Báo Đồng Nai điện tử
En

NSND Diệp Lang: Người thầy lớn của các nghệ sĩ

08:03, 18/03/2023

Sáng 11-3 (giờ Mỹ), khán giả Việt Nam đã bàng hoàng khi hay tin nghệ sĩ Diệp Lang đã qua đời tại nhà riêng ở Mỹ.

Sáng 11-3 (giờ Mỹ), khán giả Việt Nam đã bàng hoàng khi hay tin nghệ sĩ Diệp Lang đã qua đời tại nhà riêng ở Mỹ.

NSND Diệp Lang. Ảnh: TL
NSND Diệp Lang. Ảnh: TL

Nghệ sĩ Diệp Lang tên thật là Dương Công Thuấn, sinh năm 1941, tại Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp). 8 tuổi, ông theo cha là thầy đờn Ba Diệp theo đoàn cải lương Tam Phụng. Ông Ba Diệp đã tìm thầy cho Diệp Lang học hát và bắt đầu với những vai phụ.

* Đóng vai độc mà khiến vạn người mê

Rồi ông lần lượt theo các đoàn: Kim Thoa, Việt Hùng - Minh Chí, Phụng Hảo - Ba Vân… Khi về đoàn Hoài Dung - Hoài Mỹ, ông được giao vai chánh, hoàng tử trong vở Chiếc nhẫn kim cương. Năm 1962, ông thể hiện vai kép lão vở Người anh khác mẹ trên sân khấu Kim Chưởng và đoạt giải Thanh Tâm danh giá năm 1963.

Kể từ đó, nghệ sĩ Diệp Lang nổi danh với những vai kép tính cách, kép độc, kép lão xuất sắc, khó ai thay thế. Ông ghi dấu ấn trong vở Tìm lại cuộc đời, Hội đồng Dư trong Tiếng hò sông Hậu, Hội đồng Thăng trong Đời cô Lựu, Hương cả trong Tô Ánh Nguyệt, Lê Quý trong Tâm sự Ngọc Hân, Lê Xuân Giác trong Tiếng sóng Rạch Gầm, Lỗ Quý trong Lôi Vũ…

TS LÊ HỒNG PHƯỚC phân tích giọng ca và hơi của Diệp Lang không được phong phú, thế nhưng không phải ông ca không hay. Ông biết diễn xuất bằng cả giọng ca, ông đưa giọng ca vào đúng tâm trạng của nhân vật, đúng với động tác của nhân vật. Ông có một bộ nhịp thượng thừa, ca sắp chữ trong lòng bản. Do làn hơi không dài nên ông chọn cách sắp chữ qua những câu ngắn. Vì vậy, nghe Diệp Lang ca người ta phải thán phục cách sắp chữ và nhịp nhàng rất chắc của ông.

Có thể nói, nghệ sĩ Diệp Lang là trường hợp quá đặc biệt. Ông ghi dấu ấn với những vai kép độc. Độc đến mức người ta coi phát ghét, nhưng ghét thì ghét, khán giả vẫn muốn xem vì hóa thân của ông quá tuyệt vời trong từng ánh mắt, từng tích tắc trạng thái tâm lý nhân vật.

Đạo diễn Bùi Quốc Bảo cho rằng, để hiểu tài năng của Diệp Lang, hãy tìm xem một lớp diễn của ông trong vở Đời cô Lựu với NSND Bạch Tuyết. Trong một câu nói, ông sử dụng đến mấy kỹ thuật tiếng nói sân khấu: lúc nhanh, lúc chậm, lúc trầm, lúc cao; cùng nhiều sắc thái, lúc giận dữ, lúc cay nghiệt, lúc chua chát…

 “Đó là một gia tài quý giá mà ông để lại cho thế hệ sau. Ngày nay, nhiều diễn viên thích sửa thoại của tác giả và nói ra miệng một cách trơn tuột, vô hồn. Người nghệ sĩ là người nghiền ngẫm nhân vật và gửi gắm của tác giả qua từng câu văn, để từ đó thổi hồn vào từng lời, từng chữ thành vàng trau ngọc chuốt, như nghệ sĩ Diệp Lang đã thể hiện một cách xuất sắc” - đạo diễn Bùi Quốc Bảo nói.

Nghệ sĩ Hồng Vân mê cách khai thác nội tâm nhân vật qua đôi mắt của nghệ sĩ Diệp Lang: “Với chú Diệp Lang, người ta thường ấn tượng cách diễn xuất của chú. Chú diễn vai phản diện bằng ánh mắt cực kỳ có chiều sâu, luôn thể hiện được bên trong có một nỗi khổ tâm nào đó. Để có được điều này, chú phải xây dựng nhân vật rất kỹ, bởi vậy mới có những vai diễn như: Hội đồng Thăng (Đời cô Lựu), Hội đồng Dư (Tiếng hò sông Hậu)… trở thành những điển hình trên sân khấu cải lương. Không chỉ thế, cách diễn xuất từ bên trong giúp chú khi tiếp cận với kịch nói hay phim ảnh đều rất dễ dàng”.

