Trong tháng 12, toàn tỉnh cần hơn 51 ngàn liều vaccine các loại để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của trẻ. Thế nhưng nhiều loại vaccine hiện đang cạn kiệt.
Nhiều loại vaccine miễn phí cạn kiệt cùng lúc ảnh hưởng lớn đến công tác tiêm chủng cho trẻ |
Ngành Y tế đang lo việc thiếu hụt này sẽ tạo ra “lỗ hổng” trong miễn dịch cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, viêm não…
Mỏi mắt "ngóng" vaccine
Toàn tỉnh cần gần 51,1 ngàn liều vaccine các loại trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) để đáp ứng nhu cầu tiêm của trẻ. Trong đó, vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib thiếu nhiều nhất với gần 8,4 ngàn liều, tiếp đó là vaccine bại liệt, sởi, viêm gan B…
Theo lịch tiêm chủng, từ ngày 5 đến ngày 10 hàng tháng, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh sẽ thực hiện tiêm vaccine cho trẻ trong Chương trình TCMR quốc gia. Tháng 11, TP. Biên Hòa chỉ còn vaccine uốn ván cho phụ nữ có thai và vaccine viêm não Nhật Bản (IPV) cho trẻ.
Ngành y tế lo lắng thiếu vaccine kéo dài sẽ tạo ra "lỗ hổng" tiêm chủng và tạo thành dịch sau này |
Đến gần cuối tháng 11, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa đã dự trù hơn 18 ngàn liều vaccine các loại để tiêm cho trẻ vào tháng 12 sắp tới. Trong đó, vaccine viêm gan B: 3 ngàn liều, vaccine lao (BCG): 1,9 ngàn liều, vaccine bạch hầu, ho gà, uốn ván (DPT) là 720 liều…
Tuy nhiên, theo đại diện của trung tâm, đến ngày 27-11, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa vẫn chưa nhận được thông tin có vaccine hay không. Trong khi đó, con số dự trù cho 12 loại vaccine trong Chương trình TCMR của thành phố là khá lớn. Đáng chú ý, vaccine 5 trong 1 đã hết từ đầu năm 2023, có những nơi hết từ tháng 11-2022.
“Mãi cho đến tháng 9-2023, vaccine 5 trong 1 mới có lại nhưng số lượng hạn chế. Chúng tôi được cấp 2.180 liều, ít hơn nhiều so với dự trù và chỉ đáp ứng được khoảng 70% số trẻ đang chờ tiêm vào thời điểm đó. Nhưng sau đợt tiêm, vaccine này lại tiếp tục tình trạng hết hàng” - Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa chia sẻ.
Suốt nhiều tháng nay, Trạm y tế xã Đồi 61, H.Trảng Bom đã trong tình trạng “còn vaccine nào, tiêm loại đó”. Nhưng đợt tiêm gần nhất vào tháng 11 vừa qua, hiện trạm chỉ còn vaccine viêm não Nhật Bản tiêm cho trẻ, các loại khác trong Chương trình TCMR đều hết sạch. Bác sĩ Nguyễn Đình Công, Trưởng trạm y tế xã Đồi 61 cho hay, trung bình mỗi tháng, số trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng cần tiêm ngừa là hơn 100 em.
“Nhiều loại vaccine trong Chương trình TCMR, nhất là vaccine 5 trong 1 đã hết từ nhiều tháng nay. Do đó, những gia đình có điều kiện kinh tế đã đưa con đi tiêm dịch vụ. Lo ngại nhất vẫn là những gia đình khó khăn vẫn phải chờ thông báo có vaccine trở lại. Có những trẻ sinh được 10 tháng tuổi vẫn chưa được tiêm mũi vaccine 5 trong 1 nào” - bác sĩ Công bày tỏ.
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Lê Quang Trung cho biết, toàn tỉnh đã rà soát và dự trù số lượng vaccine cần thiết để tiêm cho trẻ trong Chương trình TCMR vào tháng 12 tới đây. Theo đó, toàn tỉnh cần hơn 51 ngàn liều vaccine các loại để đáp ứng nhu cầu tiêm của trẻ. Trong đó, vaccine phối hợp DPT-VGB-Hib có số lượng nhiều nhất với gần 8.400 liều, tiếp đó là vaccine bại liệt, sởi, viêm gan B…
Tuy nhiên, theo thông tin Sở Y tế tỉnh nhận được, hiện tại, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông báo kho Khu vực không còn bất cứ liều vaccine nào để phục vụ tiêm cho trẻ.
Lo ngại tạo “lỗ hổng” trong miễn dịch cộng đồng
Trước tình trạng hết nhiều loại vaccine cùng lúc và kéo dài, nhất là vaccine 5 trong 1, Trung tâm y tế huyện Cẩm Mỹ đã đề nghị các trạm y tế tư nên vấn cho các gia đình đưa trẻ đi tiêm vaccine dịch vụ theo đúng độ tuổi, tránh tình trạng tạo ra những đợt dịch sau này.
“Không phải gia đình nào cũng có điều kiện kinh tế, nhiều người vẫn đang chờ vaccine miễn phí. Hai tháng nay, chúng tôi chỉ còn 1 trong 13 loại vaccine thuộc chương trình TCMR để tiêm cho người dân” - bác sĩ Nguyễn Thị Phương Dung, Phó giám đốc Trung tâm y tế H.Cẩm Mỹ cho biết thêm.
Bác sĩ Dung bày tỏ sự lo ngại về khả năng các loại bệnh như: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B… sẽ quay lại vào 5-10 năm sau vì “lỗ hổng” vaccine trong giai đoạn này. Nguyên nhân là nhiều trẻ bị bỏ sót, hoặc tiêm thiếu liều vaccine.
Và nguyên nhân tại sao vaccine miễn phí lại hết lâu, kéo dài như vậy thì ngành Y tế không thể nắm được vì Bộ Y tế là “đầu nguồn” cung ứng các loại vaccine này.
Theo Sở Y tế, riêng kho vaccine của Đồng Nai cũng đã cạn kiệt vì đã phân bổ hết trong tháng 11-2023. Tình hình thiếu hụt nhiều loại vaccine trong Chương trình TCMR đã kéo dài từ năm 2022 đến nay. Đây cũng là tình hình chung trong cả nước. “Thông tin từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, dự kiến, các vaccine thuộc Chương trình TCMR sản xuất trong nước có thể được cung ứng trở lại sớm nhất là cuối tháng 11 này. Còn các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12-2023” - bác sĩ Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.
Lãnh đạo ngành y tế cho rằng, việc thiếu hụt, hết vaccine xảy ra thường xuyên, kéo dài khiến trẻ nhỏ có nguy cơ mắc nhiều bệnh truyền nhiễm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Bên cạnh đó, tạo ra “lỗ hổng” trong miễn dịch cộng đồng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát trở lại các dịch bệnh nguy hiểm như sởi, viêm não…
Bích Nhàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin