Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo viên dạy môn tích hợp: Vẫn chờ đào tạo

Công Nghĩa
08:36, 12/10/2023

Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 bậc THCS đã áp dụng sang năm học thứ 3. Đến nay, học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 đã học theo chương trình mới, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, bất cập để đảm bảo chất lượng thực hiện. 

Học sinh Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) trong tiết học liên môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) trong tiết học liên môn Khoa học tự nhiên. Ảnh: C.Nghĩa

Chương trình mới ở bậc THCS có nhiều thay đổi trong việc dạy và học khi một số môn học độc lập trước đây được chuyển sang thành môn tích hợp, giáo viên môn này có thể sẽ phải dạy thêm môn kia.

* Bất cập khi dạy môn tích hợp

2 môn độc lập trước đây là Lịch sử và Địa lý nay đã được tích hợp thành phân môn Lịch sử và Địa lý; 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học được tích hợp thành phân môn Khoa học tự nhiên. Những thay đổi lớn trong tổ chức, sắp xếp lại các môn học đã khiến ban giám hiệu nhiều trường gặp khó khăn trong việc sắp xếp giáo viên cho phù hợp với thời khóa biểu, nhất là trong điều kiện còn thiếu giáo viên hiện nay.

Đối với giáo viên là những người trực tiếp đứng lớp cũng không tránh khỏi sự lúng túng vì được đào tạo chuyên môn chính ở môn này nhưng lại phải dạy kèm thêm một môn khác. Những bất cập trong việc triển khai dạy tích hợp liên môn đã khiến giáo viên cảm thấy áp lực. Cho đến nay, nhiều trường vẫn đang chờ đợi được đào tạo việc dạy học liên môn, nhưng chưa được triển khai.

Hiệu trưởng Trường THCS Phú Trung (H.Tân Phú) Nguyễn Ngọc Hương cho rằng, việc giáo viên phải dạy tích hợp là khó khăn, vì không thể đảm bảo chất lượng toàn diện. Hơn nữa, việc triển khai các môn tích hợp đã tiến hành đối với học sinh lớp 6 đến lớp 8 rồi, nhưng đến nay giáo viên vẫn chưa được đào tạo việc dạy tích hợp các môn nên bất cập cho nhà trường trong sắp xếp thời khóa biểu, còn giáo viên phải mày mò để có thể dạy thêm một môn mới mà trước đây không được đào tạo.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Phải khẩn trương đào tạo giáo viên dạy tích hợp

Hiện nay, Sở GD-ĐT đã yêu cầu các phòng GD-ĐT tập hợp danh sách giáo viên cần đào tạo dạy học theo phương pháp tích hợp liên môn cùng với dự trù kinh phí đào tạo. Trước mắt, các trường sẽ thực hiện dạy tích hợp theo hướng dẫn chung của Bộ GD-ĐT, đồng thời giáo viên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình triển khai dạy học liên môn đảm bảo được các yêu cầu đưa ra.

Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, Phòng GD-ĐT thành phố vẫn đang chỉ đạo các trường THCS sắp xếp giáo viên theo hướng giáo viên được đào tạo môn nào thì dạy môn đó, chờ tới khi được đào tạo dạy tích hợp liên môn sẽ tiến hành dạy theo phương pháp mới. Tuy nhiên, bà Hiền cũng cho biết, một số trường đã triển khai cho giáo viên dạy tích hợp, chẳng hạn giáo viên môn Địa lý có thể dạy thêm môn Lịch sử, hay giáo viên môn Hóa học có thể dạy thêm môn Sinh học.

* Khi nào đào tạo giáo viên dạy tích hợp?

Theo ban giám hiệu một số trường THCS, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 chưa được chuẩn bị một cách chu đáo, song song giữa chương trình và giáo viên, dẫn tới nhiều bất cập. Chẳng hạn, khi triển khai chương trình nhưng vẫn chưa triển khai đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp, dẫn tới cả trường và giáo viên phải dạy các môn tích hợp bị động, khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu, giáo viên lúng túng.

Khi Chương trình giáo dục phổ thông mới bậc THCS được dạy lên những lớp cao hơn, giáo viên càng cảm thấy áp lực rõ rệt hơn. Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho biết, để có thể dạy được tích hợp các môn tổ hợp, ban giám hiệu nhà trường phải động viên tinh thần giáo viên nhiều hơn. Mặt khác, ban giám hiệu nhà trường khá vất vả sắp xếp thời khóa biểu sao cho chương trình dạy có hệ thống logic và đảm bảo cho học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất có thể. Bên cạnh đó, phải dựa vào sự hỗ trợ của giáo viên có kinh nghiệm ở các môn có thể dạy tích hợp, nhất là tổ trưởng các bộ môn.

Đến nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đã “phủ” đến lớp 8, hết năm học này, sang năm học 2024-2025 thì toàn bộ bậc THCS sẽ học theo chương trình mới. Nếu không đào tạo khẩn trương cho đội ngũ giáo viên phải dạy tích hợp liên môn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dạy và học cho một thế hệ học sinh.

Một giáo viên dạy tích hợp ở bậc THCS tại TP.Biên Hòa bày tỏ băn khoăn, ban đầu dạy tích hợp với chương trình lớp 6 thì không gặp nhiều khó khăn nên giáo viên còn có thể tự tin, nhưng càng dạy lên các lớp trên, kiến thức rộng hơn, giáo viên càng cảm thấy áp lực hơn. Lo lắng nhất của giáo viên khi phải dạy tích hợp là ở những môn mình không được đào tạo mà vẫn phải cố gắng dạy sẽ ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức hệ thống của học sinh.

Chị Nguyễn Thị Minh Loan hiện có con học lớp 7 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi được biết, ở trường con được học theo chương trình tích hợp với tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học) nên khá băn khoăn, vì con có thể được thầy cô dạy chính môn này nhưng lại dạy thêm một môn khác. Chẳng hạn, thầy dạy chính là môn Hóa nhưng lại dạy thêm môn Sinh; như vậy kiến thức của học sinh không sâu”.

Dù Chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc THCS đã triển khai đến năm học thứ 3 nhưng vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ cách làm. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội: “Chương trình các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý hiện nay đã đúng là tích hợp chưa, hay đó chỉ là lắp ghép các môn học thành phần lại với nhau?”.

Từ thực tế quá trình giám sát của Ủy ban Văn hóa - giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, các trường triển khai rất khác nhau với các môn tích hợp. Có nơi cho giáo viên tập huấn rồi yêu cầu một giáo viên dạy hết môn (gồm các phân môn khác nhau), trong khi hầu hết giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo đơn môn ở trường sư phạm. Có nơi phân bố thời khóa biểu để giáo viên đảm nhiệm các phần khác nhau tương ứng với chuyên môn được đào tạo. Nhưng vì thiếu giáo viên, vì chưa linh hoạt, chủ động trong thiết kế kế hoạch dạy học nên xảy ra nhiều bất cập.

Công Nghĩa


 

Trưởng phòng GD-ĐT H.Trảng Bom LƯU THỊ NGỌC QUẾ:

 

Giáo viên không được đào tạo sẽ lúng túng

Việc tổ chức dạy học tích hợp liên môn là một thay đổi rất lớn trong phương pháp dạy đối với học sinh. Khó khăn các trường đang gặp phải hiện nay là nhiều giáo viên chưa được đào tạo để dạy theo phương pháp tích hợp liên môn. Vì vậy, ngành Giáo dục phải hỗ trợ các trường đào tạo giáo viên để vừa đảm bảo chất lượng dạy và học, vừa tạo tâm lý tự tin hơn cho giáo viên khi đứng
lớp.

Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) NGUYỄN THỊ PHƯƠNG:

Giáo viên đang nỗ lực hỗ trợ nhau để có thể dạy tích hợp liên môn

Khi giáo viên phải thay đổi hình thức dạy liên môn là một áp lực rất lớn, nhất là chưa được qua đào tạo. Để có thể triển khai được, nhà trường phải chỉ đạo các tổ trưởng chuyên hỗ trợ cho các giáo viên trước đây dạy đơn môn nay chuyển qua dạy liên môn tích hợp thông qua các buổi sinh hoạt chuyên môn. Đối với những nội dung khó, kiến thức phức tạp, cần trao đổi hỗ trợ sâu thì giáo viên mới có thể đảm bảo được tiết dạy
chất lượng.

Thành Nam (ghi)


Tin xem nhiều