Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo.
Đoàn cán bộ, công chức của Phòng LĐ-TBXH H.Thống Nhất đến thăm mô hình nuôi dê của gia đình bà Vũ Thị Mỹ Linh (ngụ xã Gia Tân 3, H.Thống Nhất). Ảnh: A.Nhơn |
Thời gian qua, H.Thống Nhất đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo phù hợp, tạo động lực giúp người dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
* Kịp thời hỗ trợ người dân
Những ngày cuối năm 2023, Phòng LĐ-TBXH H.Thống Nhất đến thăm hỏi, động viên một số gia đình trên địa bàn huyện. Đây là những trường hợp đã được Phòng LĐ-TBXH H.Thống Nhất cùng các địa phương, ban, ngành, đoàn thể kịp thời quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian qua.
Một trong những hộ mà đoàn đến thăm là vợ chồng bà Vũ Thị Mỹ Linh (52 tuổi, ngụ ấp Gia Yên, xã Gia Tân 3). Cuộc sống của gia đình bà Linh đã có nhiều đổi thay tích cực, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Hiện vợ chồng bà đã có căn nhà mới rộng rãi, khang trang; sở hữu vườn cây ăn trái rộng hơn 7 ngàn m2 và trang trại nuôi dê với tổng trị giá hơn 5 tỷ đồng.
Bà Linh kể, lúc trước vợ chồng bà lấy nhau không có nhà cửa đàng hoàng, không đất đai, không vốn đầu tư làm ăn, phải đi làm thuê, làm mướn để kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, do nghề nghiệp không ổn định, thu nhập bấp bênh nên cuộc sống ngày càng khó khăn, túng thiếu, nhất là khi 3 con nhỏ lần lượt ra đời.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của vợ chồng bà Linh, vào năm 2017, chính quyền địa phương đã quyết định đưa gia đình bà vào diện hộ nghèo để được chăm lo đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước. Năm 2019, vợ chồng bà được Phòng
LĐ-TBXH H.Thống Nhất hỗ trợ 3 con dê giống với tổng trị giá khoảng 10 triệu đồng (theo dự án Nhân rộng mô hình giảm nghèo nuôi bò, dê sinh sản trên địa bàn H.Thống Nhất). Ngoài ra, gia đình bà còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi dê. Nhờ chăm sóc kỹ lưỡng, đàn dê giống của gia đình bà phát triển khỏe mạnh và sinh sản tạo đàn (có thời điểm trên 20 con).
Chính mô hình nuôi dê đã giúp vợ chồng bà Linh có nguồn thu nhập ổn định và đã dùng tiền bán dê vào việc mua tích góp được 7 sào đất làm vườn cây ăn trái. Hiện cây trồng chủ lực trong vườn cây của gia đình bà Linh là bưởi, mít.
“Hồi đó, đất ở đây còn rẻ lắm, mỗi sào chỉ có giá khoảng 30 triệu đồng. Còn giá đất hiện nay đã tăng lên từ 700-800 triệu đồng/sào” - bà Linh chia sẻ.
Nhờ biết tính toán làm ăn và sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, gia đình bà Linh đã vượt khó và vươn lên thoát nghèo bền vững suốt 3 năm qua.
“Tôi rất cảm ơn các cấp chính quyền và ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ cho gia đình có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống như hôm nay” - bà Linh bộc bạch.
Đó còn là trường hợp gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (74 tuổi, ngụ xã Quang Trung). Bà Liễu phấn khởi cho biết, gia đình bà đã không còn thuộc diện hộ nghèo vào cuối năm nay. Đặc biệt, niềm vui được nhân lên khi các con góp công, góp sức xây cho bà căn nhà rộng rãi, khang trang để ở hơn 1 tháng nay.
Chồng mất sớm, một mình bà Liễu phải gồng gánh nuôi 6 người con. Bà không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập từ làm thuê, làm mướn thường bấp bênh nên cuộc sống thiếu trước hụt sau.
Bà Liễu thuộc diện hộ nghèo và được tạo điều kiện vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội (mỗi lần vay từ 20-50 triệu đồng) để làm ăn. Bà Liễu đã dùng số vốn đi thuê đất để đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi heo. Nhờ làm ăn hiệu quả đã giúp gia đình bà có nguồn thu nhập ngày càng ổn định và có điều kiện để nuôi dạy các con khôn lớn. Hiện các con của bà đã lập gia đình và đều có công việc ổn định, cuộc sống đảm bảo.
Ông Nguyễn Hải Việt, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Nguyễn Huệ 1 (xã Quang Trung) nhận xét, dù xuất thân từ gia đình nghèo khó nhưng bà Nguyễn Thị Liễu không mặc cảm trước cuộc sống mà luôn phấn đấu tìm cách vươn lên. Điều đáng quý là bà có đức tính cần cù, không ngại khó, không ngại khổ và biết cách sử dụng nguồn vốn đầu tư làm ăn có hiệu quả để vươn lên thoát nghèo, có điều kiện xây dựng nhà mới khang trang.
* Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Năm 2004, H.Thống Nhất có 1.896 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,85% tổng số hộ dân toàn huyện. Đến năm 2023, số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 410 hộ, chiếm tỷ lệ 0,96%. Trong 20 năm qua, bình quân tỷ lệ hộ nghèo đã giảm 5,89% và vượt mục tiêu nghị quyết của huyện đề ra. H.Thống Nhất đang phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo. |
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo Phòng LĐ-TBXH H.Thống Nhất cho biết, thời gian qua, công tác giảm nghèo luôn là một trong những mục tiêu lớn, xuyên suốt, được cấp ủy, chính quyền H.Thống Nhất quan tâm, đầu tư các nguồn lực thực hiện gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện nhà trong từng giai đoạn phù hợp.
Cụ thể, huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách như: chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở, tiền điện, nước sạch, vệ sinh, thông tin, pháp lý; các chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, hỗ trợ tích cực cho các gia đình gặp hoàn cảnh rủi ro về thiên tai, lũ lụt…
Gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (ngồi thứ 2 từ phải sang, ngụ xã Quang Trung, H.Thống Nhất) đã có ngôi nhà mới khang trang |
Bên cạnh đó, H.Thống Nhất đã tích cực triển khai thực hiện dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo như: nuôi gà thả vườn, nuôi dê và nuôi bò sinh sản... nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, hướng tới thoát nghèo bền vững cho bà con.
“Việc thực hiện dự án phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng quy định, công khai, minh bạch và mang lại hiệu quả thiết thực cho các đối tượng tham gia, làm cơ sở nhân rộng cho những chu kỳ sản xuất tiếp theo” - bà Hạnh chia sẻ.
Nhờ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ đã giúp công tác giảm nghèo ở H.Thống Nhất thu được nhiều kết quả nổi bật, hàng năm các mục tiêu, chỉ tiêu về giảm nghèo đều đạt. Đặc biệt là thông qua các chương trình chăm lo đã giúp cho nhiều hộ có điều kiện phấn đấu làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững.
Hơn nữa, nhờ thực hiện tốt công tác giảm nghèo đã giúp thu nhập và đời sống của người dân trên địa bàn ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn lực để thực hiện chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động địa phương.
“Đến nay, công tác giảm nghèo đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm người nghèo tham gia và thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế của đất nước. Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đã được triển khai sâu rộng, đem lại hiệu quả thiết thực. Qua đó, một số hộ nghèo chí thú làm ăn, vươn lên thoát nghèo trên phạm vi toàn huyện, nhiều tấm gương điển hình lan tỏa tích cực trong cộng đồng” - bà Hạnh cho hay.
An Nhơn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin