Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả từ những chính sách hợp lòng dân

09:06, 10/10/2023

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 13 kỳ họp, ban hành 203 nghị quyết. Các nghị quyết được thông qua đã bám sát đặc thù tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, công chức, viên chức, người dân.

Bài 1: Khi nghị quyết đúng, trúng, kịp thời

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, ngành Y tế cả nước nói chung và Y tế Đồng Nai nói riêng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, tình trạng bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc ồ ạt khiến các bệnh viện, trung tâm y tế khó đủ đường, bệnh nhân bị thiệt thòi.

Bác sĩ Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung

Để khắc phục tình trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực y tế.

* Tâm huyết, trách nhiệm, theo đuổi đến cùng

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho hay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, không chỉ bác sĩ mà cả điều dưỡng, kỹ thuật viên, nhân viên hành chính của các bệnh viện công lập cũng ồ ạt nghỉ việc do áp lực công việc lớn, trách nhiệm cao nhưng thu nhập thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Năm 2022 đã chứng kiến “làn sóng” nhân viên y tế nghỉ việc nhiều nhất từ trước đến nay với gần 600 người.

Tuy nhiên, không phải chờ đến khi số lượng nhân viên y tế nghỉ việc với số lượng lớn mà từ cuối năm 2021, khi dự hội nghị tổng kết hoạt động năm 2021 của Sở Y tế, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đã chỉ đạo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng có trách nhiệm tìm giải pháp để nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân viên y tế, giúp họ an tâm, gắn bó lâu dài với đơn vị.

Thấu hiểu những áp lực, vất vả, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh… của đội ngũ y, bác sĩ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo Sở Y tế rà soát, lấy ý kiến và xây dựng dự thảo nghị quyết thu hút, hỗ trợ nhân viên y tế trong tỉnh.

Một chính sách thiết thực, ý nghĩa khác, mang tính đặc thù, đang được tỉnh nghiên cứu xây dựng đó là chính sách hỗ trợ thu nhập cho giáo viên trên địa bàn tỉnh. Nội dung này được UBND tỉnh giao cho Sở GD-ĐT chủ trì soạn thảo, dự kiến sẽ được trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp thường lệ cuối năm 2023.

Theo dự thảo ban đầu, mức thu hút cao nhất đối với bác sĩ có trình độ tiến sĩ về làm việc tại Đồng Nai là 300 triệu đồng. Tuy nhiên, các bệnh viện trong tỉnh kiến nghị, điều quan trọng nhất là hỗ trợ thu nhập cho những người đã và đang cống hiến cho ngành Y tế. Bởi đây là lực lượng quan trọng, có công lớn góp phần đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân địa phương. Vì thế, dự thảo nghị quyết được sửa đổi, tập trung vào hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế.

Thực tế, trước đây tỉnh đã xây dựng một dự thảo nghị quyết về thu hút và hỗ trợ thu nhập cho nhân viên y tế nhưng bị Bộ Tài chính “tuýt còi ở phút 89” và đề nghị tỉnh chờ đến khi Chính phủ điều chỉnh lương mới. Nhưng mấy năm liền sau đó, Chính phủ không điều chỉnh lương, gây ảnh hưởng đến tâm lý của nhân viên y tế. Với dự thảo nghị quyết lần này, ban đầu cũng gặp phải một số khó khăn, phản đối vì số tiền thực hiện nghị quyết rất lớn. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết tâm thực hiện.

Để đảm bảo chặt chẽ trong các vấn đề pháp lý, lãnh đạo tỉnh chỉ đạo Sở Y tế gửi dự thảo nghị quyết xin ý kiến phản biện từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, HĐND tỉnh cùng nhiều sở, ngành liên quan. Đồng thời, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Sở để lấy ý kiến đóng góp của chuyên gia, người dân, đơn vị…

“Đoàn công tác của tỉnh đã trực tiếp ra Trung ương làm việc, xin ý kiến của Bộ Y tế; gửi thông tin đến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ LĐ-TBXH về dự thảo nghị quyết này. Lãnh đạo Bộ Y tế hoàn toàn đồng ý với cách làm của Đồng Nai. Các bộ còn lại cũng nhất trí với đề xuất của tỉnh” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng kể lại.

Cuối tháng 12-2022, tại Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa X, Nghị quyết 34/2022/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ nguồn nhân lực y tế tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2025 đã được thông qua. HĐND tỉnh thống nhất chi gần 890 tỷ đồng để hỗ trợ cho gần 9 ngàn nhân viên y tế đang công tác tại các cơ sở y tế công lập trong tỉnh.

* Hiệu quả thấy rõ

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung vui mừng cho biết, Nghị quyết số 34 được triển khai đã tạo luồng gió mới, tươi mát, giúp nhân viên y tế an tâm làm việc. Trong 9 tháng của năm 2023, toàn tỉnh chỉ ghi nhận 215 nhân viên y tế nghỉ việc, giảm 335 người so với cùng kỳ năm ngoái. Có nhiều đơn vị không có nhân viên y tế nghỉ việc; nhiều bác sĩ, điều dưỡng ở các bệnh viện công lập đã nghỉ việc trước đó nay xin làm lại.

Chị Cồ Thị Hồng Nhung, điều dưỡng Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc cho biết, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo tỉnh đã giúp nhân viên y tế vững tâm hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ. Số tiền hỗ trợ thêm hàng tháng giúp gia đình nhân viên y tế có thêm khoản trang trải, an tâm gắn bó với đơn vị.

Một bác sĩ đang công tác tại Trung tâm Y tế H.Trảng Bom chia sẻ, thời điểm năm 2022, chị từng có ý định nghỉ việc ở trung tâm để đầu quân cho một bệnh viện tư nhân với mức thu nhập cao hơn nhiều so với mức thu nhập hiện có. Tuy nhiên, vì một số lý do, trong đó có lý do Nghị quyết số 34 được HĐND tỉnh thông qua, chị đã quyết định ở lại.

“Tôi ở lại bởi tôi cảm nhận được sự ghi nhận, quan tâm sâu sát, động viên kịp thời của lãnh đạo các cấp dành cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế. Số tiền hỗ trợ hàng tháng tuy không nhiều nhưng tôi cảm thấy ấm lòng” - nữ bác sĩ này tâm sự.

* Bổ sung nhân lực cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh

Một nghị quyết khác mang tính đặc thù vừa được HĐND tỉnh thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-8-2023 là Nghị quyết 09/2023/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đối với viên chức tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027.

Trung tâm Công tác xã hội tỉnh hiện có 81 viên chức đang chăm sóc cho 322 đối tượng là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và người mắc bệnh tâm thần. Một số đối tượng khuyết tật nặng phải có người chăm sóc thường xuyên, một số đối tượng mắc bệnh truyền nhiễm cao (bệnh lao, HIV, viêm gan A, B, C, da liễu). Ngoài ra, có nhiều người bị bệnh tâm thần, thường xuyên lên cơn kích động, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của viên chức trung tâm trong quá trình tiếp xúc, chăm sóc.

Qua khảo sát thực tế cho thấy, công việc của nhân viên tại trung tâm rất vất vả, áp lực nhưng thu nhập rất thấp. Vì vậy, trong nhiều năm qua, số viên chức làm việc tại trung tâm xin nghỉ việc nhiều. Trung tâm gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, đặc biệt là nhân viên trực tiếp chăm sóc đối tượng tâm thần và đối tượng lang thang.

Phó chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Bích Hằng nhấn mạnh, HĐND tỉnh thông qua nghị quyết về chế độ hỗ trợ đối với viên chức tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2023-2027 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho trung tâm ổn định nguồn nhân lực hiện có, bổ sung nguồn nhân lực mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Theo nghị quyết này, viên chức tiếp xúc trực tiếp nhưng không thường xuyên với đối tượng tại trung tâm (bao gồm giám đốc và phó giám đốc) sẽ được hỗ trợ
2 triệu đồng/người/tháng; viên chức tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đối tượng tại trung tâm sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng. Kinh phí thực hiện trung bình khoảng 3 tỷ đồng/năm, trong đó viên chức tiếp xúc trực tiếp nhưng không thường xuyên là hơn 400 triệu đồng/năm; viên chức tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên 2,6 tỷ đồng/năm.

Hạnh Dung

>>> Bài 2: Thêm nhiều chính sách nhân văn, thiết thực

 

 

Tin xem nhiều