Báo Đồng Nai điện tử
En

Để các đề tài nghiên cứu khoa học đi vào cuộc sống

Hạnh Dung
07:45, 17/01/2024

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học được tỉnh rất quan tâm. Nhiều đề tài, dự án được thực hiện theo đơn đặt hàng của tỉnh, các sở, ngành, địa phương.

Bàn giao kết quả đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh Phát huy nguồn lực các tôn giáo đóng góp cho sự phát triển của Đồng Nai cho Ban Tôn giáo tỉnh (thuộc Sở Nội vụ). Ảnh: H.DUNG

Sau nghiệm thu, nhiều đề tài đã được ứng dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, cũng còn nhiều đề tài chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Nghiệm thu 55/75 đề tài

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông cho biết, giai đoạn 2016-2023, sở triển khai thực hiện 75 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ cấp tỉnh, cấp cơ sở. Kết quả, có 55 đề tài đã được nghiệm thu.

Thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KH-CN đã xây dựng được 108 mô hình sản xuất, hệ thống quản lý, quy trình, công cụ, phương pháp, kế hoạch. Trong đó, đã nhân rộng 225,9ha các cây trồng chủ lực, có lợi thế so sánh cao trên địa bàn tỉnh như: cà phê, điều, chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, ca cao. Đồng thời, xây dựng các mô hình nhằm bảo tồn nguồn gen của các loài cây quý hiếm.

Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN THỊ HOÀNG đề nghị, trong năm 2024, Sở KH-CN cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ. Phải lấy doanh nghiệp làm nòng cốt để xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo dựa trên thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các đề tài, dự án thuộc chương trình nông nghiệp đã góp phần đưa nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, làm tăng năng suất, chất lượng trên các loại cây trồng, vật nuôi, giảm chi phí lao động, giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu thông qua việc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác. Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng an toàn.

Mới đây, đề tài Nghiên cứu bảo tồn và phát huy loài cây trắc (loài cây quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam) tại tỉnh Đồng Nai đã được Hội đồng KH-CN tỉnh Đồng Nai thông qua và cho phép Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm lâm nghiệp Đông Nam bộ triển khai.

ThS Nguyễn Anh Tuấn, chủ nhiệm đề tài cho biết, đề tài nhằm xác định đặc tính sinh thái của quần thể trắc tại Đồng Nai, xác định phương thức trồng rừng trắc thâm canh và làm giàu rừng. Từ đó đánh giá sinh trưởng của rừng trồng trắc thâm canh, bảo tồn tại chỗ và bảo tồn chuyển chỗ loài cây trắc tại tỉnh Đồng Nai.

Trong khi đó, các đề tài, dự án thuộc Chương trình nghiên cứu kinh tế, xã hội - nhân văn phục vụ phát triển đã góp phần phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội và nghề nghiệp trong việc giữ gìn an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Xây dựng các mô hình tăng trưởng kinh tế hướng tới phát triển bền vững, đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế, phát triển du lịch…

Triển khai các đề tài sát với thực tiễn

Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Sở KH-CN cũng thừa nhận kết quả nghiên cứu các đề tài, nhiệm vụ KH-CN khi được chuyển giao chưa được các cơ quan, đơn vị quan tâm triển khai xây dựng kế hoạch ứng dụng. Một số kết quả nhiệm vụ
KH-CN sau khi được bàn giao thì đơn vị tiếp nhận thiếu nguồn nhân lực, kinh phí và cơ sở vật chất, trang thiết bị để khai thác các kết quả nghiên cứu. Thiếu cơ chế để thực hiện việc triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học. Không có kinh phí để triển khai ứng dụng, nhân rộng kết quả vào thực tế…

Để khắc phục những hạn chế trên, theo ông Lại Thế Thông, từ năm 2024, các nhiệm vụ KH-CN được đề xuất đặt hàng sẽ tập trung vào các nội dung thực hiện các nhiệm vụ đột phá chiến lược của tỉnh, các nhiệm vụ mà ngành KH-CN được giao; quy hoạch phát triển KH-CN tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; chiến lược phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2030.

Trong đó, ưu tiên các nhiệm vụ KH-CN mang tính ứng dụng công nghệ cao, xuất phát từ thực tiễn của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh; giải quyết những nhu cầu bức xúc trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

“Các nhiệm vụ phải có địa chỉ ứng dụng cụ thể và cam kết sử dụng kết quả tạo ra khi nhiệm vụ KH-CN hoàn thành. Chú trọng đến công tác an sinh xã hội và đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia” - ông Thông nhấn mạnh.

Để làm được điều đó, Sở KH-CN sẽ chủ trì, cầu nối liên kết các viện, trường, các đơn vị nghiên cứu trong và ngoài tỉnh với các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh trong việc đề xuất các nhiệm vụ KH-CN. Đồng thời, chủ trì liên kết hợp tác, huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tham gia đối ứng nguồn lực về tài chính. Trên cơ sở các nhiệm vụ nghiên cứu xuất phát từ chính nhu cầu của doanh nghiệp sẽ giúp kết quả tạo ra được ứng dụng trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ưu tiên những nhiệm vụ KH-CN có mục tiêu và kết quả phù hợp với định hướng các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm của tỉnh; các nhiệm vụ có quy mô lớn, có tính liên ngành (phục vụ đa ngành) và liên vùng (được triển khai quy mô rộng trên địa bàn tỉnh); có doanh nghiệp trực tiếp tham gia phối hợp thực hiện…

Hạnh Dung

Tin xem nhiều