Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai đã đăng cai tổ chức Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực Đông Nam bộ (mở rộng), đánh dấu sự trở lại của loại hình múa rối trong hệ thống nhà thiếu nhi.
Sau thời gian gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, năm nay, Nhà thiếu nhi tỉnh Đồng Nai đã đăng cai tổ chức Liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực Đông Nam bộ (mở rộng), đánh dấu sự trở lại của loại hình múa rối trong hệ thống nhà thiếu nhi.
Các em thiếu nhi trên địa bàn xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) xem biểu diễn múa rối do các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi biểu diễn. Ảnh: N.SƠN |
Liên hoan thu hút 8 nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực Đông Nam bộ tham gia, tạo cơ hội để các em thiếu nhi các đơn vị giao lưu, thể hiện niềm đam mê, khả năng diễn xuất qua những con rối.
Cơ hội giao lưu, học hỏi
Mở màn liên hoan là phần biểu diễn của Nhà thiếu nhi TP.HCM với tiết mục Ăn khế trả vàng. Đây là câu chuyện cổ tích Việt Nam kể về chuyện phân chia tài sản của 2 anh em. Câu chuyện này không xa lạ với trẻ em Việt Nam, có em đã đọc truyện, có em được nghe kể nhưng khi được diễn viên múa rối tái hiện trên sân khấu cùng với các đạo cụ, câu chuyện Ăn khế trả vàng trở nên sinh động và có sức hút kỳ diệu.
Tại lễ bế mạc liên hoan, Nhà thiếu nhi Đồng Nai đã chuyển giao quyền đăng cai liên hoan múa rối năm 2024 cho đơn vị Nhà thiếu nhi Q.5, TP.HCM. |
Từ đầu đến cuối vở diễn, em Đặng Hoàng Thắng (7 tuổi), ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa) ngồi xem một cách chăm chú. Theo chia sẻ của Hoàng Thắng, câu chuyện này em đã từng được nghe kể nhưng lại thích xem múa rối hơn. Bởi, qua phần lời nói và hành động của nhân vật, em cảm nhận rõ hơn sự lương thiện của người em và tham lam của người anh; câu chuyện vì thế cũng dễ nhớ.
Không chỉ Nhà thiếu nhi TP.HCM diễn tiết mục Ăn khế trả vàng mà Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bình Phước cũng đem đến liên hoan vở rối Ăn khế trả vàng. Em Nguyễn Ngọc Bảo Hoàng, đến từ Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Bình Phước, diễn viên đóng vai con quạ trong vở rối Ăn khế trả vàng cho hay, việc trùng vở diễn cũng có cái hay. Cái hay mà Hoàng nhắc đến chính là sự học hỏi lẫn nhau khi diễn cùng một vai diễn. Khi xem diễn viên đóng vai quạ của đội bạn diễn, em quan sát diễn xuất, cử chỉ, điệu bộ của diễn viên để học tập, hoàn thiện vai diễn của mình.
Với em Nguyễn Hoàng Bảo Hân (15 tuổi) đến từ Nhà thiếu nhi Q.7 (TP.HCM), liên hoan múa rối nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi trong cụm Đông Nam bộ lần này là cơ hội để em học hỏi. Bảo Hân cho biết, em tham gia đội múa của Nhà thiếu nhi Q.7. Trước liên hoan khoảng hơn 1 tháng, em được đưa sang tập kịch rối. Với vai diễn người dân làng trong vở kịch Quả đào tiên, Bảo Hân đã phải nỗ lực rất nhiều. Tuy nhiên để có được khả năng diễn xuất như các anh, chị, em chuyên về múa rối, em còn phải học hỏi và tập luyện nhiều hơn.
Vừa giải trí, vừa giáo dục thiếu nhi
Bà Ngô Thị Hoàng Oanh, Giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Trưởng ban Tổ chức liên hoan cho biết, liên hoan lần này, ngoài nội dung chính là diễn các tiết mục múa rối, các đơn vị tham dự còn đi cơ sở để thực hiện công tác xã hội, trong đó có hoạt động biểu diễn phục vụ thiếu nhi là con công nhân lao động tại H.Vĩnh Cửu và H.Long Thành. Chương trình biểu diễn thu hút khoảng 500 em thiếu nhi tham gia (trong đó: H.Vĩnh Cửu hơn 200 em và H.Long Thành gần 300 em). Đa số thiếu nhi tham dự buổi biểu diễn ở 2 huyện: Vĩnh Cửu và Long Thành đều là lần đầu tiên được xem kịch rối.
Các vở kịch rối đều được thực hiện dựa trên truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn thiếu nhi, như: Ăn khế trả vàng, Tấm lòng hiếu thảo, Quả đào tiên, Anh nông dân và chúa quỷ, Sự tích chú Cuội lên cung trăng… Em Hoàng Thế Anh, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tân Phú, xã Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu) cho hay, các vở kịch rối không chỉ nhắc lại cho em nhớ về những câu chuyện mà còn đem lại những bài học mang tính giáo dục sâu sắc.
Trước khi kết thúc vở diễn, các diễn viên múa rối sẽ truyền tải thông điệp ý nghĩa đến khán giả. Chẳng hạn như vở kịch rối Ăn khế trả vàng, thông điệp mà em nhận được đó là anh em ruột thịt trong nhà phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, đừng vì đồng tiền mà làm những việc trái với đạo lý. Hay vở kịch Quả đào tiên nhắc nhở trẻ sống một cuộc đời có ý nghĩa, biết mang niềm vui và hạnh phúc đến cho những người xung quanh…
Nga Sơn