Báo Đồng Nai điện tử
En

Lọc màng bụng trong điều trị suy thận mạn

Hạnh Dung
07:45, 24/11/2023

Lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc) và chạy thận nhân tạo là 2 phương pháp điều trị thay thế thận phổ biến nhất đối với bệnh nhân bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối.

BS Thái Phạm Thị Hòa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng
BS Thái Phạm Thị Hòa kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân trước khi thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng. Ảnh: H.DUNG

Trong đó, kỹ thuật lọc màng bụng có nhiều ưu điểm, giúp bệnh nhân và gia đình họ tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí, công sức.

Nhiều người trẻ bị suy thận mạn

Năm 12 tuổi, chị V.T.T.N. (ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) bị nổi mẩn đỏ khắp người. Do gia đình bận nhiều công việc và có phần chủ quan nên chị N. chỉ uống thuốc trong thời gian ngắn rồi không tiếp tục uống thuốc, không tái khám. Đến năm 18 tuổi, chị N. được chẩn đoán mắc hội chứng thận hư, đến khi đã sinh 2 con, tình trạng bệnh của chị N. càng ngày càng nặng, cơ thể mệt mỏi, xanh xao, vàng vọt.

Đến nay, ở tuổi 38, chị N. đã có “thâm niên” gần 8 năm điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối bằng phương pháp lọc màng bụng. Sức khỏe suy yếu nên cân nặng của chị chỉ 35kg.

Chị N. chia sẻ, từ ngày bị bệnh, chị không thể làm được công việc gì nặng, chỉ ở nhà phụ giúp việc nhà, còn chồng chị vừa lo làm rẫy, vừa chăm sóc, đưa đón con đi học. Để không phải thường xuyên đến bệnh viện chạy thận nhân tạo, chị N. được bác sĩ tư vấn và hướng dẫn thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà.

Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đang quản lý và điều trị cho khoảng 1 ngàn bệnh nhân bị suy thận chưa phải lọc máu, hơn 500 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo, 80 bệnh nhân lọc màng bụng. Ngoài ra, còn có khoảng 20 bệnh nhân đã thực hiện kỹ thuật ghép thận khác.

Theo đó, mỗi tháng chị N. chỉ cần đến bệnh viện 1 lần để làm xét nghiệm máu, thăm khám, nhận dịch, nhận thuốc về nhà. Để thực hiện kỹ thuật này, chị N. được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng quy trình thực hiện cho chuẩn xác, đảm bảo an toàn, tránh nhiễm trùng, biến chứng. Chị N. mua một chiếc bàn nhôm, cây nhôm để móc dịch, cồn sát khuẩn, dung dịch rửa tay, kẹp, nắp ống dung dịch, băng gạc… Sau đó tự thực hiện lọc màng bụng tại nhà, mỗi ngày thực hiện 4 lần, mỗi lần cách nhau 4-6 giờ, trong thời gian từ 30-45 phút.

Còn anh N.T.H. (37 tuổi, ngụ xã Phú Cường, H.Định Quán) phát hiện bị bệnh suy thận mạn cách đây 5 năm. Anh H. chia sẻ, trước khi bị bệnh, anh không có bất kỳ biểu hiện gì, thậm chí rất khỏe mạnh. Khoảng 1 tuần trước khi phát bệnh, anh H. bị cao huyết áp, người rất mệt mỏi, tức ngực, khó thở, ăn uống không được.

“Nghe bác sĩ nói bị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, cả tôi và gia đình, bạn bè không ai tin nổi. Nhưng dù gì vẫn phải chấp nhận để vui vẻ sống và điều trị, vì tôi còn có vợ và 2 con nhỏ” - anh H. nói.

Theo chị N. và anh H., so với phương pháp chạy thận nhân tạo, phương pháp lọc màng bụng có nhiều ưu điểm. Đó là bệnh nhân không phải di chuyển một quãng đường khá xa để đến bệnh viện 3 lần/tuần, không phải phụ thuộc vào máy móc, nhân viên y tế, có thể chủ động thời gian, công việc tại nhà, giảm nhiều thời gian, chi phí, công sức.

Những lưu ý khi thực hiện lọc màng bụng

BS CKII Thái Phạm Thị Hòa, Trưởng khoa Nội thận - tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, lọc màng bụng là phương pháp sử dụng chính màng bụng của người bệnh là màng lọc, giúp thải các chất cặn bã và nước thừa ra khỏi cơ thể, thay thế cho thận đã mất chức năng. Bệnh viện tiếp nhận kỹ thuật lọc màng bụng từ Bệnh viện Chợ Rẫy
(TP.HCM) vào năm 2013 và chính thức triển khai kỹ thuật này từ năm 2015. Đến nay, Khoa đang quản lý khoảng 80 bệnh nhân suy thận mạn thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng tại nhà.

Theo BS Hòa, không phải bệnh nhân suy thận mạn nào cũng có thể thực hiện kỹ thuật lọc màng bụng mà tùy vào tình hình bệnh của bệnh nhân, khả năng và điều kiện của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật này. Trước khi triển khai, bác sĩ sẽ phẫu thuật, đặt ống catheter vào khoang phúc mạc người bệnh. Catheter này giúp đưa dịch lọc vào ổ bụng và tháo dịch ra sau khi đã lọc xong.

Bệnh viện cũng thành lập một nhóm có bác sĩ, điều dưỡng để hướng dẫn, hỗ trợ bệnh nhân lọc màng bụng tại nhà khi cần thiết. Để tránh tai biến và nhiễm trùng trong quá trình thực hiện, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân phải chuẩn bị các đồ dùng, vật dụng cần thiết, thực hiện đầy đủ các bước theo đúng quy trình. Nơi thay dịch là phòng riêng, đảm bảo thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, ánh sáng tốt, không có động vật và người qua lại. Dịch truyền mang từ bệnh viện về nhà bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, không cần phải bảo quản lạnh.

Nếu như bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải kiêng khem rất nghiêm ngặt như: không được ăn rau, trái cây, uống nước thì bệnh nhân lọc màng bụng được khuyến khích ăn nhiều trái cây để bổ sung chất cho cơ thể, chỉ kiêng ăn mặn, đồ mỡ, đồ sống.

Chi phí lọc màng bụng mỗi tháng khoảng 10-11 triệu đồng/tháng, hầu hết đều được BHYT thanh toán, bệnh nhân chỉ phải mua một số vật dụng đơn giản, chi phí thấp.

BS Hòa cho biết thêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh suy thận mạn nhưng nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh suy thận giai đoạn cuối là bệnh tiểu đường. Bệnh nhân bị tiểu đường từ 10-15 năm đều có tổn thương thận.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều