Đột quỵ (tai biến mạch máu não) là tình trạng não đột ngột bị thiếu máu do xuất huyết hoặc mạch máu bị tắc nghẽn, gây ra các triệu chứng thần kinh.
Bác sĩ khám cho một bệnh nhân bị đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai |
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị bệnh đột quỵ sẽ bị những di chứng nặng nề, thậm chí là tử vong, tạo gánh nặng về kinh tế cho gia đình người bệnh và xã hội.
Nhiều người trẻ bị đột quỵ
BS CKII Nguyễn Đình Quang, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong 20 năm tham gia điều trị đột quỵ, ông nhận thấy người trẻ bị đột quỵ ngày càng nhiều.
Những di chứng mà người bệnh đột quỵ có thể gặp phải gồm: liệt nửa người, liệt tứ chi, khó nuốt, không nói được, khó nói…
Chị T. cho biết, 1 ngày trước khi bị đột quỵ, chị thấy đau đầu nhiều. Ban đêm, chị T. vẫn ngủ bình thường nhưng đến 6 giờ sáng thức dậy thì không nói được, méo miệng, liệt toàn thân bên trái, liệt mặt trái.
Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán. Do đang mang thai, chị T. chống chỉ định với thuốc tiêu sợi huyết (một trong 2 phương pháp điều trị đột quỵ) nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Kết quả chụp CT, MRI cho thấy bệnh nhân bị tắc một mạch máu quan trọng, cần khẩn trương tái thông mạch máu, nếu không bệnh nhân sẽ tử vong. Sau gần 1 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã sử dụng dụng cụ để lấy huyết khối, tái thông hoàn toàn mạch máu bị tắc, bệnh nhân hồi phục gần như hoàn toàn và không để lại di chứng.
Theo BS Quang, điều khiến các bác sĩ băn khoăn là nữ bệnh nhân này không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào của bệnh đột quỵ như: không có bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp, không hút thuốc lá, không uống bia, rượu… và tuổi đời còn rất trẻ. Do vậy, các bác sĩ phải thực hiện một số kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân gây đột quỵ ở nữ bệnh nhân này.
Nói thêm về nguyên nhân thường gặp ở những bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, BS Đình Quang cho biết, chế độ ăn uống hàng ngày với nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, ô nhiễm môi trường sống, stress do áp lực công việc… là những nguyên nhân gây nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như đột quỵ ở người trẻ. Ngoài ra, những rối loạn về chuyển hóa khiến nhiều người trẻ mắc các bệnh mà trước đây chỉ thường gặp ở những người lớn tuổi như đái tháo đường, tăng huyết áp. Những bệnh này được xếp vào nguy cơ dẫn đến bệnh đột quỵ nếu không được phòng ngừa, kiểm soát tốt.
Những bệnh viện điều trị đột qụy trong tỉnh
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, mỗi năm nước ta có khoảng 200 ngàn trường hợp bị đột quỵ và chỉ có khoảng 30% bệnh nhân đột quỵ có thể quay trở lại với công việc thường ngày. Tỷ lệ tử vong từ 10-20%, còn lại không thể quay lại cuộc sống trước kia, bị khiếm khuyết vĩnh viễn, cần phải có người chăm sóc.
Bởi vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh đột quỵ vô cùng quan trọng, quyết định đến tình trạng phục hồi sau đột quỵ của bệnh nhân.
Theo đó, những triệu chứng nhận biết người bị bệnh đột quỵ như: bỗng dưng bị méo mặt, khó nói, nói đớ, yếu liệt một bên cơ thể, chân tay không cử động được, đau đầu dữ dội, mất thăng bằng…
Khi phát hiện người bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở có điều trị đột quỵ để bệnh nhân được điều trị kịp thời, tránh trường hợp đưa bệnh nhân đến những cơ sở không thể điều trị bệnh đột quỵ làm mất thời gian vàng của bệnh nhân.
Tại Đồng Nai, hiện có 5 bệnh viện có thể điều trị được đột quỵ gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán và Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai.
Người dân tùy vào vị trí của bệnh nhân mà lựa chọn cơ sở y tế gần nhất có điều trị đột quỵ để đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
BS Quang nhấn mạnh, thời gian là yếu tố quyết định hiệu quả điều trị bệnh đột quỵ. Thời gian vàng được tính trong vòng 3 giờ kể từ thời điểm bệnh nhân khởi phát dấu hiệu của bệnh đột quỵ cho đến lúc bệnh nhân được tiếp cận các kỹ thuật nhằm thông mạch máu (như dùng thuốc tiêu sợi huyết hoặc dùng dụng cụ để lấy cục máu đông ra ngoài). Bệnh nhân đột quỵ được điều trị càng sớm càng tốt, tỷ lệ hồi phục càng cao.
Đối với phương pháp dùng thuốc tiêu sợi huyết, qua 4,5 giờ kể từ thời điểm khởi phát dấu hiệu ban đầu của bệnh sẽ không đem lại lợi ích nữa. Với phương pháp sử dụng dụng cụ để lấy huyết khối thì thời gian được khuyến cáo từ 6 giờ đồng hồ trở lại.
ThS-BS Tân Ngọc Thi, Đơn vị đột quỵ Bệnh viện Hoàn Mỹ ITO Đồng Nai cho hay, hiện nay nhiều người dân lầm tưởng việc chích máu ngón tay, nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cạo gió… có thể điều trị đột quỵ. Trên thực tế, khoa học chưa chứng minh được hiệu quả của các biện pháp này. Ngược lại, việc chích máu đầu ngón tay của bệnh nhân có thể gây nhiễm trùng. Việc không di chuyển người bệnh, để người bệnh ở nhà và thực hiện các biện pháp trên làm mất giờ vàng điều trị của bệnh nhân, khiến bệnh nhân có nguy cơ tử vong hoặc gặp các di chứng nặng nề.
“Khi phát hiện người có biểu hiện của bệnh đột quỵ, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt” - BS Thi nói.
Các bác sĩ khuyến cáo, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đột quỵ, nhưng phần lớn liên quan đến bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Do đó, người dân cần kiểm soát các yếu tố nguy cơ bằng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, chế độ vận động…
Những người đã từng bị đột quỵ cũng dễ xảy ra đột quỵ lần 2, 3. Do đó, bệnh nhân phải tái khám để sử dụng những loại thuốc dự phòng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin