Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩn trương đảm bảo nguồn cung vaccine phòng bệnh

Hạnh Dung
07:30, 27/12/2023

Thông tin từ Sở Y tế, tính đến cuối tháng 10-2023, Đồng Nai mới chỉ có 62,8% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine phòng bệnh.

Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.DUNG

Kết quả này chưa đạt chỉ tiêu đề ra (trên 95%) với nguyên nhân khách quan là thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Bị động về nguồn cung vaccine

BS CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết, giai đoạn 2016-2020, nguồn vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng được Bộ Y tế cấp phát cho các địa phương trong cả nước khá đầy đủ. Vì thế, giai đoạn này, tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vaccine đạt khá cao. Đây là tiền đề quan trọng để đạt miễn dịch cộng đồng đối với những bệnh truyền nhiễm có thể phòng được bằng vaccine.

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tình trạng thiếu hụt vaccine, cấp phát vaccine ngắt quãng từ Bộ Y tế khiến các địa phương rơi vào tình trạng bị động, không biết khi nào mới có đủ vaccine để tiêm miễn phí cho người dân. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có điều kiện đưa con đi tiêm vaccine dịch vụ, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay. Tình trạng thiếu vaccine nếu tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ “lỗ hổng” miễn dịch cộng đồng trong tương lai khiến một số loại dịch bệnh như sởi có thể bùng phát trở lại.

Thông tin từ Bộ Y tế, Chương trình tiêm chủng mở rộng dự kiến trong quý II-2024 sẽ triển khai cho trẻ uống vaccine phòng ngừa tiêu chảy (rota) miễn phí tại 33 tỉnh, thành trong cả nước (giá dịch vụ hiện từ 400-800 ngàn đồng/liều). Dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ triển khai cho toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên cả nước. Đây là nguồn vaccine do Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) hỗ trợ.

Tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng không chỉ diễn ra tại Đồng Nai, mà trên cả nước. Cụ thể, từ tháng 2-2023, cả nước đã thiếu vaccine 5 trong 1; từ tháng 4-2023, thiếu vaccine nhắc lại để phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván. Đến tháng 12, cả nước thiếu hầu hết các loại vaccine.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho hay, giai đoạn 2016-2022, Chương trình tiêm chủng mở rộng được bố trí kinh phí mua vaccine theo Quyết định số 1125 ngày 31-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu y tế - dân số. Ngoài nguồn vaccine mua theo hình thức hoạt động của dự án, còn có vaccine được hỗ trợ từ Tổ chức GAVI và các tổ chức nước ngoài khác.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn hỗ trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế có sự chuyển dịch khi Việt Nam nằm ngoài danh sách các nước có thu nhập thấp, kinh tế kém phát triển.

Năm 2023, thực hiện Luật Ngân sách nhà nước, các địa phương phải thực hiện các thủ tục mua sắm vaccine từ ngân sách của địa phương nhưng gặp khó khăn trong việc bố trí, phê duyệt kinh phí, vướng mắc thủ tục đấu thầu, phê duyệt giá cũng như kinh nghiệm triển khai.

Đối với 10 loại vaccine có khả năng sản xuất trong nước, Bộ Y tế đã rà soát các quy định của pháp luật và thực hiện mua vaccine theo hình thức đặt hàng. Bộ Y tế đã thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt phương án giá tối đa. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ phê duyệt phương án giá cụ thể. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để giải quyết, dự kiến hoàn thành trong tháng 12-2023.

Triển khai tiêm 21 ngàn liều vaccine 5 trong 1

Mới đây, sau khi tiếp nhận 490,6 ngàn liều vaccine 5 trong 1 từ nguồn tài trợ của Chính phủ Úc, Bộ Y tế đã tiến hành phân bổ cho tất cả các địa phương trong cả nước. Dự kiến số vaccine này sẽ đủ để sử dụng trong 1-2 tháng tới.

Bộ Y tế lưu ý các địa phương sau khi tiếp nhận vaccine sẽ ưu tiên vaccine tiêm cho những trẻ chưa được tiêm mũi 1; ưu tiên trẻ từ 2 tháng tuổi trước, rồi đến những trẻ có tháng tuổi lớn hơn; tiêm mũi 2, mũi 3 cho những trẻ chưa đuợc tiêm đủ 3 mũi vacine, bao gồm cả trẻ trên 12 tháng tuổi. Bộ Y tế ưu tiên tăng cường tỷ lệ cung ứng vaccine cho các địa phương miền núi, vùng khó khăn để đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine cho trẻ.

Các địa phương tổ chức tiêm chủng cần đảm bảo an toàn theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, không tiêm quá 50 trẻ em/bàn tiêm. Trẻ em cần được ở lại theo dõi 30 phút tại điểm tiêm. Cán bộ y tế tiêm chủng cần trao đổi kỹ với người thân, cha mẹ của trẻ về việc khi trẻ có những phản ứng như: sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, trẻ quấy khóc... phải theo dõi liên tục, chú ý vào ban đêm để kịp thời phát hiện dấu hiệu nặng.

BS Phan Văn Phúc vui mừng chia sẻ, đợt này Đồng Nai được phân bổ 21 ngàn liều vaccine, nhiều nhất cả nước, hơn cả TP.HCM với 14,4 ngàn liều.

Để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt hiệu quả cao, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành phân bổ số vaccine nói trên cho các huyện, thành phố để các địa phương tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi vào các đợt tiêm chủng hàng tháng.

Nói về giải pháp để có đủ vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu sửa đổi Nghị định số 104 ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng. Trong đó, cho phép bố trí ngân sách Trung ương để đảm bảo kinh phí mua vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, dự kiến hoàn thành trong tháng 1-2024.

Đồng thời, sớm hoàn thành việc mua sắm 10 loại vaccine đặt hàng trong nước theo số lượng các tỉnh, thành phố đề xuất nhu cầu đến tháng 6-2024. Qua đó để đảm bảo hoạt động cung ứng vaccine năm 2024 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều