Mỗi năm, Đồng Nai có khoảng 30 ngàn thí sinh tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ có 10% trong số này chọn học tại các trường đại học trong tỉnh. Đa phần học sinh sau tốt nghiệp THPT chọn học tại các trường đại học ở TP.HCM. Không những vậy, các trường đại học trong tỉnh còn bị “chảy máu chất xám” khi giảng viên cũng chuyển đến giảng dạy tại các trường đại học ở TP.HCM.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đặt ra nhiều nhiệm vụ cho UBND tỉnh và các sở, ngành để phát triển giáo dục đại học của tỉnh. Ảnh: H.Yến |
Là tỉnh công nghiệp và là đầu mối giao thông quan trọng, trong tương lai còn có sân bay quốc tế Long Thành nên Đồng Nai cần nhiều nhân lực chất lượng cao… Những điều trên cho thấy Đồng Nai còn nhiều dư địa để phát triển giáo dục đại học.
* Chỉ 10% thí sinh chọn học đại học trong tỉnh
Mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cùng lãnh đạo tỉnh đã có buổi gặp mặt lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn tỉnh. Tại buổi gặp mặt này, đại diện các trường đã nêu nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh dù nguồn thí sinh của tỉnh dồi dào.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, mỗi năm Đồng Nai có hơn 30 ngàn thí sinh tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ có khoảng 3 ngàn thí sinh chọn học các trường đại học ở Đồng Nai, còn lại chọn học đại học ở TP.HCM.
Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, Khối thi đua 15 của UBND tỉnh gồm có 13 trường đại học, cao đẳng, trung cấp nhưng không có sự gắn kết chặt chẽ trong hoạt động tuyển sinh, đào tạo. Việc đoàn kết, hợp tác giữa các trường sẽ tốt cho công tác tuyển sinh.
Làm rõ hơn thực trạng tuyển sinh của các trường đại học trong tỉnh, PGS-TS Phạm Văn Song, Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Miền Đông so sánh: “5 trường đại học ở Đồng Nai chỉ tuyển được 3 ngàn thí sinh của tỉnh (tương đương 10% tổng số thí sinh). Trong khi đó, có những trường đại học tư thục ở TP.HCM tuyển sinh được 13-15 ngàn thí sinh/năm. Một trong những nguyên nhân khiến cho công tác tuyển sinh chưa hiệu quả là do các trường chưa đoàn kết với nhau trong các sự kiện tư vấn, hướng nghiệp. Thay vì là đối thủ, cạnh tranh quyết liệt, các trường nên cùng ngồi lại để làm việc, hợp tác với nhau”.
Đồng Nai đã quy hoạch 2 làng đại học (ở H.Nhơn Trạch và TP.Long Khánh). Thời gian qua, nhiều trường đại học ngoài tỉnh cũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, đặt vấn đề về việc mở phân hiệu, cơ sở. Ngoài ra, một số nhà đầu tư cũng đang có kế hoạch mở trường nghề tại Đồng Nai. Cùng với đó, các trường đại học trong tỉnh đều đã có kế hoạch mở rộng quy mô đào tạo. |
Không chỉ thiếu sức hút với thí sinh, các trường đại học trong tỉnh còn đứng trước nguy cơ “chảy máu chất xám” khi giảng viên chuyển trường.
Theo TS Mai Hải Châu, Phó giám đốc Phân hiệu 2 Trường đại học Lâm nghiệp (ở H.Trảng Bom), trường có 2 giảng viên đạt chức danh phó giáo sư đã chuyển công tác đến các trường ở TP.HCM.
Tương tự, TS Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Trường đại học Đồng Nai chỉ cách làng đại học Thủ Đức khoảng 10km nên nhiều giảng viên có xu hướng chuyển đến làm việc tại TP.HCM. Trước nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, Trường đại học Đồng Nai mong muốn đến năm 2030 có thể phát triển quy mô 20 ngàn sinh viên. Muốn như vậy thì bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trường phải có đội ngũ giảng viên đạt trình độ”.
Trong khi đó, Trường đại học Đồng Nai hiện có tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ thấp. Do đó, lãnh đạo trường đề xuất tỉnh quan tâm chính sách đào tạo, hỗ trợ, thu hút giảng viên một cách phù hợp.
* Nghiên cứu chính sách để phát triển giáo dục đại học
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho rằng, thời gian qua, các trường đại học trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm sáng. Với nguồn lực được tăng cường cả về nhân lực, trang thiết bị và hệ thống công nghệ số, các đơn vị đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp và triển khai hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động của trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho địa phương và khu vực.
Mỗi năm Đồng Nai có khoảng 30 ngàn thí sinh tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có khoảng 3 ngàn thí sinh chọn học tại các trường đại học trong tỉnh. Trong ảnh: Thí sinh tại điểm thi Trường THPT Ngô Quyền thảo luận sau buổi thi môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 |
Theo Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phạm Xuân Hà, với nhu cầu về nguồn nhân lực trong tương lai, các trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều dư địa để phát triển, mở rộng quy mô đào tạo. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo về kiến thức, kỹ năng thì các trường cần chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho sinh viên; cần quan tâm môi trường văn hóa học đường, môi trường rèn luyện cho sinh viên để đào tạo được nguồn nhân lực vững về kiến thức, có hiểu biết khoa học kỹ thuật, có khả năng hội nhập tốt, có tình yêu quê hương đất nước…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng cho phát triển là rất quan trọng, nên cần phải hết sức nỗ lực cho công tác đào tạo. Bí thư Tỉnh ủy cũng đặt ra một số nhiệm vụ đối với UBND tỉnh, các sở, ngành và các trường đại học. Theo đó, vấn đề đầu tiên là tỉnh cần ưu tiên đất cho giáo dục. Hiện nay, Đồng Nai dành hơn 10 ngàn ha cho các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, mới chỉ có chưa tới 200ha đất dành cho giáo dục đại học, cao đẳng, đào tạo nghề. Như vậy là chưa tương xứng.
“UBND tỉnh và các sở, ngành phải quan tâm quy hoạch không gian cho giáo dục; dành mọi vị trí đất tốt nhất với chính sách tốt nhất cho các cơ sở giáo dục của tỉnh, từ phổ thông lên tới trung cấp, cao đẳng, đại học” - Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng lưu ý Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh rà soát lại quy hoạch đất cho giáo dục. UBND tỉnh, Sở TN-MT quan tâm tháo gỡ những vướng mắc về đất đai với quan điểm đúng pháp luật để hoàn tất thủ tục đất đai cho các trường đầu tư.
Đối với công tác đào tạo, thu hút giảng viên, Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh nghiên cứu, đề xuất chính sách cho Ban TVTU. Có thể học tập các tỉnh, thành khác, vận dụng phù hợp vào Đồng Nai sao cho các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn tỉnh đều có đủ số lượng, chất lượng giảng viên, đáp ứng yêu cầu giảng dạy; đảm bảo tỷ lệ tiến sĩ, thạc sĩ theo quy định.
Để làm tốt công tác tuyển sinh cần tăng cường công tác truyền thông. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cùng với Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp cho học sinh trên địa bàn tỉnh. Các đoàn thể, cơ quan truyền thông của tỉnh cùng tham gia vào hoạt động này… Đây là điều cần thiết để tạo nên sự thay đổi về tâm lý xã hội. Có như vậy mới tạo nên sức hút của các trường trên địa bàn tỉnh đối với thí sinh, phụ huynh.
Ngoài ra, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cũng đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cần làm việc với Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tín dụng cho sinh viên. Chính sách tín dụng này không chỉ hỗ trợ cho sinh viên trong quá trình học tập, giảm gánh nặng chi phí cho các gia đình hoàn cảnh khó khăn, mà còn tăng tính tự lập cho thế hệ trẻ. Vấn đề này phải được quan tâm để tạo chính sách rộng rãi cho học sinh, sinh viên.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin