Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer Lâm Chơn Nam (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) đã kết nối lớp trẻ để duy trì dàn nhạc ngũ âm truyền thống.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer Lâm Chơn Nam (ngụ TT.Định Quán, H.Định Quán) đã kết nối lớp trẻ để duy trì dàn nhạc ngũ âm truyền thống.
Ông Lâm Chơn Nam (TT.Định Quán, H.Định Quán) hướng dẫn lớp trẻ trong cộng đồng cách sửa đàn |
Ông còn được cộng đồng tìm đến nhờ giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống; phổ biến, vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua.
Đến từng nhà vận động trẻ học nhạc
KP.Hiệp Nhất, TT.Định Quán có 53 hộ Khmer với trên 200 người sinh sống. Tại đây có chùa Thái Hòa là một trong 2 ngôi chùa Khmer trên địa bàn tỉnh. Đây là địa điểm mà người Khmer từ nhiều nơi tại Đồng Nai cũng như một số địa phương lân cận tìm đến sinh hoạt tôn giáo, cộng đồng. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, nhà chùa và cộng đồng người Khmer mong muốn xây dựng, duy trì những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, trong đó có âm nhạc và múa.
Sau nhiều năm tham gia việc chung của cộng đồng, năm 2022, khi 65 tuổi, ông Lâm Chơn Nam được Nhà nước công nhận là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Khmer tại TT.Định Quán (H.Định Quán). |
Từ thực tế này, nhiều lớp người có uy tín trong cộng đồng đã đứng ra xây dựng đội nhạc ngũ âm. Ông Nam đã có công lớn trong việc kết nối, vận động thanh thiếu niên trong cộng đồng tham gia lớp tập nhạc ngũ âm. Nhờ vậy, nhiều lớp trẻ tại cộng đồng đã biết chơi các loại nhạc cụ truyền thống của cộng đồng người Khmer.
“Tranh thủ sau giờ làm bảo vệ tại công ty, tôi đi từng nhà, gặp từng người để nói lên mong mỏi của bản thân, của cộng đồng, của chính quyền địa phương về duy trì đội nhạc người Khmer. Đây là việc làm của cả cộng đồng, lại được Nhà nước quan tâm nên bà con đồng thuận cho con cháu đến tập” - ông Nam chia sẻ.
Ngoài thành viên trong đội nhạc, ông Nam còn vận động gia đình có trẻ nhỏ cho con em đến sinh hoạt với các anh chị lớn nhằm giúp các em làm quen với nhạc cụ và yêu mến nhạc ngũ âm.
Em Ngô Kiến Hào, tay trống của đội nhạc cho hay: “Em đánh trống được gần 3 năm. Em rất vui khi được tham gia vào đội nhạc ngũ âm”.
Để trẻ em đến với lớp luyện nhạc, thành viên đội nhạc gắn bó, theo ông Nam, thời gian qua, Phòng Dân tộc huyện rất quan tâm khi thường xuyên động viên không chỉ bằng tinh thần khi đến thăm, xem, nghe các em biểu diễn mà còn có quà tặng, mua nước giải khát cho các thành viên trong đội.
Chung tay vì sự bình yên khu dân cư
Cùng với góp sức bảo tồn âm nhạc dân tộc, ông Nam còn chung tay giữ gìn bình yên ở khu dân cư. Ông Nam cho hay, thời gian trước, việc nuôi gà đá và tổ chức đá gà trở thành thói quen của thanh niên ở địa phương, nhiều hệ lụy đã xảy ra từ những vấn đề này. Do đó, ông Nam cùng lực lượng công an tham gia tuyên truyền, vận động mỗi gia đình chung tay khuyên bảo con em tránh xa cờ bạc, ma túy, rượu chè mà lo chí thú làm ăn, chăm lo cho gia đình.
Ông Lâm Chơn Nam cùng đội nhạc ngũ âm trong cộng đồng dân tộc Khmer tại TT.Định Quán (H.Định Quán) trong một lần tập luyện. (ảnh Sông Thao) |
Riêng việc tham gia giao thông, khi thanh niên đến tuổi lái xe được ông nhắc nhở đăng ký học và thi lấy bằng lái xe chứ không chạy xe “lụi”. Điều này góp phần chung vào việc chấp hành quy định pháp luật, nâng cao nhận thức của bà con về việc đảm bảo an toàn giao thông cho chính mỗi người và cộng đồng.
Không những vậy, theo Trưởng phòng Dân tộc H.Định Quán Thạch Thị Ngọc Thanh, ông Nam còn trợ giúp những gia đình thiếu các loại giấy tờ tùy thân dần hoàn thiện theo quy định. Như vừa qua, trong cộng đồng có một trường hợp đã 12 tuổi mà chưa có giấy khai sinh. Khi tìm hiểu, ông Nam biết do cha mẹ em vì lơ là mà để con thiếu giấy tờ. Thông qua hướng dẫn của cán bộ tư pháp - hộ tịch thị trấn, ông Nam đã đứng ra giúp gia đình của trẻ em này thực hiện các thủ tục cần thiết để có giấy khai sinh và đi học văn hóa.
Có một thực tế là trong cộng đồng dân cư không tránh khỏi những khi xảy ra xích mích, gây gổ. Để mọi chuyện không diễn tiến phức tạp, gây ra mâu thuẫn lớn, mỗi khi biết tin trong cộng đồng có chuyện bất hòa, ông Nam lại tìm đến tìm hiểu.
“Vì tôi được bà con tín nhiệm, lại là người có tuổi trong cộng đồng, ở địa phương thời gian dài nên khi có việc gì bà con gọi ngay. Tôi không cảm thấy ngại vì đêm hôm hay lấy lý do việc nhà quan trọng hơn việc bà con đang cần nhờ. Giúp được bà con và được bà con tin là tôi đến ngay” - ông Nam nói.
Sông Thao