Chính vì cách diễn độc mà có chiều sâu như thế nên có thể nói, những vai diễn kép độc để đời của nghệ sĩ Diệp Lang không ai có thể diễn qua được ông. Không chỉ thế, với những nhân vật hiền, người ta có thể quên ngay sở trường kép độc của ông, để dành cảm tình cho hình ảnh một ông già Nam bộ, chơn chất, nghĩa tình và hào sảng.

* Huyền thoại của sân khấu Việt Nam đã ra đi

Nghệ sĩ Châu Thanh từng nói rằng, không có thầy Diệp Lang thì không có Châu Thanh như hôm nay. Nghệ sĩ Tấn Beo bày tỏ: “Thầy là người mà con yêu thương và kính trọng trên con đường nghệ thuật. Thầy đã chỉ bảo con rất nhiều khi con ở đoàn Văn công thành phố. Con được khán giả yêu thương đến ngày hôm nay thì công của thầy không hề nhỏ”.

Với NSND Lệ Thủy, ông là người anh, người thầy có công cực lớn trong cuộc đời nghệ thuật của bà. “Nhiều vai diễn của tôi từ đoàn hát 2-84 được khán giả nhớ đến hôm nay như: vở Tô Ánh Nguyệt (cô Nguyệt), Đời cô Lựu (Kim Anh), Áo cưới trước cổng chùa (Xuân Tự), Lôi vũ (Lỗ Tứ Phượng)… đều nhờ anh Diệp Lang chỉ dạy tận tình. Anh không chỉ đạo diễn mà còn có thể viết tuồng. Như trong Tô Ánh Nguyệt, anh viết thêm lớp ông Hương Cả gặp cô Nguyệt nói những đớn đau của gia đình buộc cô phải giao con cho Minh. Vai Hương của tôi trong Kiếp chồng chung, anh phân tích cô này bị ép đến đường cùng phát điên chớ không phải điên bẩm sinh nên diễn tiết chế, nhẹ nhàng, thiếu thiếu một chút thì hay, chứ dư thì lố. Vai Kim Anh trong Đời cô Lựu mỗi đêm diễn, tôi và anh tìm cách diễn khác nhau tạo sự thú vị, bởi ông Hội đồng Thăng có ác ở đâu nhưng cực kỳ thương con gái”.

NSND Diệp Lang trong vở Tiếng hò sông Hậu. Ảnh: T.T.D
NSND Diệp Lang trong vở Tiếng hò sông Hậu. Ảnh: T.T.D

Nghệ sĩ Ngọc Huyền thì bày tỏ: “Với tôi, bác Diệp Lang giỏi cả diễn và đạo diễn. Vai nào của bác, tôi cũng thấy rất hay. Hồi tôi đóng tuồng Bão rừng cùng với bác, dù lớn tuổi nhưng bác chịu khó đội mưa quay tới 5-6 giờ sáng. Vậy chớ thấy cảnh nào chưa ưng lại đòi đạo diễn cho quay lại tới khi nào được mới thôi”.

Hồi ông Diệp Lang làm đạo diễn, Ngọc Huyền cho biết ông rất kiên nhẫn với người trẻ. Ai trễ chút ông cũng không la mắng mà tỏ ra thông cảm: Thôi kệ, nó còn trẻ phải chạy show! Nhưng bữa nào gấp rút, ông nghiêm giọng bảo hôm nay phải đúng giờ là ai cũng… rén không dám sai lời ông.

Nghệ sĩ Diệp Lang có một cậu con trai nối nghiệp là đạo diễn Diệp Tiên. Khi nghệ sĩ Diệp Lang sang Mỹ định cư, ông có gửi gắm Diệp Tiên lại cho nghệ sĩ Hồng Vân. “Chú Hai có dọ ý tôi không biết chừng nào cho Diệp Tiên “thoát kiếp” vai quần chúng. Tôi nói chú yên tâm, tôi đã nhìn ra điểm mạnh của Diệp Tiên. Em ấy theo nghiệp diễn thì không bật, nhưng tôi nhận thấy ở em có tư duy đạo diễn, sẽ hướng em theo công việc này. Và quả thật, Diệp Tiên từng là đạo diễn rất thành công qua mấy mùa chương trình Cười xuyên Việt và một số vở diễn tại sân khấu Phú Nhuận. Hiện Diệp Tiên theo học tiếp lĩnh vực này tại Mỹ. Em rất muốn về Việt Nam hoạt động nhưng vẫn nấn ná ở lại vì nhận thấy tình hình sức khỏe của ba mình không được tốt”.

Dẫu biết sinh ly tử biệt là quy luật của muôn đời. Nhưng cứ một huyền thoại ngã xuống, sân khấu cải lương lại nhói lên những cơn đau. Diệp Lang ra đi nhưng chắc chắn là những vai diễn của ông vẫn sống hoài, sống mãi trong ký ức của người mộ điệu cải lương…

Trí Trọng

Tin xem nhiều