Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 62,5 tuổi năm 1989 lên 74,7 tuổi vào năm 2022, cao hơn tuổi thọ bình quân của thế giới (72 tuổi).
Bác sĩ Nguyễn Võ Chiến (Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh) kiểm tra sức khỏe cho ông T.T.Đ. Ảnh: H.DUNG |
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Viện Dân số, sức khỏe và phát triển Việt Nam, số năm trung bình sống khỏe mạnh của người Việt Nam hiện chỉ đạt 64 tuổi.
* Nỗi lo bệnh tật
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Võ Chiến, Khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, cho biết tốc độ già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh trên cả nước nói chung và tại Đồng Nai nói riêng. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận và điều trị cho từ 80-90 bệnh nhân là người cao tuổi (NCT). Những bệnh NCT thường mắc phải và điều trị tại khoa như: tăng huyết áp, đái tháo đường, suy thận, suy tim… Đa số bệnh nhân từ 65 tuổi trở lên, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng phải thường xuyên nhập viện, điều trị lâu dài.
Ông T.T.Đ. (65 tuổi, ngụ phường Xuân Trung, thành phố Long Khánh) bị suy thận mạn đã nhiều năm, đến nay đã ở giai đoạn 5, kèm theo bệnh tăng huyết áp. Lần nhập viện cấp cứu mới đây, ông Đ. bị xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu nặng. Các bác sĩ phải khẩn trương cấp cứu, truyền máu, lọc máu, đảm bảo chế độ dinh dưỡng. Mỗi lần kiểm tra sức khỏe cho ông Đ., bác sĩ Chiến đều cẩn thận dặn dò bệnh nhân kiêng ăn mặn, khi xuất viện về nhà không được sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
Ở tuổi 73 nhưng ông N.D. (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) đã có “thâm niên” 8 năm chống chọi với bệnh ung thư phổi, cao huyết áp, thường xuyên phải đến bệnh viện thăm khám và điều trị.
Ông D. tâm sự, ông biết bản thân mắc bệnh trong một lần tình cờ đi khám sức khỏe tại bệnh viện. Từ một người khỏe mạnh, ông D. suy sụp nhanh chóng. Nhưng được sự động viên của gia đình, ông D. tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ nên sức khỏe dần khá hơn.
“Gần đây, toàn thân tôi bị phù, sức khỏe giảm sút rõ rệt, đi đâu cũng phải dùng xe lăn, không còn khả năng vận động như trước. Tần suất đi bệnh viện cũng vì thế mà dày hơn. Các con vì tôi mà phải nghỉ làm để ở nhà chăm sóc tôi” - ông D. chia sẻ.
Ông Đ. và ông D. là 2 trong rất nhiều NCT đang gặp vấn đề về sức khỏe và cần sự chăm sóc, hỗ trợ của người thân, ngành y tế. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Dân số, sức khỏe và phát triển Việt Nam, có đến 62,3% NCT Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp; 67% người già có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu. Trung bình một người già mắc 3 chứng bệnh cần theo dõi, chăm sóc y tế.
Phó giám đốc Sở Y tế VÕ THỊ NGỌC LẮM cho biết, trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND tỉnh những nội dung liên quan đến việc hỗ trợ và kêu gọi đầu tư xây dựng bệnh viện lão khoa trong tương lai cũng như các cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT. Các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh sẽ từng bước nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực, mở các khoa lão trong bệnh viện để NCT được tiếp cận và chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
* Quan tâm chăm sóc sức khỏe NCT
Đồng Nai hiện có khoảng 300 ngàn NCT (từ 60 tuổi trở lên), chiếm khoảng 8,5% tổng dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tiếp theo. Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe NCT, từ năm 2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT trên địa bàn tỉnh.
Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai Lương Quỳnh Trang cho biết, chi cục đang tiếp tục phối hợp triển khai các hoạt động nhằm chăm sóc sức khỏe cho NCT tại 170 xã, phường, thị trấn trong tỉnh như: truyền thông chính sách, pháp luật liên quan đến NCT trên hệ thống đài truyền thanh. Trạm y tế hỗ trợ truyền thông tại các buổi sinh hoạt câu lạc bộ NCT trên địa bàn với các nội dung về tâm sinh lý của NCT, chăm sóc sức khỏe NCT, phổ biến kiến thức về rèn luyện thân thể, tăng cường sức khỏe và phòng, chống bệnh tật, đặc biệt là những bệnh thường gặp ở NCT như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, ung thư, đột quỵ, sa sút trí tuệ…
“Trong năm 2023, Chi cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình Đồng Nai đã phối hợp tổ chức chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh thường gặp ở NCT tại 170 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho hơn 14,1 ngàn NCT, tư vấn hướng dẫn chuyển tuyến trên cho 506 NCT mắc các bệnh nặng. Các cơ sở y tế trong tỉnh vận động nguồn lực, tổ chức khám mắt cho 6,8 ngàn NCT, mổ mắt cho 322 cụ, cấp mắt kính miễn phí cho 100 cụ” - bà Lương Quỳnh Trang cho hay.
Có thể thấy, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung khá cao, gây sức ép khá lớn cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, đến nay Đồng Nai chưa có bệnh viện chuyên về lão khoa, chưa có bệnh viện nào có khoa lão học riêng, chỉ có một số ít bệnh viện ghép vào khoa nội tim mạch thành khoa nội tim mạch - lão học.
Tại buổi gặp mặt chúc mừng ngành y tế nhân kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị ngành y tế cần nỗ lực nhiều hơn nữa, thực hiện tốt công tác dự phòng để giảm thiểu số người mắc bệnh và gây áp lực cho hệ thống điều trị. Trong đó, cần quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT, đảm bảo nâng cao chất lượng sống cho NCT trên địa bàn tỉnh.
Hạnh Dung
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin