Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh lạm thu tiền trường:
Bài cuối: Minh bạch các nguồn thu - chi

Công Nghĩa
08:45, 03/10/2023

Do ngân sách cấp cho các trường công lập mỗi năm học còn hạn chế nên hoạt động gặp không ít khó khăn. Vì thế, muốn đảm bảo các điều kiện dạy và học tốt, không thể thiếu sự chung tay của phụ huynh.

Phụ huynh Trường tiểu học Hiệp Hòa (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đến lớp đóng các khoản thu đầu năm cho con. Ảnh: C.Nghĩa
Phụ huynh Trường tiểu học Hiệp Hòa (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đến lớp đóng các khoản thu đầu năm cho con. Ảnh: C.Nghĩa

Tuy nhiên, để có được sự chung tay đó, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng (TP.Long Khánh) Lê Thị Phương Thủy cho rằng: “Công khai minh bạch, giải thích rõ ràng, thời điểm thích hợp là cách để nhà trường nhận được nhiều hơn sự đồng thuận của phụ huynh trong tổ chức các hoạt động trong suốt năm học”.

* Công khai sẽ tạo đồng thuận

Nói về kinh nghiệm vận động phụ huynh tham gia đóng góp các khoản phục vụ học tập của trường, cô Lê Thị Phương Thủy cho biết, đầu năm học nhà trường họp với Ban đại diện cha mẹ học sinh trường và lớp để công khai các khoản thu của năm trước cùng chứng từ kèm theo. Những thông tin này cũng được công khai cho phụ huynh toàn trường biết.

Ban giám hiệu Trường tiểu học Kim Đồng cho rằng, nhạy cảm nhất là các khoản thu tự nguyện và làm sao để nó thực sự là tự nguyện. Ban giám hiệu không can thiệp ấn định thu bao nhiêu mà chỉ giới thiệu với phụ huynh toàn trường kế hoạch tổ chức các hoạt động trong năm học và dự kiến cần bao nhiêu tiền cho mỗi hoạt động, còn phụ huynh đóng góp bao nhiêu là tùy vào điều kiện. Khi công khai các hoạt động và nhất là thấy được những hoạt động này rất thiết thực nên phần đông phụ huynh không ngại đóng góp.

Hiệu trưởng Trường THCS Dương Văn Thì (xã Phú Hữu, H.Nhơn Trạch) Trần Thuận Hồng Thơ chia sẻ: “Phụ huynh ở vùng này hoàn cảnh còn khó khăn nên có những học sinh, cha mẹ không có tiền đóng bảo hiểm y tế, nhà trường phải đứng ra vận động các mạnh thường quân, thậm chí thầy cô còn đóng góp ngày lương để mua bảo hiểm y tế cho các em, đảm bảo trường đạt mục tiêu 100% học sinh tham gia. Trong điều kiện khó khăn, phụ huynh hỗ trợ được đến đâu hay đến đó chứ cũng không dám “gò”, vì sợ phụ huynh cho con nghỉ học”.

Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Nguyễn Văn Duyên thì cho hay, ngoài những khoản “cứng” bắt buộc phải thu, các khoản quỹ hội, quỹ lớp nhà trường không đứng ra thu. Ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường cũng phải trao đổi để khi hoạt động thì đúng chức năng, vai trò trong nhà trường, tránh việc lạm thu các loại quỹ và sử dụng các loại quỹ không đúng quy định.

Tuy nhiên, Phó hiệu trưởng Nguyễn Văn Duyên cũng cho hay, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường cũng không cào bằng hay đổ đồng việc thu các loại quỹ. Cơ bản các phụ huynh đều đóng góp, nhưng tùy khả năng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG: Cần chú ý hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Bước vào đầu năm học, ban giám hiệu các nhà trường phải rất sâu sát, tăng cường tuyên truyền, giải thích cho phụ huynh những khoản thuộc về trách nhiệm phải đóng góp, có văn bản quy định của UBND tỉnh và của Sở GD-ĐT rõ ràng. Càng công khai, minh bạch bao nhiêu thì càng nhận được sự đồng thuận bấy nhiêu. Cần chú ý đến những học sinh hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ thêm thay vì phải đóng góp, tạo thêm áp lực không cần thiết.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ ĐĂNG BẢO LINH: Sẽ thanh tra các cơ sở giáo dục có biểu hiện lạm thu

Đầu năm học luôn “nóng” về câu chuyện lạm thu, Sở GD-ĐT luôn theo dõi sát vấn đề này ở các cơ sở giáo dục thông qua nhiều kênh để đảm bảo các trường phải thực hiện đúng theo quy định. Các phòng GD-ĐT cũng phải thực hiện nhiệm vụ tương tự, không để các trường tự đặt ra những khoản thu ngoài quy định đã được phê duyệt thu. Sở sẽ thanh tra các cơ sở giáo dục có biểu hiện lạm thu gây bức xúc dư luận xã hội.

* Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời

Theo phản ánh của một số trường, việc thực hiện các khoản thu đầu năm học hiện nay gặp rất nhiều áp lực, vì có những khoản thu phụ huynh chưa hiểu nên cho rằng nhà trường tự đặt ra. Dư luận về tình hình lạm thu trong trường học thời gian qua đã ảnh hưởng đến tâm lý của ban giám hiệu và thầy cô chủ nhiệm. Thậm chí đầu năm học, nhiều phụ huynh khi được mời tham gia Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường và lớp cũng từ chối vì sợ các phụ huynh có thể làm tổn thương đến lòng tự trọng của họ.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, để không xảy ra tình trạng lạm thu, ngay trong tháng 8-2023, trước khi khai giảng năm học mới 2023-2024, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường THPT trực thuộc Sở và các phòng GD-ĐT về thực hiện các khoản đóng góp đầu năm học. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT cũng nắm tình hình thực hiện thu các khoản đóng góp đầu năm học từ các trường thông qua dư luận, báo chí phản ánh để kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Đến thời điểm hiện tại, khi năm học mới đã bước qua 1 tháng, chưa phát hiện trường nào lạm thu.

Chị NGUYỄN THỊ KIM ANH, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Tân Phong 2 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa): Minh bạch sẽ nhận được sự đồng hành của phụ huynh

Khi đi dự họp phụ huynh, chúng tôi được biết kinh phí các trường được ngân sách cấp hàng năm còn khá khiêm tốn, khó đảm bảo việc nâng cao chất lượng dạy và học cho học sinh. Chính vì vậy, chúng tôi cũng muốn đóng góp hỗ trợ trên tinh thần tự nguyện để các con có điều kiện học tập tốt hơn. Điều quan trọng và là mong muốn lớn nhất của phụ huynh là nhà trường phải công khai, minh bạch các khoản đóng góp và sử dụng hiệu quả nguồn thu ấy.

Còn theo trưởng phòng GD-ĐT một số địa phương, có nhiều trường hiệu trưởng chưa linh hoạt trong thực hiện các khoản thu, dù các khoản thu đó cộng vào không quá lớn. Chẳng hạn đối với khoản thu bảo hiểm y tế, đây là khoản thu bắt buộc, có thể thu vào tháng 11 nhưng hiện nay có trường đã thông báo thu ngay. Hay có những khoản thu có thể thu theo tháng, hoặc 2 tháng/lần như học phí nhưng nhà trường cũng cộng gộp lại để phụ huynh phải nộp một lần. Như vậy sẽ tạo áp lực cho phụ huynh.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Xuân Lộc Thân Anh Thiết cho biết, đầu năm học là thời điểm phụ huynh phải mua sắm nhiều thứ cho con em đến trường, thế nhưng vẫn có trường đề xuất phương án vận động xã hội hóa mua sắm tivi trang bị cho lớp học để làm phương tiện dạy học. Khi các trường đề xuất lên phòng GD-ĐT, phòng chỉ đạo dừng, không thực hiện vận động. Đối với những khoản thu khác, phòng cũng chỉ đạo thu thành nhiều đợt, chẳng hạn như học phí, tiền vệ sinh trường lớp… có thể thu thành 3-4 đợt trong một năm học thay vì gộp thành 1-2 lần thu.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán Ngô Đăng Thành cho hay, đã có hướng dẫn cụ thể các khoản thu theo quy định, các trường không được thu những khoản không có trong danh mục và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm. Đối với khoản thu tự nguyện là các loại quỹ, trong đó nhạy cảm nhất là quỹ lớp, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, phải thực hiện trên tinh thần tự nguyện, phụ huynh nào có thì đóng góp, không có thì không ép buộc hay có biểu hiện “đì” học sinh. Các trường cũng cần cố gắng cân đối tổ chức các hoạt động ngoại khóa, khen thưởng học sinh trong khả năng tài chính của mình thay vì huy động đóng góp quá khả năng của phụ huynh.

Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch Lương Hữu Ích cho biết, huyện sẽ cố gắng cân đối kinh phí hỗ trợ các trường tăng cường cơ sở vật chất bằng ngân sách, hỗ trợ học sinh hoàn cảnh khó khăn bằng vận động các nguồn lực xã hội hóa thay vì huy động quá sức đóng góp của phụ huynh. Các trường cũng phải thực hiện nghiêm quy định chỉ được thu theo hướng dẫn, đồng thời phải hướng dẫn, kiểm tra giáo viên chủ nhiệm, ban đại diện cha mẹ học sinh trong thực hiện đúng các khoản thu.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều