Trong hội thi Khoa học kỹ thuật học sinh trung học cấp tỉnh năm học 2023-2024 được Sở GD-ĐT tổ chức vào cuối tháng 1 vừa qua, có những dự án khoa học thuộc lĩnh vực xã hội khá đặc biệt. Đó là những dự án nghiên cứu về các giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống trên địa bàn Đồng Nai.
Em Lăng Thị Thùy Duyên, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Điểu Xiểng (H.Xuân Lộc) giới thiệu trang phục phụ nữ dân tộc Nùng. Ảnh: C.Nghĩa |
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, Trưởng ban Tổ chức hội thi chia sẻ: “Những dự án nghiên cứu về văn hóa của đồng bào DTTS thường rất khó và càng khó để đoạt giải cao, nhưng không vì lý do đó mà học sinh nản lòng. Điều thôi thúc lớn nhất với các em đó chính là tình yêu văn hóa của đồng bào, mong muốn phát huy những giá trị đó trong cuộc sống”.
* Quảng bá văn hóa dân tộc Chơro
TP.Long Khánh là một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Chơro sinh sống với những nét đẹp văn hóa phong phú và đa dạng. Nhưng những nét đẹp văn hóa của người dân tộc Chơro lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một trong cuộc sống hiện đại.
Em Phạm Nguyễn An Nhiên, học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (TP.Long Khánh) chia sẻ: “Quá trình sinh sống và giao tiếp với đồng bào Chơro đã giúp em nhận ra những nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào. Đây cũng là lý do thôi thúc em tìm hiểu nhiều hơn và tìm cách phổ biến cho các bạn học sinh trong trường”.
Để có thể làm lan tỏa những nét đẹp văn hóa của đồng bào Chơro tại Long Khánh đến với học sinh, An Nhiên đã cùng với nhóm của mình tìm đến những ấp có đông đồng bào Chơro sinh sống để tìm hiểu các phong tục, tập quán của đồng bào. Các em còn vẽ lên những bức tranh lễ hội của đồng bào một cách sinh động như lễ hội cồng chiêng, lễ hội mừng lúa mới… Không dừng lại đó, các em còn tự tay dựng lên các mô hình gắn với đồng bào Chơro như: nhà dài, các loại gùi để đi săn bắn, thu hoạch mùa màng…
Học sinh thành phố bán sản phẩm cho đồng bào Mạ
Dù là những học sinh sống ở trung tâm TP.Biên Hòa nhưng nhóm của em Nguyễn Thái Bình (học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai) đã cất công thực hiện những chuyến đi đến những vùng của H.Tân Phú, H.Định Quán - nơi có đông đồng bào dân tộc Mạ sinh sống, để tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào. Ngoài việc hiểu được trang phục của dân tộc Mạ, nhóm của em Thái Bình còn học được cách dệt vải của đồng bào để dệt biểu diễn cho học sinh toàn trường xem. Thái Bình và các thành viên trong nhóm đã trực tiếp giới thiệu và bán được nhiều sản phẩm dệt làm quà lưu niệm giúp đồng bào Mạ.
Nói về niềm vui khi góp phần lan tỏa văn hóa của đồng bào DTTS Chơro, An Nhiên chia sẻ: “Cuộc sống hiện tại có rất nhiều loại hình văn hóa hấp dẫn được truyền tải qua các thiết bị thông minh. Dẫu vậy, em vẫn cảm thấy tự hào về khi giới thiệu những nét đẹp văn hóa của đồng bào Chơro theo cách của riêng mình và thu hút được nhiều bạn học sinh theo dõi. Em mong muốn không chỉ có văn hóa của đồng bào Chơro, mà văn hóa của nhiều dân tộc khác cũng sẽ được đưa vào trường học để lan tỏa thêm các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS đến với xã hội”.
* Mong ước phổ biến tiếng Nùng
Là học sinh dân tộc Nùng học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Điểu Xiểng (H.Xuân Lộc) nên 2 em Vy Văn Đạo và Lăng Thị Thùy Duyên lại càng có động lực để thực hiện dự án Nghiên cứu giữ gìn và phát huy chữ viết Nùng La tinh cho học sinh dân tộc Nùng.
Em Vy Văn Đạo cho hay: “Người Nùng có chữ viết riêng, nhưng điều đáng tiếc là hầu hết học sinh không biết đến điều này. Còn với những người dân tộc Nùng lớn tuổi hơn, dù có biết dân tộc mình có chữ viết riêng nhưng lại không biết đọc ra sao”.
Em Lăng Thị Thùy Duyên chia sẻ: “Nhóm của em đã thực hiện cuộc khảo sát với các bạn học sinh dân tộc Nùng đang học tập tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú Điểu Xiểng. Điều rất vui là sau khi khảo sát, có đến 80% cho rằng cần phải bảo tồn và phát huy những giá trị về ngôn ngữ và chữ viết của người Nùng. Đây chính là động lực quan trọng để nhóm thực hiện bước tiếp theo, đó là triển khai phổ biến dạy tiếng Nùng và chữ viết cho học sinh dân tộc Nùng bên cạnh tiếng phổ thông”.
2 em Đạo và Duyên đã cùng với giáo viên của trường triển khai dạy tiếng Nùng và chữ viết cho học sinh có nhu cầu, giúp học sinh tiếp cận với các tài liệu để học tiếng Nùng. Đặc biệt, các em đã xây dựng được cuốn sách điện tử phục vụ dạy tiếng Nùng cho học sinh. Cuốn sách này không chỉ đơn thuần để dạy tiếng nói và chữ viết, mà còn giới thiệu nhiều bài thơ, đồng dao, truyện cổ tích của đồng bào dân tộc Nùng… Bên cạnh đó, các em còn lập lên nhóm và diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Nùng với giáo viên và học sinh dân tộc Nùng trên khắp cả nước.
Công Nghĩa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin