Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm năng của người khuyết tật trong sản xuất thông minh

Hải Yến
08:37, 18/11/2023

Người khuyết tật (NKT) hoàn toàn có cơ hội tiếp cận và làm việc trong lĩnh vực sản xuất thông minh. Đặc biệt là trong bối cảnh lĩnh vực sản xuất thông minh ngày càng phát triển kết hợp với các công nghệ tiên tiến như: lập trình và vận hành CNC/CAD/CAM bậc cao, công nghệ bản sao số, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo, công nghệ robot…

Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật Nguyễn Văn Cử chia sẻ về những khó khăn của người khuyết tật trong tiếp cận đào tạo nghề. Ảnh: H.Yến
Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực người khuyết tật Nguyễn Văn Cử chia sẻ về những khó khăn của người khuyết tật trong tiếp cận đào tạo nghề. Ảnh: H.Yến

Để làm được điều này, NKT cần được tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề phù hợp với dạng khuyết tật và năng lực cá nhân.

* Cần tư vấn, hướng nghiệp phù hợp

Theo Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển năng lực NKT (Trung tâm DRD - Đời rất đẹp) Nguyễn Văn Cử, NKT và gia đình của họ thường bị thiếu thông tin, chưa được tư vấn hướng nghiệp phù hợp với các cái dạng tật. Do đó, NKT thường bị “đóng khung” một số ngành nghề.

“Ví dụ như người khiếm thị, người mù thì làm massage; NKT vận động chỉ có thể học ngành công nghệ thông tin. Điều đó có thể phù hợp với NKT này, nhưng lại hoàn toàn không đúng với sở thích, năng lực, tính cách, giá trị của những NKT khác. Muốn giải quyết sự bất hợp lý này, cần phải làm công tác tư vấn hướng nghiệp dành cho NTK phù hợp với dạng khuyết tật” - ông Cử cho hay.

Bên cạnh việc chưa được tư vấn hướng nghiệp phù hợp với dạng khuyết tật, NKT còn gặp một khó khăn khác là không biết được những cơ sở đào tạo nào sẵn sàng nhận NKT vào học; khó khăn trong tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ, nhất là chi phí cho việc học. Rất nhiều NKT có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Do đó, nếu được hỗ trợ học phí, sinh hoạt phí hoặc cấp học bổng thì NKT sẽ tự tin, được gia đình tạo cơ hội để đi học.

Mới đây, tại Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) đã diễn ra diễn đàn Tiềm năng của NKT trong lĩnh vực sản xuất thông minh - trong giáo dục nghề nghiệp và trong công nghiệp sản xuất. Các đại biểu tham gia diễn đàn cho rằng, thị trường lao động hiện vẫn chưa tạo điều kiện phù hợp để NKT tiếp cận với các chương trình giáo dục nghề nghiệp và môi trường làm việc phù hợp tại các doanh nghiệp.

Ngay cả khi đã được tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học tập đúng năng lực, sở trường thì NKT vẫn còn khó khăn lớn là thiếu thông tin về các doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng NKT vào làm việc.

Về phía các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hiện vẫn còn nhiều trường nhìn việc giáo dục hòa nhập cho NKT dưới góc độ gánh nặng chi phí. Nghĩa là các trường cho rằng, nếu tiếp nhận đào tạo NKT thì phải cải tạo cơ sở hạ tầng, thay đổi một số phương pháp đào tạo…, gây tốn kém chi phí. Tuy nhiên, theo ông Cử: “Cách nhìn này chưa chính xác. Thực tế, các trường chỉ cần thực hiện một vài điều chỉnh nhỏ thôi là đã có thể giúp cho NKT học được rồi. Điều quan trọng là đội ngũ giáo viên cần được đào tạo về phương pháp giáo dục hòa nhập cho NKT”.

Nhằm chung tay giải quyết những khó khăn trên, trong thời gian tới, Trung tâm DRD sẽ tăng cường công tác truyền thông, tư vấn hướng nghiệp, nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp cho NKT. Đặc biệt, DRD sẽ xây dựng cuốn sổ tay hướng nghiệp. Trong cuốn sổ tay này sẽ có các thông tin phân tích những ngành nghề phù hợp với các dạng khuyết tật, giúp cho NKT không tự “đóng khung” vào một vài ngành học như hiện nay.

* Cơ hội trong ngành sản xuất thông minh

Theo ông Ralf Hill, Trưởng hợp phần chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam, nếu NKT được hỗ trợ và có những điều kiện cơ sở vật chất phù hợp thì họ hoàn toàn có thể phát huy những thế mạnh của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất thông minh.

Đồng quan điểm trên, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH ISHISEI Việt Nam (TP.HCM) Đinh Trường Việt chia sẻ: "Ngày nay, trong bối cảnh công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh là một cuộc cách mạng về cách chúng ta sống và làm việc. Để nắm bắt được các cơ hội này và giữ được sức cạnh tranh, chúng ta cần vận dụng tối đa nguồn nhân lực, bao gồm NKT. Lực lượng sản xuất thông minh đòi hỏi các kỹ năng phối hợp giữa kỹ thuật và xã hội thì NKT sở hữu những thế mạnh gồm: tính thích nghi cao, tính sáng tạo, tính kiên trì”.

Giám đốc nhân sự Công ty TNHH NS BlueScope Việt Nam (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Doãn Thanh Cao cũng cho rằng, NKT có nhiều tiềm năng để làm việc ở trong cả môi trường văn phòng và sản xuất. Công ty NS Blue Scope đang tìm kiếm các đối tác, thêm cầu nối để đưa NKT đến gần hơn với doanh nghiệp.

Theo bà Vũ Minh Huyền, cán bộ quan hệ công chúng và truyền thông của chương trình Đổi mới đào tạo nghề tại Việt Nam, nhu cầu việc làm trên thế giới đang ngày càng thay đổi và có những yêu cầu mới, đặc biệt là trong bối cảnh sự phát triển của khoa học công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, sản xuất thông minh. Vì vậy, chúng ta cần phải tận dụng được tối đa nguồn lực của tất cả các nhóm trong xã hội để tận dụng những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Trong đó, NKT chiếm khoảng 7% dân số cũng là một nguồn lực nếu biết cách gỡ bỏ những rào cản để NKT có thể phát huy tối đa tiềm năng của họ.

Hải Yến

Tin xem nhiều