn các chỉ tiêu về cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong lĩnh vực di sản.

“Công nghệ tham quan tương tác 3D trên nền tảng số hóa đã và đang là không gian trưng bày ấn tượng, độc đáo đưa đến nhiều trải nghiệm lịch sử, văn hóa bất ngờ, thú vị. Hiện tại, trung tâm đang xây dựng kế hoạch, lựa chọn chủ đề, bổ sung hình ảnh, tư liệu, hiện vật để tiếp tục thực hiện thêm các triển lãm thực tế ảo, vừa phục vụ công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị, vừa đưa những câu chuyện, hình ảnh sinh động đến với các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số” - bà Tình chia sẻ.

Cuối năm 2022, Bảo tàng Đồng Nai đã hoàn thành tour tham quan thực tế ảo (360 virtual tour) tại di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Trong đó, Bảo tàng Đồng Nai thực hiện các nội dung như: số hóa 3D trên không, số hóa 3D dưới đất, thực hiện video thuyết minh tại thực địa, điểm tương tác thông tin (hiện vật, hình ảnh, tư liệu), biên tập và thu âm bằng thuyết minh tiếng Việt và tiếng Anh. Dữ liệu được xây dựng, sử dụng trên mọi nền tảng và trình duyệt của thiết bị thông minh (laptop, smartphone, kính VR hay còn gọi là kính thực tế ảo). Hiện tour tham quan thực tế ảo Văn miếu Trấn Biên đang được giới thiệu tại Bảo tàng Đồng Nai.

Trước đó, Bảo tàng Đồng Nai đã số hóa 3D các hiện vật như: Tượng thần Vishnu Bình Hòa, bộ sưu tập Qua đồng Long Giao, bộ sưu tập Đàn đá Bình Đa. Đây đều là những hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia. Các hiện vật được số hóa 3D này đang được trưng bày, giới thiệu và phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu văn hóa lịch sử của người dân và du khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai còn giới thiệu không gian tham quan bảo tàng (tiền sảnh, tầng 1 và tầng 2) bằng hình ảnh 3D trên website của đơn vị.

* Kết nối văn hóa, lịch sử, di sản với công chúng

Anh Lê Xuân Tiên, người dân P.Tân Phong (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thật thú vị khi trải nghiệm và xem các hiện vật, hình ảnh, câu chuyện về lịch sử, văn hóa bằng công nghệ thực tế ảo tại Bảo tàng tỉnh. Hình ảnh sắc nét, ấn tượng, mỗi một hiện vật, hình ảnh được tóm lược ngắn gọn, diễn giải một cách sinh động kết hợp giọng đọc truyền cảm. Tôi rất thích cách giới thiệu các di sản nói chung và tác phẩm nghệ thuật nói riêng như thế này. Vừa là giải trí, vừa có cơ hội học hỏi, tìm hiểu thêm nhiều điều bổ ích”.

Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Việt Sơn cho biết, với các hiện vật số hóa 3D, tour tham quan thực tế ảo Văn miếu Trấn Biên…, bảo tàng sẽ liên kết để đưa lên website của các công ty lữ hành du lịch. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh hiểu hơn về văn hóa, lịch sử, di sản của Biên Hòa - Đồng Nai; kết nối và lan tỏa những hình ảnh đẹp này đến với công chúng trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu và nhà quản lý văn hóa, ứng dụng công nghệ thực tế ảo để làm “sống” lại các giá trị văn hóa, lịch sử, di sản còn gặp nhiều thách thức. Trong đó có thách thức về xây dựng nội dung, cơ sở dữ liệu phục vụ cho số hóa; cải tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đáp ứng yêu cầu lưu trữ, quản lý, tích hợp các nội dung nền tảng số. Và còn cả khó khăn về vấn đề kinh phí thực hiện. Điều đó đòi hỏi các đơn vị phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo công nghệ thông tin, kỹ năng về chuyển đổi số, cần đầu tư nguồn kinh phí, đảm bảo để xây dựng, vận hành dữ liệu số thường xuyên.

Ly Na

Tin xem nhiều