Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều trẻ em uống thuốc tân dược, thuốc diệt chuột vì bất hòa với cha mẹ

Bích Nhàn
19:55, 11/01/2024

Chỉ vì bất hòa với cha mẹ, nhiều trẻ vị thành niên đã uống thuốc tân dược, thuốc diệt chuột và thuốc trừ sâu với ý định kết thúc mạng sống.

Gần đây, nhiều bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hàng chục ca ngộ độc nói trên. Đáng chú ý, có nhiều ca phải lọc máu vì tổn thương đa cơ quan.

Lọc máu cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Lọc máu cứu bệnh nhân ngộ độc thuốc trừ sâu tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai

Cứ bất hòa với cha mẹ lại… “tự tử”?

Sau khi cự cãi với cha mẹ về chuyện học hành, em V.K.Ng., 13 tuổi, ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa đã mua thuốc trừ sâu về uống. Khi đưa vào Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, bé Ng. đã bị suy đa cơ quan như gan, thận. Ngoài truyền dịch, rửa ruột, sử dụng thuốc trung hòa độc tố, các bác sĩ phải lọc máu vì tình trạng bệnh nhân khá nặng nề. May mắn, sau 1 chu kỳ lọc máu, thận của bệnh nhân đã ổn định.

Cũng có ý định muốn “chấm dứt” cuộc đời, em N.B.B.Tr, 15 tuổi, ngụ tại phường Hóa An, thành phố Biên Hòa đã uống một lúc nhiều thuốc điều trị trầm cảm sau khi cự cãi với người thân trong gia đình. Được biết, trước đó em Tr. bị trầm cảm và phải chữa trị nhưng đã ngưng thuốc 1 tháng, trước khi sự việc xảy ra. Do có dự cảm từ trước nên gia đình đã kịp thời phát hiện và đưa em đi cấp cứu khi ngộ độc thuốc chưa quá nặng.

Không chỉ là thuốc trừ sâu, có những em đã tìm đến thuốc P. để tự tử. Trong đó, thuốc P. là thuốc giảm đau, hạ sốt, khá phổ biến, dễ mua ở bất kỳ nhà thuốc nào. Hơn nữa, hầu như gia đình nào cũng “tích trữ” ít nhiều trong nhà. Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã cấp cứu, chữa trị cho em Ng.M.H, 15 tuổi, ngụ tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa vì uống thuốc P. quá liều nhằm kết thúc mạng sống.

“Các ca ngộ độc thuốc tân dược đa phần là P. Đây là loại thuốc bán không kê đơn, dễ mua bán. Khi sử dụng liều lượng cao hơn khuyến cáo đều dẫn đến ngộ độc, thậm chí tử vong” - bác sĩ Mai Kiêm Toàn, Trưởng khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho hay.

Tỷ lệ người trẻ tự tử nhiều hơn người lớn. Trung bình với mỗi tháng, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận từ 5-10 ca ngộ độc thuốc tân dược, thuốc trừ sâu hay diệt chuột ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Nhưng nhiều nhất vẫn là lứa tuổi thanh thiếu niên và người già. Đa số bệnh nhân đều vào bệnh viện sớm do đã có “sự báo trước” khi uống thuốc. Bởi bệnh nhân có ý định tự tử sau khi xảy ra xung đột với người thân. Do đó, các bác sĩ chỉ cần rửa dạ dày, tăng thải trừ chất độc từ cơ thể để bệnh nhân ổn định.

Nhiều ca bệnh nặng, suy đa cơ quan

Điều đáng lo ngại là tình trạng trẻ từ 12-15 tuổi tìm đến thuốc tân dược, thuốc trừ sâu hay diệt chuột để tự tử không phải là hiếm. Để điều trị các ca bệnh này, với các trường hợp vào bệnh viện muộn, bệnh nhân đã bị suy đa cơ quan là khá khó khăn vì để hồi phục được chức năng gan, thận không hề dễ dàng.

Thuốc diệt chuột mà bệnh nhi dùng uống
Thuốc diệt chuột mà bệnh nhi dùng để uống

ThS BS Trần Lê Duy Cường, Phó khoa Hồi sức - Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, hầu hết các bệnh nhi trên nhập viện trong tình trạng nặng. Trong đó, có nhiều ca tụt huyết áp, co giật, tổn thương gan và thận. “Có ca nặng đến mức chúng tôi phải lọc máu để thải chất độc ở gan, thận. Đặc biệt là những em bị suy thận cấp, sau khi chữa trị, bệnh nhi vẫn phải tái khám định kỳ để kiểm tra chức năng thận” – bác sĩ Cường chia sẻ.

Chỉ 3 tháng gần đây, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã tiếp nhận chữa trị cho 10 ca ngộ độc các loại thuốc tân dược, thuốc diệt chuột… Trong đó, có ca bệnh trẻ nhập viện trong tình trạng co giật, tím môi, gồng tay chân. Nếu thời gian co giật kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương não và không hồi phục. 

Nguyên nhân dẫn đến các sự việc đau lòng này thường bắt nguồn từ sự cự cãi với cha mẹ.

Tình trạng này khá báo động, có em uống nhầm thuốc tân dược, có em tự mua thuốc về uống. Thậm chí, có em còn đặt thuốc diệt chuột trên mạng về uống. Theo bác sĩ Cường, lứa tuổi này có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, trong đó, cảm xúc, tâm lý của các em bất ổn và suy nghĩ chưa thấu đáo. Do đó, có những em khi gặp biến cố, thậm chí chỉ là xô xát, cãi vã nhỏ đã khiến các em không kiềm chế được nên nghĩ đến chuyện dại dột là tự tử.

Bác sĩ Cường cho rằng, các gia đình không nên tích trữ nhiều thuốc P. vì thuốc này dễ quá hạn sử dụng và khi uống lượng lớn sẽ gây ra ngộ độc, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do đó, mỗi gia đình chỉ nên mua sẵn 4-5 viên, tránh trường hợp quá hạn hay để trẻ tự lấy thuốc uống.

Bích Nhàn

Tin xem nhiều