Báo Đồng Nai điện tử
En

Cộng đồng sáng tạo để đẩy lùi HIV/AIDS

Hạnh Dung
07:26, 20/11/2023

Mặc dù có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống HIV/AIDS nhưng đến nay, căn bệnh thế kỷ này vẫn đang có những diễn biến phức tạp tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Bác sĩ Phòng khám Alo Care tư vấn các biện pháp sinh hoạt tình dục an toàn cho thanh niên trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: H.DUNG

Đáng lưu ý, tình trạng nhiễm HIV/AIDS đang có xu hướng trẻ hóa, gia tăng ở một số địa phương. Nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV tăng rất nhanh trong những năm gần đây.

Toàn tỉnh có khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV

Theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước hiện có khoảng 249 ngàn người nhiễm HIV/AIDS. Trong số hơn 10,2 ngàn trường hợp phát hiện nhiễm HIV mới, có đến 84,5% là nam giới, độ tuổi chủ yếu từ 16-39, đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn.

Không nằm ngoài xu hướng chung của cả nước, tình trạng nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thời gian qua cũng diễn ra tương tự.

Phó giám đốc Sở Y tế Lưu Văn Dũng cho biết, toàn tỉnh hiện có khoảng 7 ngàn người nhiễm HIV/AIDS, trong đó có hơn 6,3 ngàn người đã được quản lý. Trong 10 tháng của năm nay, qua công tác xét nghiệm, các cơ sở y tế đã phát hiện 514 trường hợp nhiễm HIV mới, trong đó có 228 trường hợp có hộ khẩu thường trú trong tỉnh.

Hình thái lây truyền HIV qua đường tình dục tiếp tục có xu hướng ngày càng cao, cao hơn so với lây truyền qua đường máu. Người nhiễm HIV nhóm tuổi từ 25-49 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất và có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ nhiễm HIV được phát hiện tập trung chủ yếu ở nam quan hệ tình dục đồng giới không an toàn.

Chủ đề của Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ ngày 10-11 đến 10-12) năm 2023 là “Cộng đồng sáng tạo - Quyết tâm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Một bệnh nhân nhiễm HIV thường xuyên đến Khoa Phòng, chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) để khám và lấy thuốc ARV (thuốc điều trị HIV) chia sẻ, khi biết bản thân bị nhiễm HIV (qua kết quả xét nghiệm), anh rất sốc và cảm thấy hụt hẫng, không nghĩ rằng có ngày mình sẽ mắc phải căn bệnh nguy hiểm này.

Bệnh nhân chia sẻ, khi còn là sinh viên, do sống xa gia đình, không có sự quản lý chặt chẽ của cha mẹ nên anh tự do làm những điều mình thích, dù trước đó cha mẹ đã từng nhiều lần khuyên bảo. Ngoài việc tìm kiếm bạn tình trong trường học, bệnh nhân này thường xuyên lên mạng xã hội, tham gia vào các nhóm kín để tìm kiếm bạn tình mới. Do thiếu hiểu biết về việc sinh hoạt tình dục an toàn cũng như muốn có cảm giác thoải mái nên trong quá trình quan hệ tình dục với các bạn tình, bệnh nhân không sử dụng bao cao su cũng như không sử dụng thuốc dự phòng HIV.

“Sau một thời gian ăn chơi vô độ, sức khỏe giảm sút rõ rệt, tôi thường xuyên bị tiêu chảy, sốt về chiều, uống thuốc nhưng không hết. Được một người bạn khuyên đi xét nghiệm HIV nên tôi đã đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm. Kết quả dương tính với HIV như tiếng sét ngang tai khiến tôi vô cùng hoang mang, lo sợ. Tôi thực sự không biết mình bị lây nhiễm HIV từ ai và từ khi nào. Đến giờ, tôi vẫn chưa dám nói với gia đình” - nam bệnh nhân tâm sự.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

ThS Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang tập trung vào hai hướng để giảm thiểu HIV/AIDS. Đó là tạo hàng rào bảo vệ và ngăn chặn HIV ở nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới).

Tại Đồng Nai, tất cả các trường hợp nhiễm HIV mới đều được tham gia điều trị bằng thuốc ARV ngay khi phát hiện. Hiện có hơn 5,2 ngàn người nhiễm HIV/AIDS được điều trị thường xuyên bằng thuốc ARV. Qua đó đã giúp nhiều bệnh nhân ổn định sức khỏe, tâm lý để hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nhiều người nhiễm HIV không lây cho vợ, chồng, nhiều cặp vợ chồng vẫn có thể sinh con mà không bị nhiễm HIV.

Công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cho hơn 1,2 ngàn trường hợp tiếp tục được thực hiện tại 9 cơ sở y tế trong tỉnh. Ngoài sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, ngành Y tế Đồng Nai và các doanh nghiệp xã hội, các tổ chức cộng đồng, phòng khám y tế tư nhân đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đại diện Phòng khám Alo Care (một trong 2 phòng khám tư nhân tham gia điều trị ARV cho người nhiễm HIV tại Đồng Nai) cho biết, phòng khám chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc và điều trị HIV, PrEP, PEP và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, phòng khám còn thiết kế các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cho cộng đồng về HIV/AIDS. Đội ngũ tư vấn của phòng khám thấu hiểu những băn khoăn của khách hàng, tạo cho khách hàng tâm lý thoải mái khi đến với phòng khám. Để dễ dàng tiếp cận khách hàng, đặc biệt là những nhóm đối tượng có nguy cơ cao như nam quan hệ tình dục đồng giới, học sinh, sinh viên, công nhân lao động, phòng khám thường xuyên sử dụng kênh mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok... để liên hệ với khách hàng.

Hạnh Dung

 

Từ khóa:

HIV/AIDS

Tin xem nhiều