Chủ đề của Ngày quốc tế Trẻ em gái năm 2023 là “Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”. Qua đó nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em gái.
Siêu âm thai bằng máy móc hiện đại cho thai phụ tại Phòng khám Sản nhi Mi Sam (TP.Biên Hòa). |
Tỷ số giới tính khi sinh ở Đồng Nai là 108 bé trai/100 bé gái
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, Việt Nam đạt mốc 100 triệu người vào năm 2023, trở thành quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với phát triển dân số bền vững. Một trong những thách thức đó là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức cao.
Tỷ số cân bằng giới tính khi sinh dao động ở mức 104-106 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam vào năm 2022 đã lên đến 112 bé trai/100 bé gái.
Trung bình mỗi năm, tỉnh Đồng Nai tăng khoảng 86,7 ngàn người và đang nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp. Không những thế, mức sinh thay thế (là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống) cũng mới chỉ đạt 1,87 con/bà mẹ (mức sinh thay thế đảm bảo là 2,1 con/bà mẹ).
Trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh có 24.932 trẻ được sinh ra, trong đó có 12.920 bé trai và 12.012 bé gái
Đến cuối tháng 9-2023, tỷ số giới tính khi sinh tại Đồng Nai là 108 bé trai/100 bé gái, thấp hơn tỷ lệ chung của cả nước, nhưng vẫn ở mức cao.
Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam tiếp tục gia tăng và không được kiểm soát sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của đất nước, thậm chí cả an ninh chính trị quốc gia.
Trước hết là tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Theo kịch bản Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số LHQ đưa ra, Việt Nam sẽ dư thừa 1,4 triệu nam giới vào năm 2059 nếu không có các biện pháp nhằm thay đổi tỷ số giới tính khi sinh như hiện nay.
Xóa bỏ bất bình đẳng giới
Các chuyên gia cho rằng, bất bình đẳng giới là nguyên nhân căn bản làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới và các em gái vị thành niên chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Do vậy, cần tạo điều kiện để các em bước vào giai đoạn trưởng thành một cách an toàn và bình đẳng. Khi các em được trao quyền tự quyết định cuộc sống của mình, các em có nhiều cơ hội phát huy tiềm năng, trở thành nhân tố tích cực tạo ra sự thay đổi trong gia đình, cộng đồng và đất nước. Vì vậy, bảo vệ quyền của các em gái hôm nay là bảo đảm một tương lai công bằng hơn.
BS Lê Phương Lan, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết, để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chi cục đã và đang tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tư vấn liên quan đến vấn đề này trên các phương tiện truyền thông. Tổ chức các buổi tập huấn, hội thảo, nói chuyện chuyên đề cung cấp thông tin cho gần 6 ngàn người về các quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; thực trạng và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh; các biện pháp ngăn chặn phân biệt giới, lựa chọn giới tính thai nhi.
Ngoài ra, chi cục tiếp tục phối hợp với Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai đưa nội dung dân số và phát triển vào chương trình giảng dạy của trường. Phối hợp với Sở GD-ĐT thực hiện mô hình lồng ghép giảng dạy về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, giới, bình đẳng giới trong các trường trung học thông qua hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.
Đồng thời, lồng ghép nội dung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào các hương ước, quy ước của ấp, khu phố, cụm dân cư; thực hiện mô hình hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái để tôn vinh, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng, xã hội.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin