Từ cuối tháng 8 đến nay, trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục ghi nhận 2 ổ dịch chó dại tại H.Vĩnh Cửu và H.Trảng Bom. Điều này cho thấy dịch bệnh dại vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Người dân đăng ký tiêm vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Dung |
Cơ quan chức năng khuyến cáo các địa phương, gia đình cần quản lý tốt đàn chó, mèo trên địa bàn bằng cách nuôi nhốt an toàn, tiêm vaccine phòng dại định kỳ cho đàn chó, mèo.
* Tình trạng thả rông chó, mèo còn nhiều
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có báo cáo điều tra 1 trường hợp bị chó dại cắn tại tổ 2, ấp 6, xã Vĩnh Tân (H.Vĩnh Cửu).
Theo đó, nhà ông P.B.T. có nuôi 5 con chó và 1 con mèo. Trong đó chỉ có 1 con chó được tiêm vaccine phòng bệnh dại, hàng ngày được thả rông mà không rọ mõm. Ngày 6-9, một con chó cỏ khoảng 9 năm tuổi chưa được tiêm vaccine phòng dại có biểu hiện tăng động, mắt đỏ, chảy nước dãi, hung dữ, cắn phá đồ đạc nhà hàng xóm. Mấy ngày sau đó, con chó có biểu hiện lừ đừ, mệt mỏi và cắn anh P.B.M., con trai của ông P.B.T. Tối cùng ngày, con chó cỏ chết. Sau khi bị chó cắn, anh M. đã rửa vết thương bằng nước muối sinh lý và nước sạch; đồng thời, đi tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại tại Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM.
Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng VI cho thấy con chó đã cắn anh M. dương tính với virus dại. Ngoài trường hợp anh M. bị chó cắn, có 6 người khác trong gia đình anh có tiếp xúc gần với con chó dại trước đó.
Qua điều tra dịch tễ tại cộng đồng, cơ quan chức năng xác định nhà ông T.V.V., cách nhà ông P.B.T. 20m, có 3 con chó đã tiếp xúc với con chó dại nhà ông T. Hiện có 1 con chó đã bị chết do trước đó bị con chó dại kể trên cắn, 1 con chết do bị bệnh (trước khi chết có biểu hiện xù lông, không đi lại được) và 1 con có biểu hiện chán ăn đã mất tích.
Trước đó, vào cuối tháng 8-2023, trên địa bàn xã Sông Trầu (H.Trảng Bom) tiếp tục ghi nhận 2 trường hợp bị chó dại cắn vào cẳng chân trái gây xước da, không chảy máu.
Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây từ động vật (chủ yếu là chó nhà) sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt chứa virus bệnh dại. Một khi lên cơn dại thì cả người và vật nuôi đều chết. |
Ông P.V.C. (ngụ ấp 1, xã Sông Trầu), một trong 2 người bị chó cắn cho hay, gia đình ông có nuôi 3 con chó cỏ, trước đó đều chưa tiêm vaccine phòng bệnh dại. Cả 3 con chó được nuôi nhốt trong khuôn viên nhà nhưng được thả ra ngoài vào mỗi sáng và không rọ mõm.
Ngày 20-8, một trong 3 con chó có biểu hiện chảy nước dãi, hoảng loạn, sợ ánh sáng, đã cắn 2 con chó còn lại và cắn vào chân ông C. và vợ ông C.. Phát hiện con chó có biểu hiện lạ, ông C. đã báo về Trung tâm Y tế H.Trảng Bom, Trạm Chăn nuôi và thú y huyện để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả cho thấy con chó dương tính với virus dại.
* Tiến tới không còn ca tử vong do bệnh dại
BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, sau nhiều năm không có dịch bệnh dại, từ cuối năm 2022 đến nay, Đồng Nai đã ghi nhận 3 ca tử vong vì bệnh dại ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và H.Thống Nhất.
Đây là điều rất đáng lo ngại, bởi qua điều tra dịch tễ 9 ổ dịch bệnh dại trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay cho thấy tình trạng chó, mèo thả rông mà không rọ mõm vẫn rất phổ biến. Nhiều gia đình nuôi nhiều chó nhưng lại chủ quan không tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó. Việc thả rông chó, mèo gây ra hệ lụy là nếu có 1 con chó, mèo bị bệnh dại sẽ dễ dàng tiếp xúc với những con chó, mèo khác trong khu vực, làm lây lan virus dại. Vì thế, khi cơ quan chức năng điều tra, rất khó để xác định được chính xác nguồn lây mầm bệnh dại.
Tuy nhiên, BS Phúc đánh giá, so với thời điểm phát hiện ca bệnh dại vào cuối năm 2022, đến nay ý thức phòng bệnh dại của người dân trong tỉnh đã có ít nhiều chuyển biến. Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, người dân đã quan tâm hơn đến công tác phòng bệnh dại. Nhiều gia đình đã hợp tác tốt với các cơ quan chức năng để tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo. Nhiều người sau khi bị chó, mèo cắn, cào đã chủ động đến các cơ sở y tế tiêm vaccine, không còn chủ quan như trước. Trong 8 tháng của năm nay, toàn tỉnh có hơn 13 ngàn người đã tiêm vaccine phòng bệnh dại.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là phải nâng cao ý thức, kiến thức của người dân để họ chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo và bản thân khi bị chó, mèo cắn. Từ đó, sẽ không còn ca tử vong do bệnh dại trên địa bàn tỉnh” - BS Phúc nói.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, để chủ động phòng, chống bệnh dại, người dân cần tiêm phòng bệnh dại đầy đủ cho chó, mèo, vật nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần rửa sạch và sát trùng vết thương, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vaccine huyết thanh kháng dại kịp thời. Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa hay nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin