Báo Đồng Nai điện tử
En

Phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức

Hạnh Dung
14:44, 16/11/2023

Toàn tỉnh hiện có hơn 25 ngàn hội viên tham gia vào 36 hội thành viên của Liên hiệp các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội). Đây là lực lượng trí thức đông đảo, hoạt động trên nhiều lĩnh vực, từ KH-CN đến văn hóa, lịch sử, kiến trúc, y tế, giáo dục, xây dựng, trồng trọt, chăn nuôi…

Đại diện Sở KH-ĐT (giữa) tiếp nhận kết quả đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh cho tỉnh Đồng Nai, do Trường đại học Mở TP.HCM phối hợp với lãnh đạo Sở KH-ĐT thực hiện. Ảnh: H.Dung
Đại diện Sở KH-ĐT (giữa) tiếp nhận kết quả đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh Xây dựng mô hình tăng trưởng xanh cho tỉnh Đồng Nai, do Trường đại học Mở TP.HCM phối hợp với lãnh đạo Sở KH-ĐT thực hiện. Ảnh: H.Dung

Tuy nhiên, tiềm năng của đội ngũ trí thức trong tỉnh chưa được phát huy hiệu quả và cần có các giải pháp để thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học của họ.

* Những vấn đề cần quan tâm

ThS Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch Liên hiệp hội cho biết, thời gian qua, sự liên kết, phối hợp giữa các hội thành viên, hội viên tập thể và các sở, ban, ngành, địa phương với Liên hiệp hội chưa thật sự thường xuyên. Tỷ lệ tập hợp đội ngũ trí thức KH-CN còn thấp, thiếu những hội viên là chuyên gia đầu ngành. Hoạt động của các hội thành viên không có nhiều nổi bật, công tác tư vấn, phản biện xã hội còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa nhà khoa học - nhà quản lý - doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Sản phẩm nghiên cứu khoa học đôi khi chưa phù hợp và bám sát nhu cầu của doanh nghiệp. Chưa thực sự có cơ chế phù hợp để chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp gắn kết, hỗ trợ nhau phát triển KH-CN. Đội ngũ cán bộ có trình độ sau đại học của tỉnh ngày càng tăng nhưng số người có trình độ chuyên môn làm công tác nghiên cứu triển khai, ứng dụng KH-CN chưa nhiều.

Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên hiệp hội mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, yếu tố
KH-CN đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hiển hiện rõ qua cuộc đua ngân sách. Trong 10 tháng qua, tỉnh Bình Dương thu ngân sách đạt 37 ngàn tỷ đồng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu 32 ngàn tỷ đồng, trong khi Đồng Nai mới đạt 27 ngàn tỷ đồng.

“Yếu tố về KH-CN thấp đồng nghĩa với phát triển chậm. Tỉnh có đội ngũ trí thức hùng hậu, hàng năm bố trí ngân sách lớn cho KH-CN (2%) nhưng không năm nào sử dụng hết, sức sáng tạo không cao, số sản phẩm làm ra không nhiều thì làm sao để đi tắt, đón đầu, cạnh tranh và phát triển” - Bí thư Tỉnh ủy đặt vấn đề.

Theo thống kê của Sở KH-CN, năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 3,5 ngàn người có trình độ sau đại học, bao gồm 358 tiến sĩ, hơn 2,9 ngàn thạc sĩ, chiếm 4,44% tổng số nhân lực xã hội đang lao động trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh cho biết, tỉnh đang rất quan tâm đến các công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, trái cây; vấn đề môi trường; nghiên cứu để phủ xanh những cánh rừng còn nghèo; vấn đề bảo vệ sông Đồng Nai; thúc đẩy mục tiêu phát triển con người. Lãnh đạo tỉnh rất mong muốn các nhà khoa học, đội ngũ trí thức phát huy trí tuệ, tinh thần sáng tạo, tập trung nghiên cứu để cho ra đời những giải pháp công nghệ có tính ứng dụng, hiệu quả cao.

Với vai trò đơn vị cầu nối, tập hợp đội ngũ trí thức, Liên hiệp hội cần khuyến khích, động viên các nhà khoa học tham gia nghiên cứu, đưa ra các giải pháp để hỗ trợ tỉnh. Có thể kết hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội để đẩy mạnh nghiên cứu, đổi mới sáng tạo.

* Giữ “lửa” sáng tạo cho đội ngũ tinh hoa

Một cán bộ có trình độ tiến sĩ đang công tác tại một trường học trên địa bàn tỉnh chia sẻ, nguyên nhân khiến họ không thể an tâm nghiên cứu khoa học là bởi hàng ngày vẫn phải lo cơm, áo, gạo, tiền. Đồng lương ít ỏi trong khi giá cả hàng hóa ngày một tăng buộc họ phải “chân trong, chân ngoài” mới đủ trang trải cuộc sống gia đình. Như vậy thì sẽ không còn thời gian và tâm trí để dành cho việc nghiên cứu, sáng tạo mặc dù bản thân có nhiều ấp ủ.

Để phát huy tiềm năng của đội ngũ trí thức, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho rằng, những thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo từ nguồn ngân sách của tỉnh không nhất thiết phải làm việc trong hệ thống Nhà nước mà phải được bổ sung vào các doanh nghiệp, đưa về những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo để sáng tạo ra những giá trị mới, sản phẩm mới cho xã hội. Điều quan trọng nhất là đóng góp cho xã hội để tạo ra giá trị thặng dư, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

“Cả thế giới đang bước vào cuộc đua về KH-CN, quốc gia này hơn quốc gia kia ở yếu tố KH-CN. Nếu cứ ôm khoa học cũ, công nghệ cũ thì tất nhiên sẽ lạc hậu. Bởi khoa học cũ vừa tốn nhiên liệu, nguyên liệu, tốn sức lao động, lãng phí đất đai, vừa có giá trị sản phẩm không cao. Sức cạnh tranh ngày càng kém dẫn đến phá sản chứ không thể tồn tại” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Nhân viên của Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) thực hiện hoạt động kiểm định, đo lường chất lượng Ảnh: HẠNH DUNG
Nhân viên của Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) thực hiện hoạt động kiểm định, đo lường chất lượng. Ảnh: HẠNH DUNG

Lãnh đạo Tỉnh ủy giao UBND tỉnh rà soát, tìm nguyên nhân khiến đội ngũ trí thức mất “lửa” sáng tạo là do thiếu cơ chế đãi ngộ, thiếu môi trường sáng tạo hay vì lý do gì khác. Từ đó để xây dựng hệ thống chính sách về cơ chế để khích lệ tinh thần sáng tạo cho họ. Trung ương cho phép đến đâu thì Đồng Nai vận dụng đến đó. Nếu vận dụng hết rồi mà họ vẫn không “cháy”, mất động lực, không “thèm” nghiên cứu nữa thì thất bại vì dẫn dắt xã hội mà để cho đội ngũ tinh hoa của xã hội mất “lửa”.

“Tôi tin rằng, nếu chúng ta làm tốt chính sách, Nhà nước quan tâm, doanh nghiệp quan tâm, họ nghiên cứu và cho ra đời những sản phẩm thương mại hóa được, có thu nhập xứng đáng từ những nghiên cứu của họ thì họ sẽ có động lực để nghiên cứu. Nếu nghiên cứu mà không được trả công xứng đáng thì sẽ mất động lực” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.              

Hạnh Dung

 

 

Tin xem nhiều