>>> Bài 1: Nơi “đất lành chim đậu”
Đông Nam Bộ (ĐNB) là vùng kinh tế trọng điểm năng động, nhạy bén trong tư duy phát triển kinh tế. Quá trình phát triển của vùng đã thu hút hàng triệu lao động từ khắp nơi đến sinh sống và lập nghiệp, tạo nên một vùng dân cư đông đúc và sầm uất. Tuy nhiên, đây cũng là vùng đang gặp nhiều thách thức trong việc thu hút nguồn lao động chất lượng cao tới làm việc, sinh sống.
Các chuyên gia châu Âu tìm hiểu công nghệ đào tạo xanh tại Trường đại học Việt - Đức (tỉnh Bình Dương). Ảnh: Thiên Lý |
Từ thực tiễn lịch sử phát triển của vùng ĐNB, đặc biệt là ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã “thai nghén” nhiều chính sách phát triển kinh tế năng động, sáng tạo, giúp trung ương nghiên cứu và nhân rộng ra cả nước. Điển hình là phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tạo ra hàng chục triệu việc làm và đóng góp lớn cho ngân sách.
Điểm đến của hàng triệu lao động
Vùng ĐNB dù chỉ chiếm 7% diện tích tự nhiên nhưng lại chiếm 20% dân số cả nước. Đặc biệt các tỉnh, thành trong vùng hàng năm đóng góp đến trên 30% tổng sản phẩm quốc nội, gần 40% ngân sách và 35% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Sở hữu nhiều lợi thế tự nhiên, con người cần cù, năng động nên ĐNB đã phát triển đa dạng các ngành nghề từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng, thương mại đến du lịch, dịch vụ… Đi cùng với sự phát triển mạnh mẽ là nhu cầu về nhân lực đa dạng, thúc đẩy mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo đa dạng.
Đến nay, ĐNB có hơn 353 ngàn doanh nghiệp (DN) (chiếm 41,2% DN cả nước) và hơn 5,3 triệu lao động (chiếm 36,6% lao động cả nước), trong đó Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai được coi là tâm điểm thu hút lao động đến từ khắp mọi miền. Tính đến cuối năm 2023, thu nhập của lao động trong vùng đã đạt mức trung bình trên 9 triệu đồng/người/tháng (cao hơn mức trung bình cả nước là 7,1 triệu đồng/tháng).
Không chỉ lực lượng lao động đến từ khắp các vùng, miền trong cả nước xem ĐNB là mảnh đất lành, nhiều người nước ngoài có trình độ cao cũng đã tìm đến đây làm việc ở rất nhiều lĩnh vực. Lực lượng lao động có trình độ đến từ các quốc gia trên thế giới không chỉ đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, mà còn chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng làm việc, nhất là khả năng ngoại ngữ. Hiện vùng ĐNB được đánh giá có tỷ lệ người lao động biết sử dụng ngoại ngữ trong công việc cao hơn các vùng còn lại trên cả nước.
Anh Phạm Quang Thắng, quê gốc tỉnh Hà Tĩnh, chia sẻ: “Gia đình tôi vào sinh sống tại thành phố Biên Hòa đã hơn 30 năm. Nhờ chịu học hành và làm việc chăm chỉ nên cả 3 anh em chúng tôi đều có công việc và cuộc sống khá giả. Hiện một người anh của tôi làm quản lý ở Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, một người làm việc tại Khu công nghiệp VSIP 1, tỉnh Bình Dương, còn tôi làm việc tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai”.
Trong khi đó, chị Lê Thị Kiều Trang cho hay, 18 năm trước, chị từ tỉnh Gia Lai đến tỉnh Bình Dương học đại học. Ban đầu, chị dự tính tốt nghiệp đại học xong về nơi mình sinh ra để làm việc. Nhưng rồi cuộc sống ở vùng ĐNB quá năng động, hấp dẫn đã giữ chân chị ở lại Bình Dương làm việc đến tận bây giờ. Hiện chị Trang đã có chồng và 2 con gái học lớp 1 và lớp 3.
Chị Trang chia sẻ: “Môi trường làm việc và thu nhập ở Bình Dương rất thuận lợi, điều kiện sinh hoạt phù hợp để tôi có thể phát triển bản thân nên tôi hài lòng với quyết định của mình khi ở lại đây lập nghiệp”.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai NGUYỄN SƠN HÙNG:
Nguồn nhân lực là động lực tăng trưởng cho kinh tế Đồng Nai
Đến nay, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh, thành có số lượng lao động lớn nhất vùng ĐNB. Tinh thần, trách nhiệm, ý thức kỷ luật của người lao động là vốn quý, là động lực tăng trưởng cho Đồng Nai vượt qua mọi khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Xác định tầm quan trọng của người lao động, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư chất lượng cao, từ đó tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới với điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập ổn định hơn, đồng thời làm tốt chế độ an sinh xã hội cho người lao động.
