Báo Đồng Nai điện tử
En

Sinh viên với mô hình trao đổi sách

Hải Yến
09:01, 26/08/2023

Đối với sinh viên, việc mua sách, tài liệu tham khảo cần một khoản chi không nhỏ. Bởi để đào sâu kiến thức hoặc tham gia thực hiện các nghiên cứu khoa học thì cần phải có nguồn tài liệu phong phú. Để giải quyết bài toán này, sinh viên giữa các khóa thường có hoạt động trao đổi sách vào đầu mỗi học kỳ với nhiều hình thức, quy mô tổ chức khác nhau. 

Sinh viên tìm kiếm sách được trưng bày trong chương trình trao đổi sách của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: H.Yến
Sinh viên tìm kiếm sách được trưng bày trong chương trình trao đổi sách của Trường đại học Lạc Hồng. Ảnh: H.Yến

Hoạt động này giúp sinh viên chủ động tìm kiếm, trao đổi nguồn tài liệu trước khi bắt đầu học kỳ mới. Đây cũng đồng thời là cơ hội để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi lẫn nhau.

* Chia sẻ tài liệu, tiết kiệm chi phí

Nhận kết quả đậu đại học chuyên ngành Y học cổ truyền Trường đại học Y dược TP.HCM, chị Văn Thị Minh Xuân (P.Trảng Dài, TP.Biên Hoà) rất vui mừng. Bước chân vào ngành Y là mơ ước của chị Xuân từ khi vào THPT. Dù những năm gần đây báo chí nói nhiều về những khó khăn, vất vả trong công việc và thu nhập eo hẹp của đội ngũ nhân viên y tế nhưng chị vẫn kiên định chọn theo nghề mơ ước. Cha mẹ đều là lao động phổ thông nên chị Xuân hầu như không có được sự tư vấn, hướng dẫn của gia đình cho chặng đường sắp tới.

Để chuẩn bị cho những năm tháng ở giảng đường đại học, chị Xuân đã chủ động tìm hiểu trên diễn đàn của sinh viên. Tại đây, chị nhận được nhiều lời tư vấn, hướng dẫn của các sinh viên đi trước, trong đó có nhiều chia sẻ về các môn học, nguồn học liệu, kinh nghiệm học tập… Điều đó giúp chị bớt phần bỡ ngỡ và hào hứng chờ đón ngày nhập học chính thức.

Chương trình trao đổi sách không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm chi phí mà còn mang lại cơ hội tiếp cận nguồn tài liệu phong phú để phục vụ tốt hơn cho việc học tập của mình.

Trao đổi sách, tài liệu tham khảo là hoạt động diễn ra tại hầu hết các trường đại học với nhiều hình thức, quy mô khác nhau; trong đó chủ yếu là hoạt động tự phát của sinh viên. Việc tiếp cận, trao đổi thông tin khá thuận tiện nhờ có các trang Facebook.

Tại Trường đại học Lạc Hồng, chương trình trao đổi sách là hoạt động được Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế tổ chức định kỳ 3 năm nay. Xuất phát từ ý tưởng ban đầu của cô Tạ Thị Thanh Hương, từ việc trao đổi sách trong các bộ môn, lớp học mà cô Hương phụ trách, hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của sinh viên. Vì vậy, Khoa Quản trị - kinh tế quốc tế đã quyết định nhân rộng mô hình và thực hiện định kỳ vào đầu mỗi học kỳ.

Theo đó, cứ mỗi cuối kỳ học, sinh viên sẽ nộp lại những tài liệu, giáo trình đã sử dụng và trao đổi những tài liệu mình mong muốn hoặc cần sử dụng cho các môn học tiếp theo. Sau nhiều lần tổ chức, chương trình trao đổi sách cho sinh viên đã trở thành sáng kiến kinh nghiệm, báo cáo cấp trường, tham gia báo cáo cấp tỉnh và được công nhận.

Anh Nguyễn Vũ Minh Quý, sinh viên ngành Luật kinh tế cho hay: “Tôi đã trao đổi sách bằng cách đem sách cũ của mình đến góp cho chương trình và chọn những cuốn sách mình cần để lấy. Đây là chương trình rất ý nghĩa đối với sinh viên”.

Chị Hà Thị Thuận, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh đã tham gia chương trình trao đổi sách được 2 lần. Bản thân chị Thuận còn tích cực vận động bạn bè tham gia chương trình. Chị cho rằng, ngoài việc giúp sinh viên tiết kiệm chi phí mua sách, tài liệu tham khảo, chương trình còn giúp sinh viên các khóa gắn kết với nhau hơn.

* Để phục vụ người học tốt hơn

Cùng với việc trao đổi sách, tài liệu, giáo trình, Khoa Quản trị kinh tế - quốc tế cũng thường xuyên cập nhật tài liệu mới cho thư viện của khoa. Hiện nay, thư viện của khoa có 3 khu vực: một khu vực tài liệu dành cho sinh viên đại học, một khu vực dành cho học viên cao học và một khu vực tài liệu dành cho nghiên cứu sinh.

TS Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị - kinh tế quốc tế Trường đại học Lạc Hồng cho biết: “Khoa chúng tôi có ngành Quản trị kinh doanh đào tạo đại học, thạc sĩ và tiến sĩ. Để hỗ trợ các bạn về tài liệu, khoa tổ chức 3 khu vực như vậy để thuận tiện cho người học và các bạn rất hào hứng”.

Nhờ có chương trình trao đổi sách, sinh viên không chỉ tiết kiệm được nhiều chi phí dành cho việc mua tài liệu, giáo trình mà còn thuận lợi trong việc tìm kiếm tài liệu phục vụ cho quá trình học tập, nghiên cứu khoa học. Cùng với đó, chương trình đã khơi gợi trách nhiệm xã hội trong chính các bạn trẻ. Không chỉ trao tặng sách, nhiều sinh viên ra trường còn tặng dụng cụ học tập, máy tính cũ cho lớp sinh viên đến sau.

“Đây là cơ hội để chúng ta tạo ra môi trường cho các bạn có cơ hội cống hiến, thể hiện trách nhiệm xã hội nhiều hơn. Vì vậy, khoa sẽ tiếp tục duy trì và mong rằng sẽ làm tốt hơn trong những năm sau” - TS Nguyễn Văn Tân cho hay.         

Sinh viên phô-tô giáo trình để bán là vi phạm pháp luật

Nhiều sinh viên năm nhất khi tìm sách, tài liệu học tập từ các sinh viên đi trước đã nhận được lời mời mua giáo trình, tài liệu phô-tô. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, việc sinh viên phô-tô giáo trình không nhằm mục đích nghiên cứu khoa học mà bán cho người khác để lấy tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và có thể bị xử phạt từ 15-35 triệu đồng theo quy định tại Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm. Đồng thời, bị buộc gỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định.

Hải Yến

Tin xem nhiều
Dịch vụ viết thuê tiểu luận uy tín