Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng bệnh truyền nhiễm trước thềm năm học mới

Hạnh Dung
08:42, 26/08/2023

Những ngày gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) phải nhập viện điều trị trên địa bàn Đồng Nai có giảm, song số ca mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tiếp tục tăng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám sức khỏe cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai khám sức khỏe cho một bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng. Ảnh: H.Dung

Trẻ mắc bệnh TCM nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Trước thềm năm học mới, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm cần được chú trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe khi trẻ đến trường.

* Nhiều ca bệnh trở nặng đột ngột

Khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đang điều trị, chăm sóc cho hơn 90 bệnh nhân nội trú. 2/3 số ca bệnh trong số đó là TCM (trong đó có 10 ca bệnh nặng). Có khoảng 15 ca bệnh SXH, nhưng có 3 ca bệnh nặng đang phải liên tục theo dõi.

BS CKII Nguyễn Thanh Quyền, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, mùa mưa là thời điểm thích hợp để các loại bệnh truyền nhiễm bùng phát, trong đó có SXH và TCM. Hàng năm, tháng 9 là thời điểm 2 dịch bệnh này bùng phát mạnh nhất. Đây cũng là thời điểm bước vào năm học mới nên các trường và phụ huynh cần hết sức lưu ý.

Theo BS Quyền, ngày nào trong Khoa cũng có bệnh nhân TCM chuyển độ nặng hơn, một số ca bệnh SXH có nguy cơ rơi vào tình trạng sốc.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận gần 3 ngàn ca mắc SXH, trong đó có 5 ca tử vong. Số ca mắc bệnh TCM là hơn 5,3 ngàn ca, không ghi nhận trường hợp tử vong. Số ổ dịch TCM được phát hiện là 543, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với bệnh TCM, đối tượng mắc bệnh là trẻ từ 5 tuổi trở xuống, nhất là trẻ 3 tuổi. Tùy mức độ bệnh của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị tại nhà hay nhập viện. Phụ huynh khi thấy trẻ bị sốt cao, uống thuốc không hạ, giật mình nhiều lần cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để thăm khám, điều trị kịp thời, tránh chuyển độ nặng hơn. Trong điều kiện thuốc men có nguy cơ thiếu hiện nay, việc chỉ định dùng thuốc cũng phải đúng quy định, những ca nặng hơn sẽ được chỉ định thở máy và chuyển xuống Khoa Hồi sức tích cực chống độc để theo dõi, điều trị.

Đang chăm sóc con gái N.B.N., 13 tuổi, bị sốt xuất huyết tại bệnh viện, ông N.V.K. (ngụ xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) cho hay, con ông sốt cao đến ngày thứ 3 thì gia đình đưa đi khám ở một phòng khám tư nhân gần nhà. Kết quả xét nghiệm máu phát hiện con ông bị SXH nên phòng khám chuyển cháu lên Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai.

Đến ngày thứ 4, thứ 5 thì bệnh tình của bé gái trở nặng, khó thở, phải thở oxy, truyền nước. Đến ngày thứ 8, bé gái mới bình phục trở lại. Gia đình thường xuyên cử người túc trực bên giường bệnh để theo dõi sức khỏe của bé gái, kịp thời báo cho bác sĩ nếu chẳng may có diễn biến bất thường xảy ra.

Đáng lưu ý, đây là lần thứ 2 bé N. bị SXH. So với lần trước, mức độ bệnh lần này nặng hơn nhiều. Ông K. cho biết, trong khu vực nơi ông sinh sống có nhiều người cũng bị SXH, một số đứa cháu ông cũng bị bệnh vào dịp này.

Còn chị H.T.T. (ngụ TT.Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch) đang chăm con hơn 18 tháng tuổi bị bệnh TCM chia sẻ, cách đây vài ngày, thấy con bị sốt và có phát ban ngoài tay chân, vòm họng lở, chị tưởng con bị sốt phát ban nên lấy mật ong bôi vào họng con. Em bé sau đó liên tục nôn ói, không ăn uống gì được.

Do không tìm hiểu và không biết về bệnh TCM nên chị T. sau đó ra nhà thuốc ở gần nhà mua thuốc cho con uống, song tình trạng không thuyên giảm, đêm ngủ liên tục giật mình, sốt cao. Ngày hôm sau, bé tiếp tục sốt cao, không ăn uống được do lở miệng. Phải sau 3-4 ngày con có biểu hiện sốt, co giật, lở miệng, nôn ói, vợ chồng chị T. mới đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thăm khám. Tại phòng khám, em bé có biểu hiện run chân, không đứng được nên bác sĩ chỉ định nhập viện cấp cứu.

* Vệ sinh trường lớp, chuẩn bị đón học sinh

Cô Liêu Thị Ngọc Diễm, giáo viên Trường mầm non Mã Đà (xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) cho biết, qua các phương tiện truyền thông, giáo viên biết được dịch bệnh SXH và TCM có khả năng sẽ tăng cao vào dịp khai giảng năm học mới. Do 2 bệnh này chưa có vaccine phòng bệnh nên cách tốt nhất là thực hiện vệ sinh trường lớp sạch sẽ để bảo vệ trẻ.

“Những ngày qua, các giáo viên trong trường cùng nhau quét dọn từng ngóc ngách ở sân trường, lớp học, khu vui chơi của trẻ, bơm nước vào từng phòng học để tẩy rửa bằng thuốc khử trùng Cloramin B. Những đồ chơi bằng nhựa, đồ dùng học tập đều được các cô giáo rửa sạch bằng xà phòng, đem phơi khô, để ở những nơi sạch sẽ. Tất cả đã sẵn sàng để chào đón các con bước vào năm học mới vui tươi, an toàn” - cô Diễm nói.

Còn tại Trường tiểu học Xuân Trường (xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc), thầy Nguyễn Huy Đông, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ những ngày đầu tháng 8, giáo viên trong trường đã cùng nhau quét dọn các phòng học, lau cửa sổ, rửa bàn ghế, phòng học sạch sẽ. Các giáo viên cũng tiến hành đổ bỏ hết nước đọng trong các lốp xe ở khu vui chơi của học sinh, phát quang cây cỏ, bụi rậm để diệt muỗi, phòng bệnh SXH.

Bên cạnh sự chủ động của các trường học, ngành Y tế cũng thường xuyên phối hợp với ngành Giáo dục triển khai tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh truyền nhiễm cho giáo viên, học sinh, phụ huynh.

BS Phạm Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm Y tế H.Long Thành cho biết, do đặc điểm là địa bàn có đông công nhân lao động, có nhiều khu nhà trọ nên những năm qua, số ca mắc SXH trên địa bàn H.Long Thành khá cao. Để giảm bớt số ca mắc bệnh SXH, trong năm học tới, ngành Y tế huyện sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng GD-ĐT H.Long Thành triển khai mô hình phòng bệnh SXH qua trường học. Trong đó, tập trung tuyên truyền để học sinh nắm được nguyên nhân gây bệnh SXH, cách phòng tránh. Từ đó, các em sẽ thực hành tại nhà, đồng thời tuyên truyền cho những người trong gia đình cùng biết và thực hành đúng.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều