Bằng việc sáng tạo bộ trò chơi giúp trẻ em khám phá các loại sinh vật biển theo độ sâu mực nước, 2 học sinh Tạ Quang Vĩ và Nguyễn Hoàng Thiên Ân (Trường THCS Nguyễn Công Trứ, H.Trảng Bom) đã xuất sắc đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên - nhi đồng toàn quốc năm 2023.
Hai học sinh Tạ Quang Vĩ (trái), Nguyễn Hoàng Thiên Ân và bộ trò chơi Thư viện sinh vật biển theo độ sâu mực nước. Ảnh: H.Yến |
Bộ thiết bị trò chơi khá đơn giản, chỉ có 10 câu hỏi tương ứng với 10 độ sâu mực nước biển được thiết kế. Tuy nhiên, ý tưởng làm bộ thiết bị này có thể tiếp tục được phát triển để ứng dụng phù hợp với mục đích giáo dục.
* Khám phá sinh vật biển qua trò chơi
“Thư viện sinh vật biển theo độ sâu mực nước” là tên gọi của bộ trò chơi - đồ dùng dạy học do 2 học sinh Tạ Quang Vĩ và Nguyễn Hoàng Thiên Ân sáng tạo. Bộ trò chơi gồm các phần chính: màn hình hiển thị câu hỏi; các nút bấm A, B, C để điều khiển trò chơi, lựa chọn đáp án; màn hình hiển thị hình ảnh sinh vật biển; khung độ sâu mực nước biển có hệ thống đèn LED và mô hình tàu ngầm có thể di chuyển theo độ sâu mực nước tùy theo lựa chọn của người chơi.
Theo đó, 2 học sinh này thiết kế 10 mực nước biển với độ sâu từ 60-7.900m. Tương ứng với mỗi mực nước biển là 1 câu hỏi về loại sinh vật có thể sống ở mực nước này. Mỗi câu hỏi đều đưa ra 3 lựa chọn A, B, C để người chơi trả lời. Với mỗi câu trả lời đúng, hệ thống sẽ hiển thị đáp án kèm hình ảnh và phần thuyết minh, giới thiệu sơ lược thông tin khoa học về loài sinh vật biển được nhắc đến. Phần hình ảnh (hình tĩnh) còn kèm theo tên tiếng Anh của sinh vật này để giúp học sinh tăng thêm vốn từ vựng tiếng Anh. Nếu sau 2 lần chọn đáp án vẫn sai thì máy sẽ tự hiển thị đáp án đúng.
Chi phí làm bộ trò chơi Thư viện sinh vật biển theo độ sâu mực nước khoảng 1 triệu đồng, phù hợp làm thiết bị dạy học trong nhà trường. |
Ở trò chơi này, học sinh có thể chơi tuần tự từ mực nước nông nhất đến mực nước sâu nhất hoặc có thể chọn chế độ ngẫu nhiên để tự do khám phá mực nước biển.
Chia sẻ về ý tưởng thiết kế trò chơi này, em Tạ Quang Vĩ cho biết: “Khám phá đại dương là một chủ đề thú vị và phong phú, được nhiều học sinh yêu thích. Bộ trò chơi này vừa giúp học sinh khám phá được các loài sinh vật biển theo độ sâu mực nước, vừa giúp các bạn tiếp thu kiến thức hứng thú bằng cách chơi mà học”.
* Phù hợp cho trẻ mầm non, tiểu học
Bộ thiết bị trò chơi Thư viện sinh vật biển theo độ sâu mực nước được thiết kế khá đơn giản nhưng có tính mới, tính sáng tạo và có thể ứng dụng rộng rãi trong giáo dục.
Để có được dữ liệu cho bộ câu hỏi này, nhóm tác giả đã sử dụng ứng dụng ChatGPT để tìm kiếm thông tin ban đầu. Từ thông tin đó, nhóm tìm các tài liệu khoa học để thẩm định lại, sau đó biên tập hình ảnh, thông tin để nhập dữ liệu nhằm cung cấp thông tin chính xác, khoa học cho người chơi.
Để làm được bộ trò chơi này, Thiên Ân và Quang Vĩ cũng phải tìm hiểu thêm kiến thức về các cảm biến, vi điều khiển Arduino, ngôn ngữ lập trình, các cơ cấu kỹ thuật, cách lắp ráp linh kiện, điều khiển thiết bị…
Bản “demo” tham gia cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên - nhi đồng cũng mới chỉ được các tác giả nhập liệu 10 câu hỏi và đáp án. Tuy nhiên, ý tưởng sáng tạo này có thể tiếp tục được phát triển để tạo thành trò chơi hỗ trợ cung cấp kiến thức khoa học cho học sinh.
Thầy Thân Trúc Điệp, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ, giáo viên hướng dẫn đề tài cho biết: “Mô thức bộ trò chơi này có thể được thiết kế thành ứng dụng trên điện thoại hoặc kết nối với điện thoại để điều khiển. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tạo ra thiết bị trò chơi chuyên dụng chỉ phục vụ cho mục đích giáo dục, tránh để học sinh dùng điện thoại nhiều. Đây có thể được xem là đồ dùng dạy học trực quan, có thể phát triển bằng cách nạp thêm nhiều câu hỏi hơn”.
Cũng theo thầy Điệp, bộ trò chơi này mang tính mở, có thể áp dụng được cho học sinh mầm non, tiểu học, THCS trong những bài học phù hợp. Tuy nhiên, với cách thiết kế hiện nay thì bộ trò chơi này phù hợp hơn với lứa tuổi học sinh mầm non và tiểu học.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin