Ngoài việc khắc phục rào cản tự ti, ngại giao tiếp, hoạt động đối thoại với hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) còn là cơ hội để tổ chức hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ DTTS nhằm thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn H.Định Quán trao đổi tại buổi đối thoại. Ảnh: N.SƠN |
Tại hội nghị đối thoại do Hội LHPN tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh phối hợp tổ chức mới đây tại H.Định Quán, hội viên phụ nữ DTTS đã mạnh dạn thông tin những vấn đề liên quan đến phụ nữ DTTS.
* Nhiều đề xuất chính đáng
Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, trước khi diễn ra đối thoại, Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội LHPN H.Định Quán triển khai kế hoạch đối thoại đến cán bộ, hội viên phụ nữ DTTS tại 6 xã vùng DTTS và miền núi H.Định Quán (gồm: Phú Túc, Túc Trưng, Phú Vinh, Phú Tân, Thanh Sơn và Phú Lợi) để nghiên cứu, chuẩn bị nội dung đối thoại.
Tham gia ý kiến tại buổi đối thoại, bà Hoàng Thị Huyên, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ dân tộc Tày, Nùng, Thái, ở xã Thanh Sơn cho hay, thời gian qua, đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã được cấp ủy, chính quyền quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi cho hội viên phụ nữ DTTS.
Cụ thể, CLB Phụ nữ Tày - Nùng - Thái đã được hỗ trợ nhạc cụ đàn tính, mở một lớp truyền dạy đàn tính, hát then. Tuy nhiên, CLB hiện nay vẫn cần được trang bị thêm một số thiết bị phục vụ hoạt động. Bà Huyên cũng đề xuất xây dựng nhà sàn truyền thống dành cho cho đồng bào dân tộc Tày - Nùng - Thái làm nơi sinh hoạt cho đồng bào nói chung và phụ nữ dân tộc Tày - Nùng - Thái nói riêng, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Bà Phạm Thị Chi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 3, xã Phú Lợi cho rằng, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có hội viên phụ nữ DTTS thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm. Tuy nhiên trong thực tế, việc dạy nghề chưa gắn với giải quyết việc làm. Nhiều chị em phụ nữ vùng đồng bào DTTS không có việc làm phải đi làm ăn xa gây khó khăn cho công tác tập hợp phụ nữ. Bà Chi đề nghị các cấp, các ngành gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm để hội viên phụ nữ DTTS ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà.
Bà Nguyễn Thị Diệu Ny, ở ấp Đồng Xoài, xã Túc Trưng lại quan tâm đến các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, động viên phụ nữ DTTS nhằm nâng cao tỷ lệ phụ nữ DTTS tham gia vào lĩnh vực chính trị.
Bà LÊ THỊ THÁI, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh mong muốn hội viên phụ nữ DTTS tham gia hội nghị đối thoại sẽ là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền nội dung của buổi đối thoại đến với đông đảo hội viên phụ nữ DTTS tại địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, góp phần vào sự phát triển của địa phương, nâng cao vị thế của phụ nữ DTTS. |
Tất cả các ý kiến của hội viên phụ nữ DTTS đã được các ngành của H.Định Quán, Hội LHPN tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh giải đáp một cách thỏa đáng, giúp hội viên phụ nữ DTTS hiểu thêm về các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS.
* Cung cấp thêm kiến thức
Không chỉ lắng nghe hội viên phụ nữ DTTS chia sẻ tâm tư, nguyện vọng để từ đó tổ chức Hội LHPN các cấp, chính quyền địa phương có những chương trình, hoạt động phù hợp mà còn là dịp để các cấp, các ngành cung cấp thêm kiến thức cho hội viên phụ nữ DTTS, nhất là các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Việc này giúp hội viên phụ nữ DTTS nói riêng, đồng bảo DTTS nói chung hiểu được Đảng và Nhà nước luôn quan tâm và có những chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS.
Tại hội nghị đối thoại, đại diện Ban Dân tộc tỉnh đã thông tin về các chính sách đối với đồng bào DTTS đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó có chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS. Chương trình này được thực hiện tại 24 xã khu vực I vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh (theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 thì xã khu vực I là địa bàn có 15% hộ DTTS trở lên; có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10% hoặc đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).
Bên cạnh đó là chính sách phát triển GD-ĐT. Tính đến nay, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách ưu tiên cho con em đồng bào DTTS trong tỉnh. Trong đó, chính sách đối với học sinh tại các trường phổ thông dân tộc nội trú là được miễn học phí, chỗ ở nội trú, được cấp hiện vật đồ dùng cá nhân, tiền tàu xe, hỗ trợ học phẩm. Học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ tiền ăn với mức 100% mức lương tối thiểu hiện hành/học sinh/tháng. Học sinh, sinh viên DTTS còn được hỗ trợ Tết Nguyên đán. Sinh viên DTTS có hoàn cảnh khó khăn còn được hỗ trợ vay vốn (mức vay tối đa 4 triệu đồng/sinh viên/tháng)…
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn đang áp dụng các chính sách về y tế, chăm sóc sức khỏe; về bảo tồn, phát triển văn hóa, công nghệ thông tin vùng DTTS; đào tạo cán bộ là người DTTS; chính sách đối với người uy tín; chính sách phổ biến giáo dục và trợ giúp pháp lý, bình đẳng giới…
Nga Sơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin