Mục đích của việc làm đẹp là để khắc phục những khuyết điểm trên cơ thể, để được đẹp hơn. Tuy nhiên, do lựa chọn cơ sở làm đẹp không đúng, người trực tiếp thực hiện các thủ thuật liên quan đến làm đẹp không có tay nghề, bằng cấp nên không ít người đã phải ngậm trái đắng.
Bác sĩ thăm khám, tư vấn trước khi làm đẹp cho khách hàng tại một bệnh viện có chuyên khoa da liễu trong tỉnh. Ảnh: H.DUNG |
Tết Nguyên đán và lễ hội Xuân 2024 đang đến gần, nhu cầu làm đẹp của người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ tăng cao. Để tránh những thảm họa trong thẩm mỹ, chị em cần hết sức thận trọng khi lựa chọn cơ sở làm đẹp.
Mù mắt sau khi tiêm filler tại spa không phép
Những ngày gần đây, dư luận trong và ngoài tỉnh rất bất bình khi một cô gái 17 tuổi ở xã Phú Lâm (H.Tân Phú) bị mù mắt trái sau khi tiêm filler làm đẹp tại một spa không có giấy phép về dịch vụ thẩm mỹ xâm lấn.
Theo đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 8-1, chị N.H.T. (nạn nhân) đến spa Y.B.C (nằm trên địa bàn xã Phú Xuân, H.Tân Phú) để làm đẹp. Ban đầu, chị T. chỉ có ý định tiêm filler vào môi và cằm, song được tư vấn tiêm thêm vào mũi. Khi tiêm vào vùng mũi, T. thấy buồn nôn, chóng mặt, một lúc sau thì không nhìn thấy đường.
Theo quy định của Bộ Y tế, người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ chuyên ngành da liễu, tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo bài bản về tiêm chất làm đầy. Cơ sở thực hiện thủ thuật phải được cấp phép. Nếu tiêm sai kỹ thuật, sử dụng filler không rõ nguồn gốc và chất lượng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thương, tàn phế vĩnh viễn một số chức năng cơ thể, thậm chí tử vong.
Người trực tiếp tiêm filler cho chị T. sau đó đã cho chị uống thuốc, nhưng không bớt. Đến khuya cùng ngày, gia đình nạn nhân biết tin đã đến đón chị T. trong tình trạng không tỉnh táo, một bên mắt không có dấu hiệu hoạt động. Gia đình đã đưa chị T. đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Định Quán, song do tình trạng quá nặng nên bệnh nhân được chuyển tiếp lên các bệnh viện tuyến trên.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, qua kiểm tra, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị tắc động mạch trung tâm võng mạc mắt trái, viêm màng bồ đào toàn bộ sau tiêm filler giờ thứ 24. Đến nay, bệnh nhân đã giảm triệu chứng đau đầu, giảm sụp mi, mắt mở được ít, giác mạc bớt phù nhưng thị lực mắt trái vẫn không cải thiện.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó chánh Văn phòng HĐND và UBND H.Tân Phú, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn H.Tân Phú cho biết, ngay sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng của huyện đã vào cuộc kiểm tra và xác định spa Y.B.C. chỉ được cấp phép hoạt động hộ kinh doanh với ngành nghề cắt tóc, gội đầu. Người thực hiện tiêm filler cho khách không phải là nhân viên của spa, người này nhờ địa điểm spa để tiêm filler cho khách. Người này cũng không có chứng chỉ, giấy phép hành nghề, loại dung dịch được tiêm chưa rõ nguồn gốc.
Đáng lưu ý, sau khi nạn nhân được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu, người trực tiếp tiêm filler cho chị T. đã nhắn tin cho chị T., có đoạn: “T. ơi, mũi em còn đau không, có gì em chụp qua cho chị và bác sĩ bên chị theo dõi nha. Chị đã xử lý xong hết rồi, em đi bệnh viện chỉ làm cho người ta vẽ bệnh thôi. Em và gia đình yên tâm nha, nó tím là do nãy giờ đụng chạm kim tiêm thôi…”.
Người này còn nhắn tin khuyên gia đình nạn nhân đừng có hoảng quá làm ảnh hưởng tâm lý nạn nhân, chỉ cần nghỉ ngơi sẽ đỡ dần. Còn nếu lên bệnh viện thì bệnh viện cũng không biết cách xử lý?
Ông Nguyễn Thanh Dũng cho hay, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện sẽ tham mưu xử phạt vi phạm hành chính đối với spa nói trên. Công an huyện vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan.
Lời khuyên của bác sĩ
Mặc dù trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, cơ sở làm đẹp…, nhưng đến nay mới chỉ có 5 cơ sở được cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa thẩm mỹ và hơn 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ.
BS CKI Nguyễn Thị Kim Hà, phụ trách chuyên môn kỹ thuật Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Kim Hà (P.Xuân Thanh, TP.Long Khánh, là một trong 5 cơ sở thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép) cho biết, ngày càng có nhiều người hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp vì nhu cầu làm đẹp của người dân rất lớn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có trình độ, chuyên môn và hiểu biết về chuyên ngành này. Nhiều người chỉ đi học cấp tốc vài tháng về làm đẹp đã về mở spa và cầm kim tiêm. Do không được đào tạo bài bản nên những người này không biết được mạch máu nằm ở vị trí nào, tiêm filler cần tiêm loại kim tiêm gì.
Filler là chất làm đầy, có tác dụng làm đầy các rãnh nhăn sâu vùng mặt, nâng mũi, hõm má, hõm thái dương, rãnh mũi, má, tạo hình cằm, tạo hình môi. Phương pháp này được nhiều người lựa chọn vì mang lại hiệu quả làm đẹp tức thời, kỹ thuật khá đơn giản, ít đau, không phải trải qua phẫu thuật.
Trong tiêm filler nâng mũi, bác sĩ có hiểu biết và tay nghề sẽ sử dụng canula, một loại kim dài đầu tù để đưa filler vào cơ thể khách hàng nhằm tránh trường hợp đưa filler vào mạch máu. Trong khi đó, những người không được đào tạo bài bản như nhân viên spa thường hay tiêm bằng kim tiêm đầu nhọn. Do không nắm được vị trí các mạch máu, những người này sẽ tiêm filler vào trong mạch máu vùng mũi, gây tắc động mạch võng mạc dẫn đến người được tiêm bị mất thị lực, mù vĩnh viễn.
Ngoài ra, theo BS Hà, các spa thường mua các loại filler trôi nổi, rẻ tiền để tiêm cho khách hàng. Nhiều khách hàng vì thấy giá rẻ và được tư vấn với những lời “có cánh” nên nhẹ dạ tin theo. Trong đó có không ít cô gái trẻ mới 16-17 tuổi đã bị mù vĩnh viễn vì nhân viên spa không phép tiêm filler không đúng cách, không đảm bảo chất lượng. Đây là hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai và chất lượng cuộc sống của khách hàng.
“Chúng tôi khuyến cáo người dân trước khi làm đẹp cần tìm hiểu kỹ cơ sở mình muốn làm đẹp có được cấp phép hay không, bác sĩ tại cơ sở có chuyên môn về thẩm mỹ hay không, các chất sẽ tiêm vào cơ thể mình có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu không đáp ứng các tiêu chí trên thì không nên lựa chọn, tránh tiền mất, tật mang” - BS Hà chia sẻ.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin