Với tinh thần dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp, ông Thổ Liễn (46 tuổi, người dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn, P.Bảo Vinh, TP.Long Khánh) đã nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương.
Niềm vui của vợ chồng ông Thổ Liễn bên ruộng lúa gia đình. Ảnh: A.NHƠN |
Ông Thổ Liễn đã được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh năm 2023.
Nỗ lực vươn lên đổi đời
Một ngày cuối tháng 8-2023, chúng tôi theo Chủ tịch Hội Nông dân P.Bảo Vinh Nguyễn Thành Ngọc và người có uy tín trong đồng bào dân tộc Chơro tại KP.Ruộng Lớn Mai Văn Lượng đến thăm gia đình ông Thổ Liễn. Do không hẹn trước nên khi chúng tôi đến nơi thì hay tin ông Thổ Liễn đã lái máy cày rời khỏi nhà từ sáng sớm để cày xới đất thuê cho người dân ở làng bên cạnh.
Trong lúc chờ ông Thổ Liễn trở về, ông Mai Văn Lượng kể cho chúng tôi nghe về những đổi thay của làng dân tộc Chơro ở KP.Ruộng Lớn. Làng dân tộc hiện có 125 hộ với 527 nhân khẩu, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp.
Trước đây, người dân ở làng dân tộc Chơro KP.Ruộng Lớn làm nông nghiệp theo kiểu “truyền thống” và chủ yếu dựa vào điều kiện thời tiết, khí hậu diễn ra tự nhiên nên sản lượng nông nghiệp thu hoạch được rất thấp, thậm chí cây trồng thường hay bị sâu bệnh hư hỏng, kém hiệu quả. Thế nhưng, hơn 10 năm trở lại đây, Nhà nước đã quan tâm và cử cán bộ xuống địa bàn tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp cho bà con nắm. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân làm thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Nhiều gia đình cũng nhờ đó mà có điều kiện làm ăn, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống, trong đó có một số hộ trở nên khá giả như: Thổ Liễn, Thổ Dĩ, Thổ Bình…
Bà MAI THỊ VÀNG cho biết: “Vợ chồng tôi đã từng trải qua không ít khó khăn, thử thách trong công việc và cuộc sống, thậm chí có những lúc tưởng chừng như bế tắc. Tuy nhiên, những lúc đó, chúng tôi đã đồng tâm hợp lực, luôn quan tâm động viên và cùng nhau nghĩ ra giải pháp để vượt qua. Nhờ đó, những khó khăn, thử thách lần lượt qua đi, thay vào đó là những điều tốt đẹp đã đến, cuộc sống ngày càng sung túc hơn”.
“Nhiều người từ hai bàn tay trắng đã nỗ lực phấn đấu làm ăn vươn lên và trở nên giàu có trong làng. Từ đó, họ có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ và sở hữu tài sản máy móc, đất đai với trị giá lên đến hàng tỷ đồng. Thấy bà con trong làng làm ăn hiệu quả, tôi cũng vui mừng thay cho họ” - ông Lượng bộc bạch.
Ngồi trò chuyện với nhau khoảng 1 giờ thì ông Thổ Liễn cũng đã về đến nhà. Ông Thổ Liễn chia sẻ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo và đông anh em nên ông phải nghỉ học sớm, ở nhà làm việc để phụ giúp cha mẹ. Đến khi lập gia đình và ra ở riêng, vợ chồng ông gắn với nhiều cái không: không tài sản, không đất đai, không nhà cửa…
Biết được hoàn cảnh của vợ chồng ông Thổ Liễn, chính quyền địa phương đã quan tâm, xây tặng cho vợ chồng ông căn nhà tình thương để có chỗ ở. Vợ chồng ông từ đó có thêm động lực lo chí thú làm ăn, ai thuê gì làm nấy, từ cắt lúa, khuân vác, lái xe cho đến nhổ cỏ, hái cà phê, tiêu…, ông đều nhận làm ngày, làm đêm chứ không ngại cực khổ.
Sự nỗ lực đã được đền đáp, vợ chồng ông Thổ Liễn siêng năng, làm giỏi nên dành dụm được một số vốn và đã dùng số tiền dành dụm vào việc thuê đất đầu tư trồng lúa 3 vụ nhằm tăng thu nhập. Bên cạnh đó, ông Thổ Liễn còn được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để đầu tư mua máy cày, vừa phục vụ công việc ruộng, rẫy trong gia đình, vừa nhận cày xới đất, chở nông sản thuê cho người dân trong vùng.
Nhờ sự cần cù và biết tính toán làm ăn hiệu quả, kinh tế gia đình của vợ chồng ông Thổ Liễn ngày càng phát triển. Hai vợ chồng hiện đã có cơ ngơi vững chắc, nhà cửa với đầy đủ tiện nghi; sở hữu 2 mẫu ruộng và thuê thêm 7 mẫu đất để canh tác lúa 3 vụ/năm. Ngoài ra, vợ chồng ông còn mua 5 ngàn m2 đất rẫy để đầu tư trồng dừa thu hoạch trái và sở hữu 3 chiếc máy cày với tổng trị giá hơn nửa tỷ đồng.
Giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn
Ngoài làm ruộng nhà, vợ chồng ông Thổ Liễn còn nhận làm dịch vụ cày xới đất, chở nông sản thuê cho người dân trong làng và các vùng lân cận từ nhiều năm nay. Công việc này được xem là một nghề “ăn nên làm ra” vì nó đã mang lại nhiều lợi ích như: chi phí thấp, làm nhanh gọn mà lại tăng lợi nhuận cho bà con nông dân. Do đó, người dân địa phương tỏ ra hài lòng khi thuê dịch vụ sử dụng máy móc làm thay cho sức người.
Ông Thổ Liễn điều khiển máy cày đi chở nông sản thuê cho người dân trong vùng |
“Không chỉ nhận làm ở cánh đồng gần nhà, tôi còn đưa máy đi xới đất, chở nông sản thuê ở các vùng lân cận. Dù công việc khá vất vả nhưng nghề này đã giúp gia đình có việc làm ổn định quanh năm và đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình” - ông Thổ Liễn bộc bạch.
Bà Mai Thị Vàng (vợ ông Thổ Liễn) tâm sự: “Trải qua bao năm tháng vất vả, giờ đây gia đình chúng tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc với cuộc sống tốt đẹp hiện tại. Đây là động lực để vợ chồng tôi cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa trong thời gian tới nhằm góp phần vào sự phát triển của địa phương”.
Không chỉ làm lợi cho gia đình, gia đình ông Thổ Liễn còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập từ 7-8 triệu đồng/người/ tháng. Gia đình ông còn cho mượn vốn không tính lãi suất đối với những hộ đang khó khăn trong làng để họ có điều kiện làm ăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động, nhất là các chương trình xây dựng nông thôn mới.
Chủ tịch Hội Nông dân P.Bảo Vinh Nguyễn Thành Ngọc cho biết, trong những năm qua, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ở 4 cấp (xã, huyện, tỉnh và trung ương) tại địa phương đã không ngừng phát triển. Qua đó, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng tại quê hương; trong số đó có nhiều tấm gương là đồng bào dân tộc thiểu số, mà điển hình là ông Thổ Liễn.
Dù xuất thân từ gia đình nghèo khó, thiếu thốn nhưng vợ chồng ông Thổ Liễn đã không mặc cảm tự ti mà luôn phấn đấu tìm mọi cách để vươn lên. Điều đáng quý là ông Thổ Liễn có đức tính cần cù, không ngại khó, không ngại khổ, dám nghĩ, dám làm và biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp có hiệu quả. Hiện thu nhập bình quân mỗi năm của gia đình ông từ 300-400 triệu đồng và trở thành nông dân giỏi cấp tỉnh. Nhờ đó, gia đình có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, lo cho con cái ăn học đàng hoàng và tích cực góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
“Trường hợp của ông Thổ Liễn sẽ được chúng tôi đề xuất chính quyền địa phương tuyên dương, khen thưởng vào dịp cuối năm 2023, đồng thời cũng đang phát động phong trào thi đua nêu gương người tốt, việc tốt nhằm lan tỏa những gương điển hình như ông Thổ Liễn tại địa phương” - ông Ngọc cho hay.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin