Báo Đồng Nai điện tử
En

Chủ động phòng, chống dịch bệnh đau mắt đỏ

Hạnh Dung
07:31, 13/09/2023

Những ngày gần đây, số lượng bệnh nhân bị bệnh đau mắt đỏ gia tăng trong toàn tỉnh, ở mọi lứa tuổi, từ trẻ sơ sinh đến người già.

Một học sinh bị đau mắt đỏ khám mắt tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai
Một học sinh bị đau mắt đỏ khám mắt tại Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Bệnh đau mắt đỏ có thể khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị sai cách có thể gây ảnh hưởng đến thị lực, chất lượng sống của người bệnh.

Bệnh lây nhanh

Một tuần nay, cả 4 người trong gia đình chị Trần Thị Hoài Minh (ngụ TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) phải tích cực điều trị bệnh đau mắt đỏ.

Chị Minh chia sẻ, ở trong xóm nơi gia đình chị ở có bé gái bị đau mắt đỏ. Con gái 6 tuổi của chị hay chơi cùng bé gái này nên có khả năng bị lây bệnh từ bé gái. Ban đầu, chị Minh thấy mắt con đổ ghèn nhưng nghĩ do buổi trưa con không ngủ nên mỏi mắt, đổ ghèn. 1 ngày sau đó, những triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ rõ hơn như: ngứa, cộm, đỏ mắt.

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, trong 2 tuần qua, từ ngày 28-8 đến ngày 11-9, bệnh viện tiếp nhận, khám và điều trị cho hơn 2,3 ngàn bệnh nhi bị bệnh đau mắt đỏ. Trong đó, ngày ít nhất là 120 bệnh nhi, cao điểm trong ngày 8-9 lên đến 287 bệnh nhi.

Chỉ 1 ngày sau khi xác định con gái bị đau mắt đỏ, chị Minh đã bị lây bệnh, tiếp đó lây cho con trai 3 tuổi và chồng. Do các con bị đau mắt đỏ nên chị Minh cho các con nghỉ học ở nhà, không dám cho con đến lớp vì sợ lây sang các bạn.

“Đây là lần đầu tiên cả gia đình tôi bị đau mắt đỏ. Tôi bị nặng nhất nhà, mắt sưng, phù hết lớp kết mạc trong mắt, khá khó chịu. Ngày đầu và ngày thứ 2 sau khi ngủ dậy, mắt tôi bị dính lại, mở không được. Ngoài nhỏ mắt, tôi phải uống thêm thuốc theo đơn của bác sĩ. Đến nay đã là ngày thứ 6 mà bệnh vẫn chưa khỏi” - chị Minh cho hay.

Tương tự, cả gia đình anh Mai Văn Hùng (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cũng đang bị đau mắt đỏ.

Anh Hùng chia sẻ, trước ngày khai giảng năm học mới, anh cho 2 con gái đi bơi tại hồ bơi ở phường. Khoảng 2 ngày sau đó, bé nhỏ bị đau mắt đỏ, tiếp đó đến bé lớn rồi đến vợ chồng anh.

Mặc dù biết bệnh đau mắt đỏ không nguy hiểm, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng anh Hùng vẫn đưa các con đi khám tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai rồi nhỏ thuốc, uống thuốc theo đơn của bác sĩ. Riêng vợ chồng anh thì đi khám mắt tại một bệnh viện tư nhân trên địa bàn TP.Biên Hòa.

“Cả nhà tôi mua 4 chiếc kính để đeo, thường xuyên đeo khẩu trang ở nơi đông người. 2 con gái cũng đã nghỉ học được 3 ngày. Vợ chồng tôi đều là công nhân nên không thể nghỉ làm” - anh Hùng nói.

Tác nhân chính gây bệnh là virus

Những ngày qua, có rất nhiều phụ huynh đưa trẻ đi khám vì đau mắt đỏ tại Khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Hầu hết các em đều đang trong độ tuổi đi học. Nhiều phụ huynh phải nghỉ làm để đưa con đi khám bệnh.

Phó trưởng khoa Mắt Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, BS Bùi Thị Nga cho biết, hầu hết bệnh nhi mắc bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ khám và kê đơn thuốc cho bệnh nhi về điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bị bệnh nặng như bị tróc biểu mô giác mạc, đóng giả mạc gây chảy máu trong mắt do phát hiện trễ hoặc gia đình chủ quan không đưa con đi khám ngay từ đầu, tự ý mua thuốc điều trị, vệ sinh mắt không đúng cách.

Nói về nguyên nhân gây nên dịch bệnh đau mắt đỏ đang lây lan rộng trong cộng đồng, các trường học, doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, BS Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho hay: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, tác nhân chính gây bệnh là do enterovirus và adenovirus. Trong đó, enterovirus chiếm đến 86%. Đây là điều rất đáng lo ngại vì virus có thể lây lan nhanh trong cộng đồng nếu không có các biện pháp chủ động phòng bệnh”.

Những dấu hiệu của bệnh đau mắt đỏ là: mắt có cảm giác bị cộm, xốn, ngứa, đỏ, đổ nhiều ghèn màu vàng hoặc xanh, hay chảy nước mắt khi nằm xuống. Có những trường hợp buổi sáng sau khi ngủ dậy mắt sưng đỏ, mí mắt dính vào nhau, khó mở mắt. Bệnh nhân thường bị đỏ một mắt trước, sau đó đến mắt còn lại.

Các bác sĩ khuyến cáo, nếu mắt bị sưng, đỏ nhiều, người dân cần đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chỉ định thuốc phù hợp. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để trị bệnh khi chưa có chỉ định của bác sĩ, tránh những hậu quả đáng tiếc như làm giảm thị lực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống trong tương lai.

Người bệnh cũng cần hạn chế tiếp xúc và không dùng chung các vật dụng với người khác như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang... Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch, không đưa tay dụi mắt, mũi, miệng; vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.

Ngoài ra, cần bảo vệ mắt trước các tác nhân từ môi trường bên ngoài bằng cách đeo kính; cho mắt nghỉ ngơi sau một ngày hoạt động mệt mỏi bằng cách ngủ đủ giấc; lau sạch ghèn trong mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng giấy mềm và tăm bông sạch…

Đối với việc một số người dân khi bị đau mắt đỏ thường lấy lá trầu không để nấu nước, xông mắt, rửa mắt, theo y học Đông y, lá trầu không có vị cay nồng, thơm, mang tính ấm, có tác dụng trừ phong, tiêu viêm, kháng khuẩn cao. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các bác sĩ, chữa đau mắt đỏ bằng việc xông hoặc tiếp xúc trực tiếp với lá trầu không có thể gây ra tình trạng bỏng giác mạc, loét giác mạc, sưng nề, xuất huyết bên dưới kết mạc. Người dân cần cân nhắc khi sử dụng biện pháp này, tốt nhất nên điều trị theo khuyến cáo của bác sĩ.

Hạnh Dung


ThS-BS PHẠM NGỌC HẠNH, Khoa Mắt Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai:

Nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ không bị lây bệnh

Bệnh đau mắt đỏ có khả năng lây lan rất nhanh nên nhiều người lầm tưởng chỉ cần nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây. Tuy nhiên, điều này không đúng. Bệnh đau mắt đỏ lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với nước mắt, ghèn mắt của người bệnh; lây qua đường hô hấp như nói chuyện, ôm hôn; dùng các vật dụng nhiễm mầm bệnh như: khăn mặt, chậu rửa mặt, gối, tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, điện thoại, đồ chơi. Nguồn nước nhiễm mầm bệnh tại ao hồ, bể bơi cũng có thể là nguồn lây bệnh. Thói quen dụi mắt, đặt tay vào mắt, mũi, miệng cũng làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.

Anh NGUYỄN XUÂN BA (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa):

Thuốc nhỏ mắt cháy hàng, loạn giá

Sau khi được bác sĩ khám từ xa và kê đơn thuốc, tôi đã ra nhà thuốc để mua thuốc nhỏ mắt TobraDex cho 2 con nhỏ nhưng thuốc cháy hàng, đi 5-7 nhà thuốc lớn, nhỏ khắp TP.Biên Hòa đều không có. Vì thế, tôi phải tham vấn bác sĩ để mua một loại thuốc khác là Vigadexa. Đối với thuốc nhỏ mắt cho người lớn loại Cravit 0,5%, mỗi nhà thuốc bán mỗi giá khác nhau. Có nơi bán 90 ngàn đồng, nơi bán 87 ngàn đồng, còn có nhà thuốc bán đến 97 ngàn đồng.

Cô TRỊNH THỊ PHƯỢNG HẰNG, giáo viên lớp 2/3 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa):

Thường xuyên phối hợp với phụ huynh để phòng bệnh cho học sinh

Sau lễ khai giảng, lớp ghi nhận một số học sinh bị đau mắt đỏ, phải nghỉ học ở nhà để chữa bệnh. Đến nay, một số học sinh đã khỏi bệnh nhưng một số em vẫn đang còn nghỉ học chưa đến lớp. Để hạn chế dịch bệnh lây lan diện rộng, giáo viên thường xuyên liên hệ với phụ huynh qua group Zalo của lớp, thông báo tình hình dịch bệnh và khuyến cáo phụ huynh các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh mắt cho con 2 lần/ngày bằng dung dịch nhỏ mắt, mũi. Nếu trẻ có dấu hiệu ngứa mắt, đỏ mắt, phụ huynh cần thông báo với giáo viên chủ nhiệm, theo dõi sát tình hình của trẻ, đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị. Ngoài ra, cần nhắc trẻ đeo khẩu trang khi ở trường, ở lớp và nơi công cộng để hạn chế lây nhiễm bệnh.               

An Yên (ghi)


Tin xem nhiều