Sáng 29-8, Sở GD-ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024; tuyên dương cán bộ, giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho 3 đơn vị của ngành GD-ĐT. Ảnh: C.NGHĨA |
Đến dự có Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn; Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, đại diện Bộ GD-ĐT và các sở, ngành, địa phương, đơn vị.
Ngành GD-ĐT vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2022-2023 là năm học thứ 3 triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Ngành Giáo dục đã chủ động tham mưu kịp thời cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng liên quan đến phát triển hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên và nâng cao chất lượng dạy và học. Qua đó, đảm bảo khung thời gian kế hoạch năm học, đồng thời tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả quan trọng.
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT. Trong giai đoạn 2020-2022, đã có 2.746 giáo viên được đào tạo chuẩn trình độ. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý và các chế độ chính sách cho đội ngũ nhà giáo được thực hiện theo đúng quy định.
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh đã trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho 3 đơn vị, tặng bằng khen cho 24 tập thể và 129 cá nhân có thành tích xuất sắc trong năm học 2023-2024. Dịp này, Sở GD-ĐT ký kết quy chế phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024.
Nguồn lực đầu tư cho GD-ĐT tiếp tục được tỉnh và các địa phương quan tâm. Đến hết năm học 2022-2023, tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia trong hệ thống các trường công lập ở bậc mầm non đạt 74,88%, tiểu học đạt 67,62%, THCS đạt 74,58% và THPT đạt 60%. Công tác cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số trong giáo dục được đẩy mạnh, hoạt động truyền thông giáo dục được tăng cường.
Trong năm học, giáo viên và học sinh các cấp học đã đạt được nhiều giải cao trong các kỳ thi, hội thi, hội thao cấp quốc gia và toàn quốc. Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, tỷ lệ tốt nghiệp THPT (tính cả thí sinh tự do) đạt 97,10% (tăng 0,16% so với năm 2022); trong đó khối THPT đạt 99,34%, khối giáo dục thường xuyên đạt 87,98%.
Bên cạnh đó, ngành GD-ĐT tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; trong đó, chế độ chính sách dành cho giáo viên còn hạn chế, tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra ở nhiều cấp học, nhất là bậc mầm non, giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mỹ thuật… Hệ thống trường lớp ở một số địa phương, nhất là TP.Biên Hòa còn thiếu, trong khi sĩ số học sinh lại tăng.
Giải bài toán thiếu cơ sở vật chất và giáo viên
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng khẳng định, lĩnh vực GD-ĐT luôn được lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi nhất để triển khai thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư cho giáo dục nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025).
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, ngành GD-ĐT Đồng Nai trong thời gian tới phải tìm được giải pháp cho những vấn đề quan trọng đang đặt ra với ngành, đó là vấn đề cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, dân số tăng cơ học cao nên áp lực về nhu cầu trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn nhiều khó khăn; trong đó có những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp như: Biên Hòa, Long Thành và Trảng Bom… Vấn đề phân luồng học sinh cần được phụ huynh học sinh đồng thuận. Phải tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục thông qua thu hút thêm nhiều nguồn lực đầu tư.
Đối với vấn đề đội ngũ nhà giáo, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đa số các địa phương có tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo yêu cầu, cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên một số địa phương còn thiếu dẫn đến việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 còn nhiều bất cập. Công tác tuyển dụng giáo viên gặp khó khăn do không có nguồn giáo viên (đặc biệt là giáo viên Tin học cấp tiểu học, giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật cấp THPT).
Nhiều giải pháp cho năm học mới
Chuẩn bị bước vào năm học 2023-2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp cho ngành GD-ĐT thực hiện.
Lãnh đạo tỉnh động viên Sở GD-ĐT cùng các sở, ngành, đơn vị quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ năm học mới 2023-2024 |
Cụ thể, phải tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Cần triển khai có hiệu quả việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành GD-ĐT nghiêm túc triển khai công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, xây dựng văn hóa học đường gắn với thực hiện hiệu quả Bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Tiếp tục triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn và phòng, chống tai nạn thương tích trường học. Chú trọng tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo, khởi nghiệp nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức thực tế để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống và ứng xử văn hóa, chuẩn mực.
Xác định hệ thống trường lớp có vai trò quan trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị ngành GD-ĐT cần rà soát tiến độ thực hiện Đề án Bảo đảm cơ sở vật chất cho Chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025, từ đó tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo bổ sung cho phù hợp với việc thực hiện các quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn.
Để đội ngũ nhà giáo toàn tỉnh an tâm công tác và cống hiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh giao Sở GD-ĐT tiếp tục tham mưu, vận dụng các giải pháp hiệu quả nhằm thu hút nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ giáo viên để đảm bảo thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018. Trong năm nay, ngành phải tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục phải tăng cường thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra đánh giá. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối liên thông trong ngành và với cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Phó chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể, ngành GD-ĐT phải có sản phẩm thực tế từ Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong GD-ĐT giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin