Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiềm năng đào tạo ngành Vi mạch

Hải Yến
07:30, 21/02/2024

Chính phủ đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 50 ngàn nhân lực ngành Vi mạch cung cấp cho thị trường lao động. Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều trường đại học trong cả nước đã đầu tư, mở mã ngành và bắt đầu kế hoạch tuyển sinh, đào tạo kỹ sư vi mạch.

Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế SUN EDU ký kết về việc xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch
Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế SUN EDU ký kết về việc xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch. Ảnh: H.YẾN

Tại Đồng Nai, Trường đại học Lạc Hồng là đơn vị tiên phong hợp tác xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch. Cùng với đó, Trường đại học Đồng Nai đang có kế hoạch đào tạo nhân sự để chuẩn bị tham gia đào tạo chuyên ngành “hot” này.

Không lo thiếu việc làm

Một trong những yếu tố được học sinh quan tâm hàng đầu khi lựa chọn ngành học sau khi tốt nghiệp THPT là cơ hội việc làm sau khi ra trường. Trong khi nhiều ngành nghề khác của thị trường lao động đang bão hòa thì nhân lực ngành Vi mạch đang rất khan hiếm.

Việt Nam hiện có khoảng 50 doanh nghiệp đầu tư ngành công nghiệp thiết kế Vi mạch bán dẫn và 3 doanh nghiệp đầu tư mảng đóng gói sản phẩm vi mạch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư ngành này. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đến năm 2030, Việt Nam cần có 50 ngàn nhân lực ngành Vi mạch với trình độ từ đại học trở lên. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước hiện chỉ có khoảng 5 ngàn nhân lực ngành này. Số liệu nêu trên cho thấy cơ hội việc làm rộng mở của các kỹ sư thiết kế vi mạch.

Theo TS Nguyễn Đình Long, Trưởng bộ môn Điện - điện tử, Khoa Kỹ thuật, Trường đại học Đồng Nai, khu vực TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương có nhiều khu công nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp ngành Cơ điện - điện tử. Do đó, nhu cầu nhân lực ngành Vi mạch là rất lớn. Nếu Đồng Nai có thể đào tạo ngành Vi mạch được sẽ rất khả thi để cung cấp nhân lực không chỉ cho Đồng Nai, mà còn cho vùng và cả nước.

Theo TS Nguyễn Đình Long, Trưởng bộ môn Điện - điện tử, Khoa Kỹ thuật Trường đại học Đồng Nai, trường hiện có Khoa Kỹ thuật đào tạo 2 ngành Cơ khí, Điện - điện tử. Trong các học phần của ngành Điện - điện tử cung cấp cho người học những kiến thức cốt lõi, cơ bản nhất của ngành Vi mạch bán dẫn.

“Vi mạch bán dẫn thuộc ngành Công nghiệp điện tử. Muốn đầu tư một cách bài bản để đào tạo được kỹ sư vi mạch bán dẫn như Chính phủ mong muốn cần có mã ngành riêng để đào tạo chuyên sâu” - TS Long cho biết.

Cũng theo TS Long, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Trường đại học Đồng Nai có kế hoạch mở ngành đào tạo Vi mạch. Trong thời gian tới, Trường đại học Đồng Nai sẽ hợp tác đào tạo giảng viên, chuyên gia để chuẩn bị nhân lực cho việc mở mã ngành.

Sẽ sớm mở mã ngành Vi mạch

Mới đây, Trường đại học Lạc Hồng và Công ty CP Giáo dục quốc tế SUN EDU thực hiện ký kết hợp tác chiến lược về việc xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch tại Trường đại học Lạc Hồng. Hai bên cam kết hỗ trợ nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Lãnh đạo Sở TT-TT và các trường đại học của Đồng Nai tham quan, tìm hiểu về quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn
Lãnh đạo Sở TT-TT và các trường đại học của Đồng Nai tham quan, tìm hiểu về quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn

Cũng theo bản ký kết hợp tác này, hai bên sẽ tập trung vào việc phát triển các chương trình đào tạo tiên tiến, cung cấp kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành cho sinh viên. Qua đó nâng cao năng lực và chuẩn bị cho họ trở thành những chuyên gia chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn. Hai bên xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư vi mạch một cách toàn diện, đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường lao động và ngành Công nghiệp.

Theo PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, chuyên ngành thiết kế Vi mạch đang là chuyên ngành nhỏ của ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử đang được đào tạo tại nhà trường. Trong thời gian qua, giảng viên và sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử đã thực hiện rất nhiều dự án chuyển giao cho doanh nghiệp. Phần điều khiển bằng các bo mạch điện tử của các dự án này đều do chính giảng viên, sinh viên của trường nghiên cứu thiết kế.

“Những bo mạch điều khiển này là những bo mạch điện tử, tuy rằng bo mạch này có kích thước lớn chứ không phải con chip vi mạch bán dẫn siêu nhỏ như các công nghệ hiện tại. Nhưng từ những nguyên lý cơ bản, những kiến thức về thiết kế bo mạch này có thể nâng cấp thêm, trang bị thêm kiến thức về công cụ thiết kế vi mạch rất nhanh” - PGS-TS Nguyễn Vũ Quỳnh cho hay.

Trong thời gian tới, Trường đại học Lạc Hồng sẽ khai giảng khóa đào tạo giảng viên đầu tiên về vi mạch bán dẫn. Các khóa tiếp theo sẽ đào tạo cho sinh viên các chuyên ngành kỹ thuật gần với ngành Vi mạch bán dẫn để phục vụ cho nguồn nhân lực đang thiếu hụt hiện tại. Nhà trường sẽ cử giảng viên đi học trong và ngoài nước để đào tạo thành các chuyên gia trong lĩnh vực này.

Phó hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho biết, đầu năm 2025, nhà trường sẽ cử đoàn hơn 20 giảng viên và sinh viên tham gia khóa đào tạo thiết kế vi mạch tại Trường đại học Nam Đài Loan (học bổng do doanh nghiệp và chính phủ Đài Loan tài trợ). Song song với việc chuẩn bị đội ngũ, trường tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo. Bên cạnh việc tự trang bị, trường còn được doanh nghiệp hợp tác chuyển giao một số máy móc thiết kế, chế tạo vi mạch đang sử dụng trong sản xuất để phục vụ đào tạo cho sinh viên.

Với những nền tảng trên, Trường đại học Lạc Hồng sẽ sớm mở ngành Vi mạch bán dẫn.

Hải Yến

Tin xem nhiều