Ông Hàn Quốc Diệu, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: “Vùng kinh tế trọng điểm ĐNB của Việt Nam không chỉ có nguồn nhân lực dồi dào, mà còn có khả năng thích ứng nhanh với công việc sản xuất. Ý thức tổ chức kỷ luật cũng là điểm cộng khi các DN cân nhắc quyết định đầu tư vào các tỉnh, thành trong vùng”.
Tiến sĩ Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai), cho biết: “Hơn 25 năm thành lập, đến nay nhà trường đã đào tạo hàng chục ngàn sinh viên ở các ngành. Điều đặc biệt là có đến 70-75% sinh viên đến từ các địa phương khác trên cả nước. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp, phần đông các sinh viên thường ở lại các tỉnh, thành ĐNB để làm việc, trong đó nhiều nhất là ở Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh. Điều đó cũng cho thấy ĐNB có cơ hội, điều kiện việc làm rất tốt với sinh viên đã qua đào tạo”.
Dấu ấn từ sự cần cù
Không chỉ sở hữu lực lượng lao động dồi dào, năng suất làm việc của lao động vùng ĐNB còn được các DN đánh giá khá cao. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê vào năm 2022, năng suất lao động tại vùng ĐNB là xấp xỉ 299 triệu đồng/người/năm và cao hơn các vùng còn lại. Năng suất lao động cao chính là động lực giúp kinh tế vùng ĐNB phát triển, đồng thời gia tăng tính cạnh tranh của vùng trong thu hút các nhà đầu tư.
Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Taekwang Vina TKG (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) Đinh Sỹ Phúc cho hay, cách đây tròn 30 năm, công ty thành lập nhà máy đầu tiên tại Đồng Nai chỉ với vài ngàn lao động, nhưng nay đã tăng lên trên 30 ngàn người. Ngoài Đồng Nai, công ty còn có nhà máy ở Khu công nghiệp Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh) với hàng chục ngàn lao động. Hàng năm, công ty luôn hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh, được các đối tác đánh giá rất cao về chất lượng sản phẩm cũng như thời gian đáp ứng các hợp đồng.
Những năm qua, nhiều tập đoàn và DN lớn trên thế giới đã xem xét kỹ các tiềm năng, lợi thế của ĐNB, trong đó có yếu tố con người để đưa ra quyết định chọn vùng đất này trở thành địa chỉ sản xuất quy mô lớn. Điển hình như Tập đoàn Phong Thái, Pouchen của Đài Loan - Trung Quốc, Taekwang TKG Vina của Hàn Quốc, Tập đoàn CP của Thái Lan và nhiều DN ngành điện tử của Nhật Bản…
Đơn cử Tập đoàn Pouchen chuyên sản xuất giày thể thao với 8 nhà máy hoạt động từ Thành phố Hồ Chí Minh đến Đồng Nai, tạo việc làm ổn định cho trên 94 ngàn lao động. Hay Tập đoàn Bosch của Cộng hòa liên bang Đức đã chọn Thành phố Hồ Chí Minh để thành lập Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) và nhà máy sản xuất dây đai truyền lực trong ô tô tại Khu công nghiệp Long Thành (Đồng Nai) với số lượng lao động chất lượng cao đến hàng ngàn người.
Anh Lê Toàn Thắng (làm việc tại Công ty TNHH Intel Việt Nam, Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2014 và vào làm việc tại Công ty TNHH Intel Việt Nam từ đó cho đến nay. Môi trường làm việc ở công ty và cuộc sống ở Thành phố Hồ Chí Minh rất năng động, đi lại, di chuyển tương đối dễ dàng, người dân thân thiện và nghĩa tình. Tôi đã coi Thành phố Hồ Chí Minh như quê hương thứ 2 của mình và rất kỳ vọng vào tương lai của thành phố sẽ còn lớn và hiện đại hơn”.
Trong khi đó, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ, Bình Dương đã có những bước phát triển, tạo sức hút mạnh mẽ với người lao động khắp nơi đến làm ăn, sinh sống và góp phần phát triển cho tỉnh. Bình Dương luôn coi người lao động ngoài tỉnh đến đây làm việc như người nhà và sẵn sàng tạo thuận lợi để họ tiếp cận việc làm nhanh nhất. Đến nay, tỉnh có 1,2 triệu lao động, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh và tương đương với quy mô của Đồng Nai. Đặc biệt, nhờ năng suất làm việc tốt nên thu nhập bình quân của người lao động Bình Dương thuộc tốp đầu, trung bình 9,5 triệu đồng/tháng.
Công Nghĩa - Nguyễn Hòa
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin