Báo Đồng Nai điện tử
En

Vẫn “bài toán” thiếu giáo viên

Công Nghĩa
09:33, 29/08/2023

Các cơ sở giáo dục, nhất là cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với bài toán có đủ giáo viên phục vụ giảng dạy cho năm học mới 2023-2024. Nhiều trường thậm chí phải tính đến chuyện dồn lớp để có đủ giáo viên đứng lớp.

Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) luyện những nét chữ đầu tiên cho học sinh lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) luyện những nét chữ đầu tiên cho học sinh lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa

Trong khi đó, công tác tuyển sinh và đào tạo giáo viên của các trường đại học sư phạm (SP), trong đó có Trường đại học Đồng Nai đang gặp nhiều khó khăn.

* Giảm người học ngành Sư phạm

Trường đại học Đồng Nai vừa công bố điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành SP và ngoài SP của trường năm 2023. Đối với ngành SP, có 566 thí sinh trúng tuyển vào 6 ngành. Trong 6 ngành, chỉ có ngành SP tiểu học có chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất với 350 chỉ tiêu (chiếm 61,8% tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành SP).

Điều đáng chú ý là xu thế tuyển sinh các ngành SP của Trường đại học Đồng Nai, trường đóng vai trò chủ lực của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực SP, đang bị “teo” ở nhiều ngành. Chẳng hạn, tỉnh đang thiếu rất nhiều giáo viên mầm non nhưng chỉ tiêu tuyển sinh của trường lại chỉ có 85 chỉ tiêu (cả trình độ cao đẳng và đại học). Trong khi đó, nhiều ngành SP như: Lịch sử, Địa, Lý, Hóa học, Sinh học, Thể dục, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật lại không có trong có danh sách các ngành tuyển sinh của trường. Điều này đang đặt các trường vào tình thế khó khăn trong việc có đủ giáo viên các môn để phân công giảng dạy.

Những năm học trước đây, các cơ sở giáo dục không chỉ than phiền về việc thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn như: Thể dục, Mỹ thuật, Âm nhạc, Tổng phụ trách Đội thì nay, nhiều môn như: Lịch sử, Địa lý, Sinh học, Toán, Ngữ văn cũng bắt đầu khó tuyển. Lý do đầu ra của các trường SP đối với các ngành này ngày càng ít là vì các trường SP cũng ngày càng khó tuyển sinh. Hơn nữa, nhiều sinh viên ngành SP khi tốt nghiệp ra trường lại có tâm lý muốn ở lại thành phố tìm việc, hoặc không muốn vào các trường công lập làm việc mà xin việc ở các trường tư thục do có mức lương và thu nhập cao hơn.

TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết, trường tuyển sinh các ngành dựa trên nhu cầu của người học những năm trước đây, còn những ngành SP vắng mặt trong danh sách tuyển sinh là do trước đây số lượng đăng ký xét tuyển rất ít, chưa kể số trúng tuyển lại càng ít hơn nên rất khó cho nhà trường mở lớp.

* Khó cho nhà trường

Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phong (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) Lê Văn Lành cho hay, năm nay số học sinh lớp 6 của trường tăng đột biến, trong khi nếu tính theo định biên, trường thiếu tới 33 giáo viên ở các bộ môn. Nhà trường kiến nghị với UBND TP.Biên Hòa sớm phân bổ giáo viên về trường để biết được năm học tới nhà trường được phân bổ chính thức bao nhiêu, còn thiếu bao nhiêu để tuyển giáo viên diện hợp đồng, bởi tuyển dụng giáo viên hiện nay rất khó, không phải tuyển là có ngay.

Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, lãnh đạo thành phố rất trăn trở với những khó khăn của ngành Giáo dục thành phố, trong đó có vấn đề thiếu trường lớp, thiếu giáo viên. Năm học 2023-2024, TP.Biên Hòa được giao biên chế theo định mức là 7.171 người và thành phố đang tiến hành tuyển mới 371 người. Thời gian qua, TP.Biên Hòa chấp nhận cho 23 trường hợp giáo viên ngoài thành phố chuyển đến công tác. Dự kiến từ tháng 9-11, TP.Biên Hòa sẽ tiếp tục chỉ đạo các trường trực tiếp tuyển dụng giáo viên bổ sung theo số lượng được thành phố giao.

Tuy nhiên, để tuyển dụng được số lượng 371 giáo viên theo kế hoạch, đảm bảo cho ngành Giáo dục TP.Biên Hòa có đủ giáo viên giảng dạy là điều không hề dễ dàng.

Trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Võ Văn Minh cho hay, việc tuyển dụng giáo viên ở TP.Biên Hòa với cấp tiểu học, hay với môn Toán, Tiếng Anh ở bậc THCS tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, với giáo viên mầm non, giáo viên một số môn, nhân viên trường học ở bậc tiểu học và THCS lại khá khó khăn. Chẳng hạn như giáo viên mầm non hay Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học là vô cùng khó, không năm nào tuyển dụng được hết chỉ tiêu.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Chưa thể ban hành chế độ thu hút giáo viên

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã giao cho Sở GD-ĐT xây dựng chính sách hỗ trợ, đãi ngộ đối với giáo viên và hoàn thành trước ngày khai giảng năm học mới 2023-2024. Ngành Giáo dục có số lượng giáo viên rất lớn, lên tới 27 ngàn người, nếu tất cả giáo viên đều được hỗ trợ sẽ là áp lực rất lớn cho ngân sách, do đó việc xây dựng chế độ cần phải tính toán kỹ. Sở GD-ĐT cũng đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh được lùi thời hạn trình dự thảo hỗ trợ vào cuối năm 2024.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho hay, năm học 2022-2023, huyện dự kiến thiếu khoảng 150 chỉ tiêu giáo viên, sang năm học 2023-2024 thì số lượng giáo viên thiếu đã tăng gấp đôi, lên đến trên 300 người. Nguyên nhân thiếu là do có nhiều giáo viên đến tuổi về hưu, số lượng học sinh tăng thêm nên cần bổ sung giáo viên. Trước đây huyện chỉ thiếu giáo viên ở một số ít môn, nhưng nay nhiều môn thiếu, trong đó có cả môn Toán, Ngữ văn.

Ngày 14-8 vừa qua, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức đã ký Văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT và Ban Tổ chức Trung ương về báo cáo nhu cầu biên chế giáo viên năm học 2023-2024. Theo đó, tỉnh đã nêu những nguyên nhân thiếu giáo viên là do số lượng giáo viên đến tuổi về hưu hàng năm khá lớn, số lượng học sinh của tỉnh hàng năm tăng cao. Bên cạnh đó, chế độ thu nhập dành cho giáo viên chưa hấp dẫn, nhất là tuyển sinh viên sư phạm mới ra trường. Tỉnh kiến nghị với các cơ quan thẩm quyền trung ương phân bổ đủ số biên chế cho ngành Giáo dục tỉnh năm học 2023-2024 là 35.101 biên chế chính thức.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều