Bài 1: Đến hẹn lại… lo
Theo thông tin tại hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Bộ LĐ-TBXH phối hợp tổ chức vào tháng 12-2022, trong giai đoạn 2016-2020, trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 2 ngàn trẻ em tử vong do đuối nước và đuối nước trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em.
Các em học sinh TP.Biên Hòa được hướng dẫn kỹ năng sơ cấp cứu đối với các trường hợp đuối nước |
Đuối nước là vấn đề đã cũ. Năm nào các cơ quan chức năng, trường học cũng tuyên truyền, cảnh báo rồi tập huấn, dạy bơi... Thế nhưng cứ đến thời điểm nghỉ hè, tai nạn đuối nước ở trẻ em lại liên tiếp xảy ra khiến cả xã hội xót xa.
Gần 2 tháng trôi qua nhưng chị Nguyễn Thị Mỹ Kim, ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại thời khắc biết tin con trai bị đuối nước tại hố nước trong khu dân cư gần nhà.
Nỗi đau của gia đình
Kể lại sự việc thương tâm xảy ra với con trai mình, chị Mỹ Kim cho biết, chiều 24-4, con trai chị là bé N.Q.H.M. (sinh năm 2013) xin đi chơi cùng bạn ở tuyến đường trong khu dân cư gần nhà. Thấy trời nắng, vợ chồng anh chị bảo con ở nhà ngủ. Đến hơn 16 giờ, chị đi rước con gái nhỏ thì H.M. xin cha đi chơi cùng bạn. Thường ngày, thấy con vẫn chơi cùng bạn nên chồng chị đồng ý cho con đi.
Sau khi đưa con gái về nhà, không thấy con trai đâu, chị tất tả chạy xe đi tìm con. Đến đoạn đường khu dân cư mà H.M. thường chơi cùng bạn, chị Kim không thấy con, chỉ thấy chiếc xe đạp của con gần cái hố. Lo lắng, bất an, chị chạy về nhà báo tin cho chồng. 2 vợ chồng chị chạy ra thì thấy H.M. đã được vớt lên tại khu vực phía sau Trường THCS Phước Tân 3.
"Nhìn thấy con chân tay sõng soài, môi tím tái, tôi như chết lặng. Chồng tôi liên tục hô hấp nhân tạo, thậm chí vác ngược con chạy gần nửa tiếng đồng hồ nhưng tất cả đều vô vọng, H.M. đã rời xa chúng tôi"- chị Kim nói trong nước mắt.
Từ ngày con trai xấu số mất, ngày nào chị Kim cũng khóc vì nhớ con. Chị kể, anh chị sinh được 3 người con và chỉ có H.M. là con trai. H.M. ngoan, hiểu chuyện, hết mực thương cha mẹ. Lúc còn sống, ngoài thời gian đi học, ở nhà H.M. đã biết phụ cha mẹ việc nhà, chơi với em. Nhiều lần H.M. thủ thỉ với chị sau này lớn lên sẽ đi làm để có tiền lo cho cha mẹ cuộc sống đầy đủ hơn…
Cách đây ít ngày, trên địa bàn xã Suối Nho (H.Định Quán) đã xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 2 anh em ruột H.Đ.T.T. (7 tuổi) và H.Đ.X.L. (4 tuổi) tử vong do trượt ngã xuống ao trong vườn.
Theo chia sẻ của chị Trọng Thị Nguyệt (mẹ của 2 em), vợ chồng chị đã ly hôn, T.T. và X.L. ở với chị. Cuộc sống khó khăn, những ngày chị đi làm, T.T. và X.L. nghỉ học ở nhà tự chơi với nhau. Chị vẫn luôn dặn các con chỉ được chơi quanh quẩn trong nhà, không được ra vườn chơi. Thế nhưng có lẽ vì mải chơi mà các con đã quên đi lời chị dặn. Sự ra đi đột ngột của 2 con mà chị đã phải vất vả sinh thành, dưỡng dục khiến chị đau đớn tột cùng. Các con rời bỏ chị, chị không còn được nghe tiếng cười nói hồn nhiên, ngây thơ của con nữa.
