Thời gian gần đây, nhiều tỉnh, thành trong cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong các bữa ăn bán trú tại trường học. Điều này khiến phụ huynh rất băn khoăn, lo lắng đến sức khỏe và sự phát triển về thể chất của học sinh.
Học sinh một trường tiểu học ở TP.Long Khánh nhận suất ăn trưa tại trường sau buổi học sáng. Ảnh minh họa: Công Nghĩa |
Trưởng phòng Nghiệp vụ 2 Sở GD-ĐT Trương Thủy Ngân cho biết: “Tại Đồng Nai hiện chỉ có các trường mẫu giáo, mầm non và một số ít trường phổ thông tổ chức được bữa ăn bán trú. Nhiều năm qua chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào quy mô lớn liên quan đến bữa ăn bán trú, nhưng vấn đề ATVSTP không thể xem nhẹ”.
* Kiểm soát thực phẩm đầu vào
Trường mầm non Tân Phong (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) có trên 100 trẻ, toàn bộ trẻ đều được chăm sóc bán trú tại trường. Hơn 2 năm trước, định mức tiền ăn của trẻ là 25 ngàn đồng/ngày/trẻ, do phụ huynh đóng góp. 2 năm trở lại đây, định mức ăn của học sinh đã tăng từ 25 ngàn lên 30 ngàn đồng/ngày/trẻ sau khi có sự đồng thuận của phụ huynh. Việc tăng mức thu vừa để bù đắp cho giá thực phẩm tăng, vừa giúp trẻ có được khẩu phần ăn dinh dưỡng hơn.
Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Phong Đàm Thị Nguyệt cho biết, với khẩu phần ăn trị giá 30 ngàn đồng/ngày, mỗi ngày trẻ sẽ được ăn 1 bữa sáng, 1 bữa trưa và 1 bữa ăn nhẹ vào buổi chiều. Nhà trường tự nấu ăn cho trẻ nhưng toàn bộ nguồn thực phẩm đầu vào đều do một doanh nghiệp (DN) thực phẩm cung cấp có đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận ATVSTP và nguồn gốc thực phẩm rõ ràng.
Là người có nhiều năm nấu ăn cho trẻ, chị Nguyễn Thị Hải Hà, nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non Phú Hữu (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) cho hay, đảm bảo ATVSTP là việc không dễ, trong quá trình làm, chị đã được tập huấn nhiều lần về nhận diện thực phẩm không an toàn. Toàn bộ thực phẩm của trường mua về chế biến đều qua hợp đồng với một DN, không có thực phẩm mua ở chợ, vì thường không có hóa đơn và không có xuất xứ rõ ràng. Khi tiếp nhận thực phẩm từ DN cung cấp, chị phải xem thời hạn sử dụng, màu sắc có được tươi ngon hay không thì mới ký nhận.
Còn Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) Hoàng Thị Ngọc cho biết, do không có điều kiện để tự tổ chức nấu ăn nên nhà trường đã hợp đồng với một DN cung cấp suất ăn hàng tuần cho học sinh. Tuy không trực tiếp nấu ăn nhưng nhà trường thành lập tổ giám sát ATVSTP đối với DN cung cấp suất ăn. Theo đó, nhà trường thường xuyên giám sát khâu nhập thực phẩm, chế biến, chia suất ăn và vận chuyển đến trường phục vụ học sinh. Trước khi phục vụ bữa ăn, nhà trường thực hiện lưu mẫu trong tủ lạnh theo quy định.
Giám đốc Sở GD-ĐT TRƯƠNG THỊ KIM HUỆ cho biết, Đồng Nai có số lượng trường học và học sinh rất đông nên cơ sở giáo dục nào có bếp ăn dành cho học sinh đều phải quản lý chặt chẽ quy trình tiếp nhận, bảo quản, chế biến thực phẩm trong trường học.
* Thách thức từ suất ăn giá thấp
Đến nay, hầu hết các trường mẫu giáo, mầm non công lập và tư thục trên địa bàn tỉnh đều có nhà bếp với đầy đủ phương tiện chế biến thực phẩm. Ở khối các trường phổ thông, hiện mới chỉ có các trường tư thục tự tổ chức được bếp ăn tại trường, trong khi các trường công lập nếu tổ chức bán trú thì chủ yếu hợp đồng cung cấp suất ăn trực tiếp. Các suất ăn thường được DN chế biến trước, sau đó vận chuyển đến trường để phục vụ học sinh.
Hiệu trưởng một số trường phổ thông công lập tại H.Trảng Bom cho biết, các trường học được thiết kế xây dựng trước đây chỉ có các hạng mục để phục vụ dạy và học, chứ không có hạng mục bếp ăn, nhà ăn cho học sinh. Chính vì vậy, khi muốn tổ chức bữa ăn trưa ở trường thì không còn cách nào khác là hợp đồng với DN cung cấp suất ăn trực tiếp vì vừa nhanh, vừa tiện. Nhưng bất an khi thực hiện hợp đồng suất ăn là kiểm soát được đầu vào của thực phẩm, liệu có nguồn gốc rõ ràng, có tươi ngon và an toàn hay không.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (P.Xuân An, TP.Long Khánh) Lê Phương Thùy cho hay, đây là năm học thứ hai nhà trường tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh với mức thu 600 ngàn đồng/học sinh/tháng, trung bình mỗi bữa ăn có giá 30 ngàn đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). DN cung cấp suất ăn đã cam kết với nhà trường về ATVSTP, đây cũng là khâu dễ phát sinh rủi ro nhất. Hàng ngày, khi DN đưa suất ăn đến phục vụ, nhà trường sẽ kiểm tra xem có đủ các món theo thực đơn, có đủ đồ ăn theo yêu cầu với trẻ, sau đó mới lấy mẫu từng món lưu mẫu trong 1 tuần.
Nhân viên cấp dưỡng Trường mầm non Tân Phong (TP.Biên Hòa) chế biến bữa ăn cho trẻ |
Theo bà Trương Thủy Ngân, ATVSTP thực sự là một thách thức với nhà trường, bởi phải đảm bảo chặt chẽ ở nhiều khâu, từ nguồn gốc thực phẩm, bảo quản, chế biến, sức khỏe và trách nhiệm của người chế biến. Do yêu cầu về sổ sách kế toán nên hiện nay các trường buộc phải mua thực phẩm của các DN mới có hóa đơn chứng từ, do đó sẽ hạn chế được tình trạng mua thực phẩm trôi nổi. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng, nhất là thực phẩm tươi ngon vẫn rất khó, bởi qua kiểm tra ở một số trường mầm non thì thực phẩm nhập vào chủ yếu là hàng đông lạnh.
Hiệu trưởng một số trường mầm non công lập tại TP.Biên Hòa trăn trở, ngoài việc đảm bảo ATVSTP cho trẻ, nhà trường cũng lo lắng về chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn. Đơn cử, đã 2 năm nay giá trị khẩu phần ăn một ngày của trẻ vẫn chỉ là 25 ngàn đồng. Nhà trường nhiều lần đề xuất phụ huynh tăng lên 30 ngàn đồng nhưng có phụ huynh đồng ý, có phụ huynh lại không.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin