Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi chọn ngành, chọn trường

Phương Liễu
08:32, 13/03/2024

Thời điểm này, nhiều học sinh cuối bậc trung học phổ thông (THPT) đang chuẩn bị làm hồ sơ, chọn nguyện vọng vào các trường đại học. Việc chọn học đúng ngành, đúng trường, phù hợp với khả năng, đam mê của học sinh lúc này là hết sức quan trọng.

Một sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đam mê với ngành học mà mình đã lựa chọn. Ảnh minh họa: P.Liễu
Một sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh đam mê với ngành học mà mình đã lựa chọn. Ảnh minh họa: P.Liễu

Theo tư vấn của các chuyên gia, trước khi chọn ngành, chọn trường, học sinh cần nghiêm túc đánh giá năng lực, xác định đúng ước mơ, sở trường của mình, không hùa theo bạn bè hay theo ý cha mẹ mà chọn ngành nghề mà mình không thích.

* Sai một ly, đi một dặm

Với sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhà trường, giáo viên, phụ huynh và sự chủ động tìm hiểu thì đa phần học sinh đã đánh giá được năng lực bản thân, biết định hướng và lựa chọn ngành sẽ theo học ngay từ những năm học THPT giúp các em phát huy được đam mê và sở trường khi học đúng ngành nghề mình thích.

Em Nguyễn Trọng Hoàng Minh (ngụ phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), sinh viên năm thứ ba Trường đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết: “Em đi theo ngành y không phải vì mong muốn của ba mẹ em, mà trước hết là ước mơ từ nhỏ của em. Do chọn học đúng ngành, đúng trường nên dù học y khá vất vả nhưng em không thấy quá áp lực”.

Bên cạnh những học sinh ngay từ đầu đã xác định được ngành nghề mình sẽ theo học thì vẫn có những học sinh lại chọn trường theo trào lưu, theo mong muốn của cha mẹ để rồi việc học đứt gãy giữa đường.

Mấy tháng nay, vợ chồng ông T.V.K. (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) rất buồn vì con trai thông báo bỏ học khi vừa xong năm thứ hai tại Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Do làm nghề kinh doanh nên vợ chồng ông muốn con học ngành kinh tế, trong khi con lại thích ngành kỹ thuật. Trước sức ép của cha mẹ, con trai của ông bà cũng vào học ngành kinh tế - luật, nhưng sau đó quyết định bỏ học vì chán nản khi học ngành không phù hợp.

Con trai vợ chồng ông T.V.K. cho biết: “Thoạt đầu em nghĩ, dù không thích nhưng em cũng học cho ba mẹ vui, nhưng vào rồi mới thấy thực sự không hứng thú. Mới đây, em tìm được một trường nghề ở Đức đang tuyển sinh viên diện vừa học vừa làm. Em đang học tiếng Đức để được học, được làm theo đúng ngành mình yêu thích”.

Còn em M.N.H. (ngụ huyện Cẩm Mỹ), sinh viên Trường đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh vừa xin bảo lưu kết quả khi đang học năm thứ hai Khoa Kiến trúc của trường này.

Theo em H., khi chọn ngành, do có khiếu hội họa nên cha em tư vấn học 2 ngành kiến trúc hoặc mỹ thuật. Khi đặt nguyện vọng, cha nói em nên theo ngành kiến trúc, ra trường sẽ có việc làm và thu nhập tốt hơn. Song vào học rồi mới thấy em không phù hợp với ngành này vì thích bay nhảy hơn là kiên nhẫn ngồi làm mô hình tỉ mỉ, vẽ những bản thiết kế dày đặc chi tiết.

“Chính vì vậy ngay từ năm nhất em đã bị “lầy” (bài không đạt) 3/4 đồ án; lên năm thứ hai, làm 2 đồ án thì em bị “lầy” cả 2. Em đành bảo lưu kết quả, đi làm, có thời gian để suy nghĩ mình có thích hợp để học kiến trúc nữa hay không rồi tính tiếp” - em H. chia sẻ.

Tương tự, em T.T.N.M. (ngụ phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa) cũng tuyên bố bỏ học, không trở lại trường sau khi về nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Trước đó, M. thích ngành truyền thông và tổ chức sự kiện của Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn (Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng vì cha mẹ đều làm trong ngành công an nên muốn em theo học ngành luật. Dù đã theo  học 2 năm ở Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng M. vẫn quyết tâm dừng lại vì ngành học quá… khô khan.

* Học sinh nên xác định được sở trường

Về vấn đề chọn ngành, chọn trường, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Võ Ngọc Thạch cho biết, xác định ngành học, trường học là hết sức quan trọng để đặt nền móng căn bản cho tương lai. Trong thực tế, đã có nhiều em lựa chọn ngành nghề, chọn trường đại học không phải vì niềm đam mê hay sở thích, năng lực của chính mình mà là theo bạn bè, theo yêu cầu, định hướng, tư vấn nghề nghiệp của người thân trong gia đình kiểu “cha truyền con nối”, với mong muốn sau này con cái tiếp tục “nối nghiệp” gia đình… dẫn đến nhiều em sau khi vào giảng đường đại học hoặc theo học được một thời gian, một vài học kỳ đã có biểu hiện, cảm giác chán nản vì ngành nghề không phù hợp với mình, đành bỏ học hoặc chuyển hướng giữa chừng.

Thạc sĩ Nguyễn Công Bình, Chánh Văn phòng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh Đồng Nai, cho biết định hướng, tư vấn nghề nghiệp của cha mẹ đối với con trước ngưỡng cửa học đại học là điều hết sức quan trọng, góp phần cung cấp thông tin, kiến thức về ngành nghề, giúp con biết được đâu là khả năng, năng lực, sở thích, hướng đi đúng đắn và đam mê của mình. Thế nhưng, hãy để các em quyết định lựa chọn học ngành nào, trường nào. Bởi người học chính là các em chứ không phải là phụ huynh.

Quyết định 522/QĐ-TTg ngày 14-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 đã yêu cầu ngành giáo dục - đào tạo các địa phương chú trọng đưa nội dung giáo dục hướng nghiệp tích hợp trong chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; đa dạng hóa, vận dụng linh hoạt các hình thức tư vấn hướng nghiệp phù hợp với lứa tuổi học sinh; cung cấp kịp thời thông tin về cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chính sách đối với người học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, chính sách ưu đãi trong giáo dục nghề nghiệp, cơ hội khởi nghiệp, tìm kiếm việc làm, xu hướng thị trường lao động và nhu cầu sử dụng của thị trường lao động cho học sinh biết. Đồng thời nhà trường, thầy cô phát huy vai trò tư vấn, hướng dẫn và cung cấp thông tin liên quan để giúp học sinh lựa chọn nghề.

“Để tránh tình trạng chọn “nhầm” ngành, học “nhầm” trường, mỗi học sinh khi định hướng nghề nghiệp trước hết phải xác định được “mình muốn gì” để quyết định nghề nghiệp sau này của bản thân bằng chính năng lực, khả năng vốn có, niềm đam mê và mơ ước từ chính mình để không mất thời gian, công sức lẫn tiền bạc khi việc học hành bị “đứt gánh giữa đường” do không có hứng thú và đam mê với ngành học mà người khác chọn cho mình” - ông Võ Ngọc Thạch khuyến cáo.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thành phố Biên Hòa) Trịnh Phương Ngọc cho hay, công tác tư vấn tuyển sinh liên quan đến chọn ngành, chọn trường của học sinh cuối bậc THPT rất được trường quan tâm. Hoạt động này được rải đều trong năm học chứ không chỉ tập trung vào thời điểm các em chuẩn bị thi tốt nghiệp. Các hoạt động này gồm tư vấn, giải đáp, cung cấp thông tin liên quan đến các ngành nghề mà học sinh quan tâm. Năm nào trường cũng mời một số trường đại học tại Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đến để tư vấn tuyển sinh; kết nối với các trường đại học đưa học sinh tham quan trực tiếp tại trường để các em có thêm thông tin, thêm sự hình dung về ngành học để có sự chọn lựa đúng hướng.

Phương Liễu

Tin xem nhiều