Đuối nước không chừa một ai. Có những nạn nhân đuối nước mới chỉ vài tuổi nhưng cũng có những nạn nhân đã 13-15 tuổi, thậm chí lớn tuổi hơn. Trong đó có trường hợp của em L.D.P.T. (sinh năm 2010), ở xã Xuân Thành (H.Xuân Lộc).
Vào ngày 28-2, P.T. cùng với nhóm bạn đến chơi tại khu vực hồ bỏ hoang thuộc ấp Tân Hợp, xã Xuân Thành thì bị trượt chân ngã xuống hồ. Do không biết bơi, xung quanh lại không có người ở nên không cứu kịp thời dẫn đến tử vong.
P.T. mồ côi cha, một mình mẹ nuôi 3 chị em ăn học, gia đình là hộ cận nghèo của xã. Ở độ tuổi của P.T., em đã có thể phụ giúp mẹ nhiều việc, vì vậy sự ra đi của P.T. khiến mẹ em chới với.
Nỗi lo của xã hội
Đuối nước không chỉ là nỗi đau của gia đình mà còn là nỗi lo của xã hội. Vì vậy, các cấp, các ngành đã vào cuộc thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em.
Từ vụ đuối nước thương tâm xảy ra với con trai mình, chị NGUYỄN THỊ MỸ KIM (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa), mẹ của em N.Q.H.M. - nạn nhân bị đuối nước - tha thiết mong các bậc phụ huynh thường xuyên giám sát, nhắc nhở, răn đe con không nên chơi ở các khu vực gần ao, hồ, sông, suối; đồng thời tạo điều kiện để trẻ học bơi an toàn… tránh điều đáng tiếc xảy ra với trẻ.
Trước mùa hè năm nay, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở những chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc Sở LĐ-TBXH, ngành
LĐ-TBXH thường xuyên chủ trì phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của các gia đình, cộng đồng trong bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em tại các huyện. Bên cạnh đó, đề nghị 11 huyện, thành phố kiểm tra, rà soát các ao, hồ, sông, suối, bãi tắm các khu vực nước sâu, công trình chứa nước trên địa bàn các huyện để có cảnh báo…
Phó trưởng Phòng LĐ-TBXH H.Tân Phú Nguyễn Thị Xuân cho biết, Phòng LĐ-TBXH huyện đã gửi văn bản cho UBND các xã, thị trấn đề nghị thực hiện các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trên địa bàn huyện. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường, xã hội trong việc quản lý giáo dục con em mình.
Phòng LĐ-TBXH chủ động phối hợp với Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, tổ chức sinh hoạt ngoại khóa với các nội dung liên quan đến tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em… Đồng thời đề nghị các xã, thị trấn rà soát, kiểm tra, đặt biển báo hoặc rào chắn đối với những khu vực nguy hiểm thuộc sự quản lý của nhà nước, hướng dẫn nhân dân rào chắn, đặt biển báo với những khu vực nguy hiểm của gia đình như ao, hồ và các bể chứa nước phải có nắp đậy.
Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em, song cứ đầu mùa hè, tai nạn đuối nước lại xảy ra và có xu hướng tăng cao.
Theo số liệu từ Sở LĐ-TBXH, từ đầu năm đến ngày 12-6, toàn tỉnh có 7 trẻ (từ 0-16 tuổi) tử vong do đuối nước. Nguyên nhân chủ yếu là do các em rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, gần khu vực ao, hồ, hố mà không có sự giám sát của người lớn. Quan trọng hơn, nạn nhân bị đuối nước có trường hợp chưa biết kỹ năng bơi an toàn, chưa có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Ông Bùi Thanh Nam, Phó giám đốc Sở VH-TTDL cho rằng, dạy bơi, học bơi là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhất là trong bối cảnh môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước.
Nga Sơn
Bài 2: Không để “cái khó bó cái khôn”
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin