Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở bậc tiểu học và THCS đã có sự cuốn hút hơn với học sinh thông qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm được lồng ghép vào bài học.
Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (H.Xuân Lộc) giới thiệu các bức tranh do các em vẽ. Ảnh: C.Nghĩa |
Trong 1-2 năm đầu áp dụng chương trình GDPT 2018, thầy và trò Trường THCS Lê Thánh Tông (xã Bảo Hòa, H.Xuân Lộc) còn có những bỡ ngỡ nhất định, tuy nhiên những năm tiếp theo việc dạy và học đã ổn định và đi vào nề nếp hơn.
Hứng khởi qua mỗi bài học
Là một trường ở huyện miền núi Xuân Lộc nhưng Trường THCS Lê Thánh Tông có các điều kiện dạy và học khá tốt khi trường đã được công nhận là trường chuẩn quốc gia từ nhiều năm nay. Khi áp dụng Chương trình GDPT 2018, nhà trường đưa vào hoạt động phòng thực hành Stem Robotics và nhiều trang thiết bị dạy và học đáp ứng các yêu cầu đổi mới của chương trình.
Theo Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tông Phạm Nhị Phương Vi, việc lồng ghép các hoạt động giáo dục trải nghiệm và các môn học đã mang lại hiệu quả cao hơn nhiều so với những buổi học không có thực hành. Chẳng hạn có những tiết học Toán ngoài trời sẽ khác lạ hơn với tiết học Toán chỉ diễn ra trong lớp.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:
Phụ huynh cần thấy hiệu quả của hoạt động trải nghiệm
Để có được sự thay đổi trong hoạt động trải nghiệm trong trường học, Sở đã đầu tư nhiều chuyên đề tập huấn cho đội ngũ giáo viên. Vấn đề còn lại là ban giám hiệu, giáo viên các trường phải vận dụng sáng tạo và mang lại hiệu quả, khi đó sẽ thuyết phục được phụ huynh đồng hành với nhà trường.
Hay tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc), môn Mỹ thuật trong chương trình GDPT 2018 đã mang đến những điều mới mẻ dù đây là một môn học cũ. Đơn cử khi định hướng các em vẽ một chiếc ô tô mà mình mong ước, mỗi em thể hiện ước mơ của mình qua những nét vẽ và màu sắc khác nhau. Có em vẽ chiếc ô tô điện với mục đích ngăn khí thải CO2, có em còn vẽ một chiếc ô tô điện đa năng vừa có khả năng đi trên đường, vừa có thể bay để tránh tắc đường khi được “gắn” thêm đôi cánh.
Còn ở Trường tiểu học Nguyễn Huệ ở trung tâm huyện miền núi Tân Phú, nhà trường đã tận dụng hết không gian từ trong lớp học, thư viện cho đến sân trường để tổ chức nhiều hoạt động giáo dục và trải nghiệm khác nhau. Với không gian thư viện với sách, máy tính kết nối internet và không gian thân thiện là nơi các em có thể đọc nhiều đầu sách, truyện tranh và những buổi thảo luận theo từng chủ đề.
Bên cạnh đó, Trường tiểu học Nguyễn Huệ còn có CLB Tiếng Anh với nhiều học sinh tham gia. Ở CLB, các em giúp đỡ nhau học tập thông qua rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết. Nhiều em có khả năng thuyết trình Tiếng Anh theo chủ đề, phần thuyết trình còn được ghi hình và tải lên fanpage của trường để những học sinh khác học theo. Mới đây, em Vũ Ngọc Diễm, học sinh lớp 4/5 của trường đã trở thành một trong 20 học sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi thuyết trình tiếng Anh cấp tỉnh.
Vượt rào cản để học sinh được trải nghiệm
Đồng Nai sở hữu cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều di tích lịch sử phong phú nằm ở khắp các địa phương trong tỉnh. Đây chính là những kho học liệu vô cùng đồ sộ để các nhà trường đưa học sinh đến tham quan, trải nghiệm, qua đó khai thác phục vụ cho các môn học như: Lịch sử địa phương, Sinh học, Địa lý, Công nghệ…
Học sinh các trường THCS của H.Cẩm Mỹ đi tham quan tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú). (Ảnh ĐPCC) |
Điển hành trong kho tàng học liệu sống này phải kể đến như: Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú), Khu di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Nhà máy thủy điện Trị An (H.Vĩnh Cửu), núi Chứa Chan (H.Xuân Lộc), Căn cứ Tỉnh ủy Biên Hòa U1 (H.Trảng Bom và Long Thành), Bảo tàng Đồng Nai, Văn miếu Trấn Biên, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (TP.Biên Hòa). Bên cạnh đó còn là hàng loạt các làng nghề truyền thống như nghề gốm, nghề điêu khắc đá…
Theo Phòng GD-ĐT H.Cẩm Mỹ, mới đây Phòng GD-ĐT đã tổ chức đưa 400 học sinh của 8 trường THCS trên địa bàn huyện đi tham quan tìm hiểu tại Vườn quốc gia Cát Tiên (H.Tân Phú). Với nhiều em, việc lần đầu tiên được đặt chân vào rừng, tận mắt chứng kiến những cây gỗ lớn cả trăm năm tuổi cùng thảm thực vật phong phú là cơ hội hiếm có. Các em đã gặt hái được nhiều kiến thức về thiên nhiên cũng như ý thức về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên để có được chuyến đi này, Phòng GD-ĐT phải phối hợp rất chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho các em.
Hiệu trưởng Trường THCS Tam Phước (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Nam chia sẻ: “Quá trình triển khai dạy và học nếu thiếu đi hoạt động trải nghiệm sẽ rất khô khan và kém hấp dẫn. Nhìn thấy Đồng Nai hay kế bên là TP.HCM có rất nhiều điểm di tích lịch sử, chúng tôi rất muốn đưa học sinh đến. Thế nhưng, để tổ chức được một chuyến đi là không dễ dàng, bởi ngoài yếu tố an toàn cho học sinh thì điều khó nhất vẫn là kinh phí thuê xe và ăn uống cho các em”.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin