Mạng xã hội mấy ngày vừa qua chia sẻ rầm rộ clip cô Phó hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (TP.Biên Hòa) vừa hát, vừa nhảy cùng học trò bài hát Làm gì phải hốt. Sự trẻ trung, dễ thương, gần gũi của cô giáo với những học trò Gen Z khiến nhiều người thích thú và để lại bình luận tích cực.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc cô giáo tham gia hát, nhảy cùng học trò những bài hit tạo nên không khí vui tươi, kéo gần khoảng cách giữa cô và trò. Đây cũng là dịp để cô trò hiểu nhau hơn và có sự thân thiết, gần gũi, giảm bớt sự căng thẳng sau những tiết học trên lớp. Trong clip, có thể thấy động tác của cô có lúc còn chưa được thuần thục nhưng luôn được học trò ủng hộ, hò hét, cổ vũ hết mình, vì thế giúp cô tự tin cùng học trò hoàn thành tiết mục biểu diễn một cách tốt nhất.
Thực tế, ngày càng có nhiều thầy cô “chịu chơi”, sẵn sàng tập luyện, biểu diễn với học sinh những bài hát hợp “trend”, thậm chí là nhảy, đọc rap rất chuyên nghiệp. Những video clip ghi lại các tiết mục độc đáo này luôn nhận được lượt tương tác khá cao trên mạng xã hội. Chẳng hạn như clip ghi lại tiết mục biểu diễn của một thầy phó hiệu trưởng ở Hải Phòng nhảy cùng học sinh từng gây sốt cộng đồng mạng. Danh tính thầy giáo cùng những clip trước đó của thầy hát, nhảy được tìm lại, đăng tải, tạo sự lan tỏa và yêu thích của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018 đang được áp dụng ở bậc học phổ thông dành một thời lượng khá lớn cho các hoạt động ngoài giờ lên lớp, trong đó đặc biệt khuyến khích những hoạt động làm gia tăng sự sáng tạo. Ngoài giờ học với những cải tiến nhằm loại bỏ các tiết học theo kiểu đọc - chép, công nghệ thông tin được áp dụng mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tích cực nhằm thu hút học sinh tham gia trực tiếp vào diễn biến từng môn học. Thầy được thỏa sức sáng tạo để kích thích sự sáng tạo của học trò. Cách học thụ động đã và đang được thay thế bằng phương pháp học chủ động, tăng khả năng tương tác, trao đổi giữa thầy và trò.
Hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng phong phú hơn với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, trong đó việc xây dựng những chương trình văn nghệ có sự kết hợp giữa học sinh và giáo viên ngày càng phổ biến, tạo được hiệu ứng tích cực ở trường phổ thông, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Thực tế, học sinh rất thích thú khi chứng kiến thầy cô của mình vui vẻ, cùng nhảy, cùng hát với mình. Thầy cô cũng từ kênh tiếp cận này mà hiểu học trò hơn, từ đó dễ dàng trao đổi, nắm bắt tâm tư các em.
Hiệu ứng từ các tiết mục biểu diễn “cây nhà lá vườn” giữa thầy và trò thời gian qua khá tích cực, cần được nhân rộng hơn nữa để mỗi ngày đến trường thực sự là mỗi ngày vui đối với cả học sinh và giáo viên.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin