Một trong 5 nội dung được đại biểu HĐND tỉnh tập trung chất vấn tại Kỳ họp thứ 14, HĐND khóa X mới đây liên quan đến tính ứng dụng của các đề tài KH-CN.
Theo số liệu thống kê, trong giai đoạn 2016-2020, có 108 đề tài, dự án cấp tỉnh, cấp cơ sở sau khi được công nhận nghiệm thu kết quả đều được bàn giao cho đơn vị ứng dụng và đơn vị đặt hàng để đưa vào ứng dụng trong sản xuất và đời sống. Từ năm 2021 đến nay, Sở KH-CN đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt 92 nhiệm vụ cấp tỉnh, tăng 76,72% nhiệm vụ so với giai đoạn 2016-2020 (lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ 35,87% trên tổng số nhiệm vụ được phê duyệt). Trong đó có 34/92 đề tài, dự án cấp tỉnh đã triển khai, 51/92 đề tài đang tuyển chọn đơn vị thực hiện, 7 đề tài dự án không triển khai thực hiện. Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung về kết quả 2,5 năm thực hiện công tác nghiên cứu khoa học và hiệu quả ứng dụng nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh, việc tổ chức nhân rộng mô hình sau khi tiếp nhận kết quả nghiên cứu khả thi tại các địa phương, đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Đáng chú ý, giai đoạn 2016-2020, chỉ có 25 nhiệm vụ, đề tài KH-CN được bàn giao, đưa vào ứng dụng thực tiễn/108 nhiệm vụ, đề tài được giao. Nhiều đề tài, dự án KH-CN chậm tiến độ, khả năng nhân rộng ứng dụng không cao; tỷ lệ giải ngân kinh phí sự nghiệp KH-CN còn thấp, năm 2021 đạt 50,19%, năm 2022 đạt 29,08%.
Theo Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, nguyên nhân dẫn đến việc nhiều đề tài, dự án KH-CN chậm tiến độ, khả năng ứng dụng chưa cao là do một số cấp ủy và lãnh đạo đơn vị chưa thấy hết vị trí, tầm quan trọng của công tác nghiên cứu khoa học nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH-CN vào sản xuất và đời sống. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế để thực hiện việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học; không có kinh phí để triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả vào thực tế. Đồng thời, thiếu sự phối hợp, liên kết với doanh nghiệp nhằm huy động nguồn lực ngoài xã hội.
Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo cho rằng, tỷ lệ đề tài KH-CN được nghiệm thu, đi vào thực tế cuộc sống còn thấp đã và đang đặt ra nhiều vấn đề. Trong đó phải xem xét lại chất lượng của đề tài, bởi đề tài không ứng dụng, triển khai trong thực tiễn, không giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, đặc biệt là những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra chứng tỏ hiệu quả của đề tài không cao. Vấn đề đặt ra trong nghiên cứu khoa học hiện nay là làm sao phải phản ánh được thực tiễn, giải quyết được bài toán từ thực tiễn. Điều này có trách nhiệm của cơ quan thẩm định, chủ trì, địa phương trong tiếp nhận, chuyển giao đề tài KH-CN vào sử dụng. Nên có cơ chế rõ ràng khi đề tài không thực hiện được thì trách nhiệm thuộc về ai để tránh gây lãng phí nguồn lực đầu tư.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin